Chủ tịch TP.HCM: Dịch Covid-19 chuyển biến nhanh, chậm cấp cứu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân

27/07/2021 16:24 GMT+7

'Dịch bệnh chuyển biến rất nhanh, sự chậm trễ của cấp cứu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh', Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhìn nhận, trong bối cảnh TP.HCM đang chuyển hướng sang tập trung điều trị, giảm ca tử vong do dịch Covid-19 .

Trưa 27.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đến kiểm tra hệ thống chuyển bệnh nhân của Trung tâm Cấp cứu 115 đặt tại Công viên Phần mềm Quang Trung (Q.12), tháo gỡ nhiều vướng mắc cho đơn vị này, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo thông suốt hệ thống trong việc cấp cứu bệnh nhân Covid-19.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cảm ơn sự nỗ lực, những đóng góp không mệt mỏi của lực lượng cấp cứu trong thời gian qua và lực lượng tổng đài viên đang trực tiếp làm việc tại Công viên Phần mềm Quang Trung.
TP.HCM đang chuyển hướng sang điều trị, giảm tối thiểu ca tử vong do dịch bệnh Covid-19 nên công tác cấp cứu càng giữ vai trò quan trọng.

Ngày 27.7: Cả nước 7.913 ca Covid-19, 2.602 ca khỏi; riêng TP.HCM 6.318 bệnh nhân

Nâng cấp hệ thống bệnh viện tiếp nhận

Ông Phong cho biết thời gian qua nhận được nhiều cuộc gọi của lãnh đạo địa phương về việc khi gọi cho 115 thì đều nghẽn. Chủ tịch TP.HCM lý giải cái nghẽn lớn nhất là đầu ra, tức các bệnh viện tiếp nhận; đồng thời cho biết TP.HCM đang nâng cấp máy móc, thiết bị, con người để nâng cao năng lực tiếp nhận bệnh.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM bày tỏ sự sốt ruột với tiến độ vận hành 4 trạm cấp cứu vệ tinh khu vực (đặt ở TP.Thủ Đức, Q.12, Q.Bình Tân và H.Bình Chánh) vì tính cấp thiết của các trạm này. Lãnh đạo TP.HCM cũng đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương yêu cầu hỗ trợ.
“Dịch bệnh chuyển biến rất nhanh, sự chậm trễ của cấp cứu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh”, ông Phong nói và yêu cầu phải khẩn trương đưa 4 trạm cấp cứu này vào hoạt động.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong trao đổi với lãnh đạo Sở TT-TT và Trung tâm Cấp cứu 115

Ảnh: Sỹ ĐÔng

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết còn vướng về phương tiện xe cứu thương, hậu cần, chỗ thay đồ bảo hộ, khu vực phun khử trong xe, xử lý rác thải y tế… liên quan đến địa phương nên rất cần hỗ trợ. Mặt khác, lực lượng tham gia các trạm cũng cần thực hiện theo mô hình sinh hoạt tại chỗ.
Trước một số vướng mắc này, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Trung tâm Cấp cứu 115 hệ thống lại các đề xuất để giải quyết luôn một lần với tinh thần hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời để nâng cao năng lực chuyển bệnh.
Cũng tại buổi làm việc, ông Phong đề nghị Sở TT-TT và Công viên Phần mềm Quang Trung triển khai nhiều kênh tư vấn, hướng dẫn nhằm giải đáp các thắc mắc, phản ánh người dân, bệnh nhân trong thời gian giãn cách.

Ngày 27.7: TP.HCM thêm 6.318 ca Covid-19 trong 24 giờ, vượt 73.000 bệnh nhân

3 mắt xích quan trọng của hệ thống cấp cứu

Trao đổi với báo chí sau buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Nguyễn Duy Long cho biết công tác cấp cứu chia thành 3 mắt xích quan trọng.
Thứ nhất là tổng đài 115 với mục tiêu tất cả cuộc gọi được nghe, sàng lọc và đáp ứng các cuộc gọi đó. Nếu như trước đây 1 ngày có 1.200 cuộc gọi thì tuần qua tăng lên hơn 5.000 cuộc gọi. Để đảm bảo điều kiện cho tổng đài viên hoạt động 24/24, lãnh đạo TP.HCM đề nghị di dời toàn bộ tổng đài viên lên Công viên Phần mềm Quang Trung và nâng công suất lên 40 đường truyền, dự phòng nâng lên khi cần thiết.
Hiện tổng đài 115 có 20 nhân viên và 30 sinh viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia, có thể đáp ứng 16 đường truyền vào ngày mai 28.7. Khi nhận đủ 100 sinh viên và chia thành 3 ca, có thể đáp ứng 40 cuộc gọi cùng lúc.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thông tin về hoạt động của hệ thống cấp cứu thành phố

Ảnh: Sỹ Đông

Mắt xích thứ 2 là phương tiện vận chuyển nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện thích hợp. Trung tâm Cấp cứu 115 có 23 xe, cùng với 6 xe về chiều nay, không đủ đáp ứng nhu cầu 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Ngoài ra, do người dân không thể sử dụng xe taxi (truyền thống và công nghệ) như trước đây nên áp lực về gọi xe cứu thương càng lớn hơn. Mặt khác, xe cứu thương đang đảm nhiệm nhiều công việc như tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm, chở bệnh nhân… của các bệnh viện quận huyện.
Để giải quyết ngay bài toán trước mắt, Sở Y tế đã có kế hoạch sử dụng taxi truyền thống nâng cấp thành taxi y tế, theo kế hoạch là 200 xe của Công ty Mai Linh (bao gồm tài xế và nhân viên y tế theo xe). Về điều kiện hoạt động, mỗi xe có 2 bình oxy 7 lít, test nhanh, được khử trùng, đồ thiết yếu để vận chuyển. 200 taxi y tế sẽ gắn chặt với địa bàn quận huyện thông qua cơ sở cách ly quận huyện.
Trong ngày 27.7, Sở Y tế cho biết đã sẵn sàng đưa 50 xe vào vận hành. Người dân có nhu cầu thì gọi điện cho tổng đài 115, tổng đài viên sẽ điều tiết tổ phản ứng nhanh để đưa người dân vào bệnh viện phù hợp.

Tổng đài viên của Trung tâm Cấp cứu 115 làm việc tại Công viên Phần mềm Quang Trung, Q.12, TP.HCM

Ảnh: Sỹ Đông

Về hoạt động của 4 trạm cấp cứu vệ tinh khu vực, ông Long cho biết đã khảo sát xong vị trí, dự kiến Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ đưa 1 kíp cấp cứu làm lực lượng nòng cốt, bố trí ăn ở tại chỗ luôn, không về nhà. Trung tâm Cấp cứu 115 phải nhờ Sở Y tế phân bổ nhân lực phù hợp để đảm nhiệm công việc này.
Mắt xích thứ 3 là hệ thống bệnh viện tiếp nhận. Ông Long cho biết muốn tiếp nhận thì bệnh viện phải có đủ công suất, còn giường trống, còn trang thiết bị và phương tiện đi kèm. Theo mô hình tháp 5 tầng, hệ thống bệnh viện tiếp nhận ở tầng 2 đến tầng 4.
“3 mắt xích này phải đồng bộ với nhau, nếu để cái nào sớm, cái nào trễ đều ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân Covid-19”, ông Long nhìn nhận và cho biết toàn thành phố có khoảng 200 xe cấp cứu thuộc sự quản lý của các cơ sở y tế công lập, tư nhân, phòng khám.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.