Chủ tịch Đà Nẵng nói về sai phạm trong quản lý đất đai

24/09/2017 06:25 GMT+7

Ông Thơ nhìn nhận: 'Sự việc xảy ra rồi, xử lý rồi nhưng người đứng đầu cũng bị xử lý nặng. TP chúng ta còn nhiều việc nữa chứ không chỉ những công trình trái phép trên Sơn Trà hay dự án Mường Thanh…'.

Hôm qua (23.9), lần đầu tiên kể từ khi sai phạm của tập thể Thường vụ Thành ủy và cá nhân Bí thư, Chủ tịch TP.Đà Nẵng được Ủy ban Kiểm tra T.Ư công bố, người đứng đầu chính quyền TP.Đà Nẵng đã đưa ra ý kiến về công tác quản lý đất đai trước các cán bộ chủ chốt từ cấp xã, phường đến cấp quận, huyện, sở ngành.
Mở đầu cuộc họp sáng 23.9, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, dẫn lại nhiều vụ việc gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, như Ủy ban Kiểm tra T.Ư công bố kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của tập thể và cá nhân, về các dự án tại Sơn Trà sẽ được “thanh tra toàn diện”, Bộ Công an điều tra nhiều dự án, nhà đất công sản... Ông Thơ cho rằng ngành chức năng T.Ư đang xử lý những vấn đề của Đà Nẵng là đúng quy định, đúng chức năng nhiệm vụ.
Không chỉ có Sơn Trà, Mường Thanh
Tại cuộc họp, ông Thơ chỉ đạo các ngành và các đơn vị liên quan việc làm trước mắt phải tập trung chuẩn bị tốt cho APEC. Về thu hút đầu tư, ông Thơ nhận định, gần đây chưa có nhiều đột phá, tiến bộ. Hiện nay, TP còn một loạt lô đất trống chưa triển khai dự án, bị lấn chiếm... “Có những việc xử lý chậm, người ta nôn nóng nên xây dựng dẫn đến trái phép. Một loạt khu đất dành để làm bệnh viện, trường học... cần khẩn trương kêu gọi đầu tư, công khai để ai quan tâm thì đấu thầu”, ông Thơ chỉ đạo.
Ông Thơ nhìn nhận: “Sự việc xảy ra rồi, xử lý rồi nhưng người đứng đầu cũng bị xử lý nặng. TP chúng ta còn nhiều việc nữa chứ không chỉ những công trình trái phép trên Sơn Trà hay dự án Mường Thanh… Rất nhiều việc ở dưới các địa bàn, ở các lĩnh vực mà các ngành, các cấp làm chưa tốt”. Theo ông, tại TP.Đà Nẵng “có thói quen, tâm lý du di khi xảy ra rồi nhắc nhở, phê bình”, không xử lý đến nơi đến chốn. Đà Nẵng đã có “bài học thực tế” liên quan xử lý trách nhiệm trong các vụ bố trí đất tái định cư không rõ ràng, chưa xử lý cụ thể trách nhiệm trong các vụ thất thoát ngân sách...
Nói thêm về lĩnh vực của cá nhân phụ trách mà Ủy ban Kiểm tra T.Ư vừa kết luận có sai phạm, ông Thơ nhìn nhận: lĩnh vực trật tự xây dựng liên quan đến nhiều ngành như Sở Xây dựng, GTVT… và nhiều quận, phường. Rất nhiều thứ lộn xộn ở bên dưới như vỉa hè, lấn chiếm đất xây dựng trái phép, cơi nới nhếch nhác…; nếu cơ sở không xử lý thì “không ai biết được”. Đơn cử, gần đây các khách sạn đào móng rồi đổ hàng chục ngàn mét khối nước thải ra biển. “Việc này phải phát hiện ở xã phường. Mấy ông xã phường ở dưới người ta làm gì mà không biết, vấn đề là có làm hay không và có báo hay không thôi. Một cái nhà chỉ cần chở mấy viên gạch về là ông biết rồi. Không có gì là không phát hiện được, mà do bộ máy vận hành không hiệu quả”, ông Thơ nói thêm.
“Tâm lý chung là sợ !”
Từ nay đến cuối năm, TP.Đà Nẵng có nhiều việc quan trọng, nhưng theo ông Thơ, “không khí bị xao nhãng hơi nhiều”. “Vì thế, cuộc họp này là để nhắc lại chúng ta không tập trung sa đà vào việc bàn luận. Việc của ai người nấy làm, việc của mình thì mình làm”, ông yêu cầu và nhắc nhở cán bộ không vì ngành chức năng cấp trên xuống kiểm tra mà sợ hãi. Cán bộ công chức TP cứ mạnh dạn làm với trách nhiệm và tình cảm của mình trên cơ sở năng lực, đạo đức và có trách nhiệm.
“Gần đây, tâm lý chung cán bộ là sợ. Tuy nhiên, có khó khăn gì phải tập trung nghiên cứu tháo gỡ, không để người dân kêu ca. Có những việc phải linh hoạt giải quyết, có lợi cho người dân nhưng không có hại cho nhà nước”, ông Thơ nhắc nhở đối với cán bộ ở các cơ quan ban, ngành, quận, huyện, xã phường, đồng thời lưu ý: “Cán bộ làm việc của mình chứ không làm việc của người khác; không bàn việc ông nào đi, ông nào ở…”.
Tại cuộc họp với lãnh đạo các sở vào sáng cùng ngày, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP, cho rằng có một số dự án mang tính nhạy cảm liên quan đến thu hồi đất như các dự án trên bán đảo Sơn Trà rất khó công khai thông tin. Tuy nhiên, ông Thơ bác bỏ: “Dự án nhạy cảm, ví dụ như ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, ở Sơn Trà hay ở đâu cũng thế thôi. Cái gì cũng nhạy cảm, lạm dụng từ "nhạy cảm" để bưng bít thông tin là không nên”.
Quy trình kỷ luật Bí thư, Chủ tịch TP.Đà Nẵng ra sao
Như Thanh Niên đã đưa tin, sáng 22.9, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã tới Đà Nẵng thông báo kết luận kiểm tra đối với Ban Thường vụ Thành ủy (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và 2 cá nhân là ông Nguyễn Xuân Anh (Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND), ông Huỳnh Đức Thơ (Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng); đồng thời triển khai kế hoạch thực hiện quy trình kiểm điểm, xem xét thi hành và đề nghị thi hành kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan. Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc đã đề nghị Thanh Niên làm rõ hơn quy trình kiểm điểm, kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân nêu trên.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Hoàng Nguyên Hồng, nguyên chuyên viên cao cấp Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cho biết quy trình xử lý kỷ luật về mặt Đảng thì sau khi công bố kết luận có dấu hiệu vi phạm, các cá nhân, tập thể Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng sẽ tiến hành kiểm điểm. Đối với ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ là các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nên kiểm điểm được trình lên để các cơ quan này xem xét, cho ý kiến về hình thức xử lý kỷ luật. Tùy theo vi phạm mà có các mức kỷ luật theo các mức khiển trách, cảnh cáo, cách chức và nặng nhất là khai trừ khỏi Đảng.
Ngoài ra, do Bộ Công an đã làm việc với một số cá nhân, tổ chức có sai phạm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, nên khi có kết luận thì tùy theo mức độ sai phạm mà bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
“Nhìn từ góc độ luật pháp và quản lý điều hành, có thể thấy các cơ quan chức năng đang tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, đúng pháp luật. Việc Bộ Công an xem xét những vấn đề về hình sự cũng đã cho thấy sự việc là rất nghiêm trọng”, luật sư Hồng nhận định.   
Thái Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.