Quảng Bình: 100.000 căn nhà chìm trong nước
Mưa từ ngày 29.9, bắt đầu trút nước từ ngày 2.10, gây ra cảnh ngập lụt toàn tỉnh Quảng Bình với hơn 100.000 căn nhà chìm trong nước. Tại các huyện Lệ Thủy, Minh Hóa, Tuyên Hóa, nước lũ dâng ngập mái nhà.
Đặc biệt, đây là trận lũ lịch sử khác thường, bởi trước đó, chỉ có dự báo mưa do áp thấp nhiệt đới, trong khi thực tế thì mưa như trút nước, tăng mạnh từng giờ khiến người dân không kịp trở tay.
Tất cả đồ đạc bị trôi sạch, những đôi vợ chồng già, những đứa con thơ phờ phạc trong lũ; họ lên trú ẩn đến đâu thì nước dâng lên đến đó. Trong tình cảnh cấp bách, lực lượng cứu hộ đã nỗ lực tiếp ứng.
Phóng viên Thanh Niên Online lăn lộn trên nhiều phương tiện để có mặt tại vùng rốn lũ, ghi lại những hình ảnh sau.
|
Người dân vùng lũ đang rất cần sự giúp đỡ của mọi người để vượt qua trận lũ lịch sử này. (Trương Quang Nam)
Báo Thanh Niên đến với các gia đình bị nạn Từ đêm 5 đến rạng sáng 6.10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lại xảy ra mưa, tuy nhiên lượng mưa không đáng kể nên tất cả các sông trên địa bàn tỉnh đều đã xuống dưới mức báo động I. Người dân tại hai huyện vùng trũng Hải Lăng, Triệu Phong đã bắt đầu trở về dọn dẹp nhà cửa, trút bùn sau khi nước rút hết. Trong khi đó, với sự nỗ lực hết mình, ngành giao thông đã thông được đường Hồ Chí Minh nhánh từ huyện Đakrông đi A Lưới (Thừa Thiên - Huế), một phần đường Hồ Chí Minh từ huyện Hướng Hóa đi Quảng Bình…Công tác san ủi, giải phóng toàn bộ mặt đường vẫn đang được khẩn trương thực hiện. Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị thì tổng thiệt hại mà mưa lũ gây ra trong những ngày qua tại địa bàn đã lên gần 100 tỉ đồng…
Sáng 6.10, Báo Thanh Niên đã cử phóng viên báo tại Quảng Trị tìm đến gia đình có người thiệt mạng trên tỉnh, trao số tiền giúp đỡ cho các gia đình này (3 triệu đồng/người chết). Hai nạn nhân của vụ lở đất kinh hoàng tại thôn Tân Xuyên (xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa) là vợ chồng anh Lê Văn Tám và chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã được người thân đưa về TP Đông Hà để làm lễ truy điệu. Ông Lê Văn Quang (sinh năm 1957, anh ruột của anh Tám) xúc động nói: “Tôi thật không ngờ quý báo lại có sự động viên nhanh và kịp thời đến vậy. Gia đình không có gì hơn ngoài lời cảm ơn…”. Tại thôn Lương Điền (xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng), căn nhà ọp ẹp sát bên mép sông Ô Lâu của gia đình chị Lê Thị Giồng (sinh năm 1974) nay trùm lên không khí đau buồn bởi sự ra đi đột ngột của bé Nguyễn Thị Thu Ngân (2 tuổi). “Con tôi còn quá nhỏ, đến di ảnh để thờ hiện nay gia đình vẫn chưa có được…”, chị Giồng khóc nói với chúng tôi.
Nguyễn Phúc |
Ngay trong ngày hôm qua, Đoàn Công tác xã hội Báo Thanh Niên đã có mặt tại Quảng Bình để triển khai công tác cứu trợ. Trước mắt, Báo Thanh Niên giúp đỡ cho gia đình mỗi người bị thiệt mạng trong trận lũ này 3 triệu đồng. Trong ngày hôm nay, lãnh đạo Trung ương Đoàn TNCS HCM và Đoàn Công tác xã hội Báo Thanh Niên phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội LHTN VN các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh tìm mọi cách tiếp cận để cứu trợ những vùng khó khăn nhất. Thanh Niên |
7 tuyến quốc lộ bị ngập, tắc đường do mưa, lũ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hôm qua đã có những thông tin ban đầu về hậu quả do mưa lũ gây hư hỏng và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng ngành GTVT trong những ngày vừa qua. Tính đến 14 giờ ngày 5.10, đã có 7 tuyến quốc lộ (QL) bị ngập úng và sạt lở. Trên QL1A đoạn đi qua tỉnh Quảng Bình có 8 đoạn bị ngập, độ sâu từ 0,1 - 0,7m, đặc biệt đoạn Km 673 - Km 696 (TP Đồng Hới) ngập sâu từ 0,6 - 1,1m gây tắc đường. QL1A đoạn qua tỉnh Quảng Trị có một đoạn bị ngập và một đoạn cống bị xói lở sâu 2,5m, nhưng đã thông bình thường trở lại. QL1A đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế hư hỏng mặt đường, lề đường lẻ tẻ từ Km792 - Km844. Đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, khu vực tỉnh Quảng Bình, đoạn Km878 -Km878+600 bị ngập sâu 1,6m, gây tắc giao thông từ 15 giờ ngày 3.10, trong khi đoạn Km903+900 - Km905 bị ngập sâu 1,5m, tắc giao thông từ 17 giờ ngày 4.10. nghiêm trọng hơn, tại đoạn Km909 - Km912+600 bị ngập sâu 2 - 2,8m, tắc giao thông từ 10 giờ ngày 3.10, hiện nay vẫn còn tắc đường. Ngoài ra, còn 4 đoạn khác bị ngập sâu, sụt lở taluy gây tắc giao thông. Trên QL12A (đoạn tuyến Vũng Áng - Kỳ Anh - Đồng Lê - Xóm Sung - Nút giao đường Hồ Chí Minh) có 2 đoạn bị sụt lở taluy và 1 đoạn bị ngập sâu 1,2m, tắc giao thông từ 10 - 12 giờ 30 ngày 3.10. Trên QL12A cũng bị nước ngập nhiều đoạn sâu 0,5 - 1m; cầu Tràn Soong bị ngập sâu 2m, tắc giao thông từ 8 giờ ngày 3.10. Đoạn trước trường học Nội trú và Bộ Chỉ Huy quân sự H.Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) ngập 1m tắc giao thông từ 8 giờ ngày 3.10. Ngoài ra, có 4 đoạn bị xói, sạt mái taluy gây tắc đường, cầu Cha Lo cũng bị ngập sâu 1,8m tắc đường từ 8 giờ15 ngày 3.10. QL9 (Quảng Trị) cũng có 1 đoạn bị xói cống và 1 đoạn sụt taluy dương gây tắc giao thông từ 6 - 9 giờ 40 ngày 4.10. Trên QL15, cầu Quảng Hóa, Ngầm Khe Đèng, ngầm Khe Mưng nước ngập sâu 3m; cầu Tân Ấp 2- Ga Khe Chuối nước ngập trên 1m; đoạn qua xã Hà Linh, H.Hương Khê, Hà Tĩnh nước ngập 1,5m, tắc đường; đoạn Cầu Nghiêng, xã Hà Linh, H.Hương Khê, nước ngập sâu 2,5m, tắc giao thông từ 15 giờ ngày 3.10; đoạn qua các xã: Lộc Yên, Hương Đô, Phúc Trạch - H.Hương Khê, nước ngập sâu 2m, tắc giao thông từ 15 giờ ngày 3.10. Ngoài ra còn 2 vị trí trên đường bị sạt lở taluy, 3 đoạn bị ngập sâu từ 1 - 2,8m, gây tắc đường và cầu Tân Ấp 2 bị ngập. QL 49 (tỉnh Thừa Thiên Huế) có 2 đoạn bị sạt lở taluy âm, 1 vị trí xói lở hạ lưu cống. Ngay sau khi lũ lụt xảy ra, Bộ GTVT đã cử ngay đoàn công tác vào hiện trường. Bộ GTVT cũng đã có Công điện chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN và các Sở GTVT từ Thanh Hoá đến Bình Thuận tập trung lực lượng hót sụt taluy dương, gia cố taluy âm; tổ chức trực gác 24/24 tại những vị trí nguy hiểm. (M.Vọng) |
>> Tiếp tục cập nhật
Bình luận (0)