Chương Mỹ xuất hiện 'hố tử thần' do ngập nước lâu ngày

01/08/2018 12:01 GMT+7

Ngập nước lâu ngày khiến xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) xuất hiện "hố tử thần" rộng 3 m, sâu 2,5 m, đe dọa an toàn của 3 ngôi nhà và khiến một số hộ dân phải di tản.

Mưa ngập không những khiến đời sống của người dân huyện Chương Mỹ, Hà Nội hết sức khó khăn vì thiếu các tiện ích sinh hoạt tối thiểu, chịu đựng mùi hôi thối ngột ngạt vì ô nhiễm, mà còn bắt đầu phát sinh những sự cố khó lường.
[FLYCAM] Nước lũ chia cắt nhiều vùng ở Chương Mỹ, Hà Nội
Đơn cử, ngày 31.7, trên địa bàn xã Thủy Xuân Tiên đã xảy ra hiện tượng sụt lún khi xuất hiện 1 hố sâu khoảng 2,5 m, rộng khoảng 3 m trước nhà ông Nguyễn Văn Viên tại tổ 10, thôn Xuân Trung. Hố sụt lún này lan sang phần móng nhà ông Nguyễn Hữu Tuấn, ảnh hưởng cả đến nhà bà Nguyễn Thị Như Quỳnh và nhà bà Nguyễn Thị Cơi. Trong đó, nhà bà Quỳnh dù xây kiên cố vẫn bị nghiêng về hố sụt lún. 
Hiện lãnh đạo huyện Chương Mỹ và xã Thủy Xuân Tiên đã vận động các hộ dân sơ tán, đưa tài sản và người đến nơi an toàn. Theo UBND huyện Chương Mỹ, lực lượng địa phương đang khẩn trương xử lý và theo dõi các sự cố bất thường trên.
Dù đê tả Bùi tạm thời không còn bị đe dọa, nhưng những tin đồn thất thiệt liên quan đến tình trạng đê vẫn tiếp tục xuất hiện. 23 giờ 30 phút đêm 31.7, nhiều phóng viên xôn xao trước tin đồn vỡ đê tả Bùi, tuy nhiên, ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, khẳng định không có chuyện vỡ đê.
Nhiều công trình chìm sâu trong nước Ảnh N.Y
[VIDEO] “Bãi biển” trên đường nhựa ở rốn lũ Quốc Oai, Hà Nội
Theo ông Thịnh, thời điểm nước lên cao nhất là 7,52 m, đê còn được giữ vững thì thời điểm nước đang rút như đêm 31.7 không thể có sự cố vỡ đê.
Tuy nhiên, sau đó nửa tiếng, tiếp tục có tin từ hiện trường báo về là 10 m đê tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến bị sạt. 
Phóng viên Thanh Niên đã liên hệ với ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, và được khẳng định đó là tin sai sự thật. “Đê chúng ta đang bảo vệ là đê tả Bùi, còn khu vực thôn Nhân Lý là đê hữu Bùi, đã tràn từ mấy hôm trước để giảm áp lực cho đê tả. Tin đồn vỡ đê là tin hoàn toàn thất thiệt”, ông Hùng nói.
Tiếp tục hộ đê và bơm nước tiêu úng
Theo báo cáo mới nhất của huyện Chương Mỹ sáng nay, nước vẫn đang xu hướng rút dần, dù trời vẫn đang mưa và vẫn còn căng thẳng về việc mực nước sẽ dâng lên.
Mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt lúc 7 giờ sáng nay là 7,28 m, trên báo động 3 là 0,28 m, trung bình 2 giờ giảm được 0,01 m.
Nước nội đồng khu vực tả Bùi, hữu Đáy ổn định do các trạm bơm liên tục hoạt động. Nước tại khu dân cư và đồng ruộng khu vực hữu Bùi đang có chiều hướng giảm dần, giảm 0,23 m so với thời điểm 13 giờ ngày 30.7, khi mực nước lên trên báo động 3 đến 7,51 m.
Thông tin từ UBND huyện Chương Mỹ cho biết địa phương đang tiếp tục chỉ đạo huy động toàn bộ số máy bơm của các trạm bơm tiêu úng, khoanh vùng khu vực ngập, khơi thông dòng chảy. Các cụm phụ trách các tuyến đê, lực lượng canh đê thường xuyên kiểm tra đê nhằm phát hiện sớm các vị trí bị tràn, bị thẩm lậu, lỗ rò bục qua đê để kịp thời xử lý.
Ngập nước lâu ngày kéo theo nhiều hệ lụy Ảnh N.Y
Công ty môi trường đô thị Xuân Mai được yêu cầu phối hợp với UBND các xã, thị trấn vớt rác, thu gom, vận chuyển rác thải để đảm bảo vệ sinh môi trường; đồng thời, lãnh đạo các xã, thị trấn các khu vực tả Bùi, hữu Đáy phải thường xuyên cập nhật tình hình mưa lũ, tình trạng các tuyến đê, thông báo cho nhân dân tình trạng nguy hiểm để chủ động kê kích tài sản, sơ tán người, tài sản, vật nuôi trong trường hợp đê bị tràn, xói lở có nguy cơ gây vỡ đê.
Trong những ngày qua, huyện Chương Mỹ đã huy động hơn 600 cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và nhân dân địa phương đắp thêm đê tả Bùi. Hiện các điểm xung yếu dài khoảng 3,5 km đã được đắp thêm 80 cm tại các xã Thanh Bình, Tốt Động, Hoàng Văn Thụ, Trung Hòa và Mỹ Lương.
Theo ông Đỗ Đức Thịnh, nếu sông Đáy tiêu nước chậm, huyện Chương Mỹ phải chịu đựng tình trạng ngập thêm 3 tuần đến 1 tháng nữa. 
Theo thống kê của UBND huyện Chương Mỹ, đến 17 giờ ngày 31.7, mưa lụt đã làm ngập gần 1.400 ha lúa, gần 300 ha rau màu; hơn 600 ha nuôi trồng thủy sản và gần 190 ha cây ăn quả. 170 m2 và hơn 1.800 m tường bao bị đổ sập. Đường giao thông cũng bị sạt lở khoảng 5 km; 12 km kênh mương hư hỏng, 12 km đê, hồ, đập bị sạt lở; 35 cầu, cống bị hư hỏng; gia súc, gia cầm chết khoảng gần 56.000 con. Toàn huyện có 3.683 hộ bị ngập và hơn 6.000 người phải sơ tán. Đến 7 giờ sáng nay, 1.8, có 1.221 hộ phải cắt điện để đảm bảo an toàn do ngập nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.