Chủ đầu tư nói gì về BOT An Sương - An Lạc?

27/01/2019 19:44 GMT+7

Từ 14 giờ ngày 30 tháng Chạp (ngày 4.2.2019) đến 6 giờ ngày mùng 4 Tết (ngày 8.2.2019), trạm BOT An Sương - An Lạc (Q.Bình Tân, TP.HCM) sẽ xả trạm.

Các cầu vượt gắn liền dự án BOT An Sương - An Lạc?

Chiều 27.1, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (IDICO, đơn vị chủ đầu tư) cùng UBND Q.Bình Tân và các ban ngành tổ chức họp báo để làm rõ những thắc mắc liên quan đến trạm BOT An Sương - An Lạc trong thời gian vừa qua.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc IDICO, cho biết đã in sẵn thông tin, hồ sơ pháp lý để cung cấp thông tin về dự án cho tài xế và người dân. Bên cạnh đó, trạm cũng tiến hành treo băng rôn sẽ giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến BOT An Sương - An Lạc.
Giải đáp thắc mắc khi có ý kiến cho rằng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì trạm thu phí BOT An Sương -An Lạc đã hết thời hạn thu phí từ tháng 1.2017, ông Ninh cho rằng ý kiến trên chưa đầy đủ. Theo ông Ninh, kết luận thanh tra số 1423/KL-TTCP ngày 6.6.2017 của Thanh tra Chính Phủ về hợp đồng dự án BOT An Sương - An Lạc đã ghi nhận thời gian thu phí theo hợp đồng là đến hết tháng 1.2033.
Nhiều thắc mắc tại cuộc họp liên quan đến việc không sử dụng cầu vượt nhưng vẫn bị thu phí ẢNH: TRẦN TIẾN
Xoay quanh vấn đề không sử dụng cầu vượt nhưng vẫn bị thu phí và thời gian thu phí quá lâu, ông Ninh giải thích thêm việc đầu tư quản lý khai thác các cầu vượt gắn liền trong tổng thể dự án BOT An Sương - An Lạc với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông tại các nút giao nhằm ổn định, thông suốt trên QL1. Thực tế cho thấy từ khi hoàn tất xây dựng cầu vượt, tình trạng ùn tắc giao thông tại đây đã được giải quyết hiệu quả hơn rất nhiều, do đó cần phải trả phí dù đi trên cầu vượt hay đi dưới mặt đường bên cạnh cầu.
Còn việc thu phí quá lâu (đến năm 2033) là hoàn toàn căn cứ vào giá trị quyết toán công trình của dự án BOT An Sương - An Lạc và doanh thu thu phí thực tế, lãi vay, chi phí bảo trì… Tất cả đều được kiểm toán và được nhà nước chấp thuận.
Bên cạnh đó, Giám đốc IDICO còn lý giải thêm về việc chi phí xây dựng cầu vượt cao hơn nhiều so với xây đường là do từ năm 2003 đến 2011 có sự trượt giá công trình khoảng 300%. Mặt khác, chi phí xây dựng cầu khoảng 38 triệu đồng/m2 trong khi xây dựng đường chỉ 2,1 triệu đồng/m2.

Xả trạm dịp Tết

Liên quan đến vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông tại trạm BOT An Sương - An Lạc trong thời gian Tết sắp tới, ông Nguyễn Hồng Ninh khẳng định: “Vào những khung giờ cao điểm, nếu xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài, chúng tôi sẽ lập tức xả trạm nhằm đảm bảo quá trình lưu thông. Bên cạnh đó, trạm BOT An Sương - An Lạc sẽ xả trạm từ 14 giờ ngày 30 tháng Chạp (tức ngày 4.2.2019) đến 6 giờ ngày mùng 4 Tết (ngày 8.2.2019) để phục vụ người dân”.
Trung tá Nguyễn Thanh Phong, Phó Trưởng Công an Q.Bình Tân (TP.HCM), cho biết sẽ xử lý các trường hợp cố tình gây rối ẢNH: TRẦN TIẾN
Cũng tại cuộc họp, trung tá Nguyễn Thanh Phong, Phó Trưởng Công an Q.Bình Tân, cho biết Công an Q.Bình Tân đã báo cáo với Công an TP.HCM về tình trạng mất trật tự tại trạm BOT từ ngày 3.12.2018 đến 7.1.2019. Với những trường hợp sau khi cung cấp những vấn đề pháp lý nhưng cố tình gây rối, Công an quận buộc phải cưỡng chế.
“Trong thời gian qua, chúng tôi đã lập biên bản 31 trường hợp về các lỗi như dừng đỗ xe trái quy định; không hợp tác khi tiến hành kiểm tra; gây rối mất an ninh trật tự”, trung tá Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Dự án BOT An Sương - An Lạc được Chính phủ chấp thuận từ năm 2000 và được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT với quy mô đầu tư gồm chiều dài tuyến 13.681 m cùng nhiều công trình cơ sở, tổng mức đầu tư hơn 830 tỉ đồng.
Dự án bắt đầu thu phí từ 2.1.2005 và có thời gian thu phí đến hết tháng 1.2017. Tuy nhiên, trước khi kết thúc thời hạn thu phí, IDICO đã tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 4 cầu vượt tại khu vực này với tổng mức đầu tư là hơn 1.600 tỉ đồng và thu phí đến năm 2033.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.