Chống tham nhũng: Cần thận trọng khi mở ra khu vực tư

31/05/2018 18:48 GMT+7

Trước các ý kiến trái chiều về việc có nên mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm cả các doanh nghiệp tư nhân không, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần cân nhắc thận trọng quy định này.

Đó là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi trao đổi bên lề với báo giới tại phiên thảo luận tổ của đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ về dự luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chiều nay, 31.5.

Trước đó, dự luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đưa ra một số nội dung mới, trong đó có việc mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; các tổ chức xã hội do thủ tướng, bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập… 

Theo ban soạn thảo, cần có sự kiểm soát chặt chẽ các nhóm đối tượng trên để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Quy định này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả PCTN trong khu vực nhà nước.

Thẩm tra dự luật sáng cùng ngày, Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội cũng đồng tình về sự cần thiết mở rộng đối tượng, phạm vi áp dụng của luật như đã nêu trên. Theo Uỷ ban này, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp trên có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đồng thời, đây là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện… Do vậy, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng.

Chia sẻ báo chí bên lề phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là một nội dung vô cùng quan trọng, liên quan trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt khối tư nhân. Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật mở rộng đối tượng là điều cần thiết, song phạm vi tới đâu, điều chỉnh đối tượng như thế nào, cần phải cân nhắc.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các doanh nghiệp này đang quản lý, sử dụng tiền và tài sản của nhà nước, nên việc đưa vào luật sửa đổi là không phải bàn. Tuy nhiên, hiện nay Đảng cho chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ đang tạo mọi điều kiện để môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển, Thủ tướng ra quy định không thanh kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần trong 1 năm… nếu lại thêm luật Phòng chống, tham nhũng điều chỉnh nữa, liệu họ có làm ăn được?

Luật phải bảo vệ cho người dân yên tâm làm ăn

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thêm quan điểm: đã phòng chống tham nhũng thì phải kiểm soát, song biện pháp như thế nào cho hợp lý, chứ “không thể lấy danh nghĩa rồi nay đoàn này vào, mai đoàn kia đến để kiểm tra". Hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội cho hay, theo các cam kết tại Công ước về phòng chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc, tùy mỗi quốc gia và điều kiện cụ thể, nguyên tắc cơ bản của luật pháp nước đó sẽ có những biện pháp phù hợp để mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực tư.

Một quan điểm khác, theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay việc phòng chống tham nhũng trong khu vực công theo phản ánh từ dư luận còn chưa tốt, dân còn chưa hài lòng, thì đã nên hướng tới việc mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật không, hay tập trung vào khu vực chính là nhà nước đã.

Trao đổi thêm với Thanh NiênChủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, khu vực tư nhân hiện nay cũng có nhiều công cụ kiểm soát, ví dụ: chứng khoán có luật Chứng khoán rất chặt chẽ, các ngân hàng có luật Tổ chức tín dụng, luật Ngân hàng nhà nước; doanh nghiệp chịu điều chỉnh luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư….

“Cái gì cũng có hệ thống để kiểm soát, giờ có thêm luật nữa là phòng, chống tham nhũng bao trùm lên hết có nên không? Chúng ta cần bàn kỹ, mở rộng ra phạm vi như nào, đối tượng nào. Đâu phải cứ thấy doanh nghiệp tư nhân bé bé, hay cứ mở xí nghiệp kẹo dừa là thanh tra, kiểm tra tham nhũng người ta”, bà Ngân lưu ý.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, với các đối tượng doanh nghiệp có quan hệ làm ăn, liên quan tới dự án công, sử dụng vốn từ ngân sách, đặc biệt, các dự án hàng nghìn tỉ đồng, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần,… thì phải xem xét, cân nhắc nên đưa vào đối tượng điều chỉnh của Luật không?

“Ai cũng ghét, ai cũng muốn chống tham nhũng, nhưng khi đi vào luật là lời văn, quy định thì không phải cứ ghét là làm. Luật để tạo hành lang, duy trì trật tự xã hội, để tạo ra tâm lý cho người ta cảm thấy yên tâm sinh sống, làm ăn và được pháp luật bảo vệ”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.