Chủ tịch HĐQT tố tổng giám đốc làm giả con dấu 'rút ruột' nguồn vốn

11/09/2020 05:33 GMT+7

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương (PC03) cho biết đang thụ lý điều tra vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để chiếm đoạt vốn xảy ra tại Công ty CP đầu tư bất động sản Nguồn Lực Việt.

Ngày 10.9, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương (PC03) cho biết đang thụ lý điều tra vụ làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để chiếm đoạt vốn xảy ra tại Công ty CP đầu tư bất động sản Nguồn Lực Việt (P.Dĩ An, TP.Dĩ An).
Bước đầu, PC03 đã thu giữ 2 con dấu nghi bị làm giả để đưa đi giám định, điều tra làm rõ vụ việc.

Một công ty có đến 3 con dấu

Theo đơn tố cáo của ông Tạ Văn Lượng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư bất động sản Nguồn Lực Việt (gọi tắt Công ty Nguồn Lực Việt), vào năm 2018, Công ty Nguồn Lực Việt được thành lập với vốn điều lệ 40 tỉ đồng. Trong đó, ông Lượng góp vốn 18 tỉ đồng (45%), ông Lê Thanh Tâm góp 14 tỉ đồng (35%) và ông Trương Quang Nhân góp 8 tỉ đồng. Sau đó, hội đồng cổ đông đã họp và bầu ông Tâm giữ chức vụ tổng giám đốc làm người đại diện theo pháp luật của công ty.
Theo ông Lượng, từ khi hoạt động, mặc dù tình hình kinh doanh phát triển nhưng ban giám đốc công ty liên tục ghi nhận lỗ. Thấy có nhiều bất thường về tài chính, ngày 27.5.2020, Công ty Nguồn Lực Việt tổ chức kiểm tra nội bộ cũng như thuê đơn vị kiểm toán độc lập thì phát hiện nhiều con dấu được sử dụng trong hoạt động kinh doanh, dù trước đó công ty này chỉ đăng ký duy nhất 1 con dấu với cơ quan chức năng.
Cụ thể, ngày 30.5, phát hiện con dấu của công ty nghi bị làm giả, do bà Nguyễn Thị Hiền (kế toán của công ty) giữ. Bà Hiền giải trình, con dấu này do ông Tâm chỉ đạo làm, không thông qua ban giám đốc. Công ty đã niêm phong con dấu do bà Hiền giữ để chờ cơ quan chức năng xử lý. Đến ngày 23.6, tổ kiểm toán tiếp tục phát hiện 1 con dấu khác mang tên Nguồn Lực Việt do ông Tâm sử dụng để chuyển khoản số tiền trên 1 tỉ đồng từ tài khoản của công ty sang 1 chủ tài khoản khác...
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên, ông Tâm thừa nhận con dấu mà bà Hiền giữ là làm theo chỉ đạo của ông, con dấu còn lại do ông Tâm làm, hiện 2 con dấu đã được công an thu giữ. Ông Tâm giải thích: “Từ tháng 5.2020, ông Lượng chiếm giữ trái phép con dấu, trong khi đó tôi là người đại diện theo pháp luật. Do không có con dấu để thực hiện các thủ tục, như: trả lương cho nhân viên, ký kết các hợp đồng nên tôi đã làm đơn cớ mất và yêu cầu kế toán đi làm con dấu mới”.
Cũng theo ông Tâm, đến tháng 6.2020, con dấu mới lại bị ông Lượng thu giữ nên tiếp tục làm đơn cớ mất và đi làm tiếp 1 con dấu mới để điều hành hoạt động của công ty. Ông Tâm cho biết: “Hiện nay luật sư của tôi đang tiến hành các thủ tục để kiện ông Lượng về việc chiếm giữ trái phép con dấu của công ty”.

Nhập nhèm nguồn vốn đầu tư

Trong khi đó, theo đơn tố cáo của ông Tạ Văn Lượng, tháng 4.2020, Công ty Nguồn Lực Việt có khoản hạch toán nợ phải trả cho dự án Trừ Văn Thố - Bàu Bàng (H.Bàu Bàng, Bình Dương) 13,4 tỉ đồng và chi hoa hồng bán dự án cho nhân viên trên 776 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tổ kiểm toán của công ty kiểm tra và yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan thì ông Tâm không cung cấp được hợp đồng đầu vào cũng như đầu ra của dự án này.
Ông Lượng khẳng định theo Nghị quyết của HĐQT Công ty Nguồn Lực Việt, ông Tâm có nhiệm vụ và quyền hạn ký các hợp đồng, giao dịch, liên kết công việc môi giới, kinh doanh, đầu tư bất động sản với các công ty, đối tác khác, sau khi đã trình phương án đầu tư, kinh doanh mà HĐQT đã thông qua... Tuy nhiên, đối với dự án Trừ Văn Thố - Bàu Bàng, ông Tâm không hề trình phương án đầu tư, kinh doanh và HĐQT Công ty Nguồn Lực Việt cũng không thông qua bất cứ quyết định nào liên quan đến dự án.
Tuy nhiên, ông Tâm giải thích: “Dự án này chúng tôi chỉ môi giới. Công ty chúng tôi có trên 60 nhân viên, nếu không làm thì lấy tiền đâu trả lương cho họ. Sau khi môi giới bán được dự án này thì đến nay mọi việc còn lại là của người mua và chủ đầu tư dự án. Công ty Nguồn Lực Việt không còn liên quan gì nữa”.
Liên quan đến việc sử dụng con dấu tự làm để chuyển 16,4 tỉ đồng đặt cọc (ngày 16.6.2020) cho 1 công ty bất động sản ở thành phố mới Bình Dương để thực hiện dự án nhà ở nhưng đến nay lại không được giao sản phẩm (đất nền), ông Tâm cũng giải thích: “Tiền đó là tiền của khách hàng. Chúng tôi môi giới, khách hàng đặt cọc chuyển tiền vào tài khoản công ty, sau đó chúng tôi phải chuyển cho chủ đầu tư để trả tiền cho họ”.
Cũng theo ông Lượng, trong quá trình kinh doanh, Công ty Nguồn Lực Việt lập nhiều phiếu chi với số tiền lên đến 6 tỉ đồng, trong đó có nhiều phiếu ghi tên ông Lượng nhận tiền nhưng thực tế bản thân không hề nhận được số tiền này...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.