Chuyện chưa từng có ở Bộ Công thương

16/02/2018 05:00 GMT+7

Năm 2017, Bộ Công thương ghi dấu ấn với việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh - chiếm tới 55,5% tổng số cắt giảm của cả nước, một việc chưa từng có tiền lệ trong nhiều đời bộ trưởng ở một trong những bộ có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống kinh tế này.

Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên một ngày cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói ông luôn cảm thấy xấu hổ khi doanh nghiệp còn phải chầu chực, xin xỏ.
Quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Cắt bỏ hơn 600 điều kiện kinh doanh trong năm 2017, trong đó có nhiều điều kiện kinh doanh rất “đụng chạm” như Thông tư 20 quy định điều kiện nhập ô tô, hay Nghị định 109 về xuất khẩu gạo..., đấy có phải là quyết định khó khăn nhất của ông và của Bộ Công thương?
Sự thực mà nói, năm 2017 chúng tôi có rất nhiều quyết định khó khăn và nhạy cảm như tái cơ cấu bộ máy theo hướng cắt giảm đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và tất nhiên, một trong những quyết định khó khăn nhất là cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh và giấy phép con. Nhưng, 2017 cũng là năm chứng kiến rất nhiều nỗ lực của Bộ Công thương, từ lãnh đạo đến cán bộ, công chức người lao động. Có thể nói là chúng tôi tạm hài lòng về quá trình chuẩn bị và khởi động để đạt được những mục tiêu cụ thể đó.
Để hướng dần tới một chính phủ kiến tạo thì phải hoàn thiện thể chế theo hướng hỗ trợ người dân mà trọng tâm là tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó có việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đặc biệt là điều kiện kinh doanh trong các ngành kinh tế quan trọng và nhạy cảm.
Thưa ông, việc đơn giản hóa quy định hành chính, cắt bỏ điều kiện kinh doanh mà Chính phủ nói chung và Bộ Công thương nói riêng đang làm là rất đáng hoan nghênh. Nhưng theo các chuyên gia, cách làm hiện thời vẫn chưa bền vững, bởi cắt đã khó nhưng ngăn chặn hiện tượng điều kiện kinh doanh “mọc lại” còn khó hơn?

Chúng ta phải chấp nhận quan điểm cơ bản là quản lý nhà nước phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thay vì giấy phép, điều kiện kinh doanh để tham gia thị trường thì hãy chuyển sang quy chuẩn, tiêu chuẩn

Nếu muốn giải quyết tận gốc, tránh phát sinh giấy phép mới dưới bất kỳ hình thức nào thì phải thay đổi cơ chế lập pháp. Hiện nay, các văn bản pháp quy đều bắt nguồn từ cơ quan hành pháp với việc Chính phủ phân công cho từng bộ ngành chủ trì thành lập các ban soạn thảo, tổ biên tập... Chúng ta cũng đã có những quy trình lập pháp rõ ràng theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng quá trình làm có rất nhiều lý do tác động dẫn đến quy trình này không được đúng như mong muốn, yêu cầu đặt ra. Tư tưởng níu kéo quyền lực của một bộ phận cán bộ, công chức, rồi cũng không loại trừ một hiện trạng phổ biến trên thế giới mà Việt Nam cũng không tránh khỏi là lợi ích nhóm bắt nguồn từ khởi sự chính sách. Chúng ta không kiểm soát được nếu không thay đổi phương pháp tiếp cận.
Thay đổi phương pháp tiếp cận mà ông nói là gì?
Rất đơn giản. Chúng ta phải chấp nhận quan điểm cơ bản là quản lý nhà nước phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thay vì giấy phép, điều kiện kinh doanh để tham gia thị trường thì hãy chuyển sang quy chuẩn, tiêu chuẩn. Nó vẫn đảm bảo được hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước và nghiêm minh của pháp luật. Khi trả lời phỏng vấn lần đầu tiên sau khi nhậm chức bộ trưởng, một nhà báo có hỏi tôi quan tâm nhất vấn đề gì, tôi trả lời theo cảm nhận lúc đó: thể chế và con người sẽ là ưu tiên cao nhất của chúng tôi. Quả thật sau đó đúng là như vậy.
Không thể ngăn cản yếu tố tiến bộ
“Tư tưởng níu kéo quyền lực” mà ông nhìn thấy trong “một số cán bộ, công chức” khó có thể khắc phục do cơ chế, do nhận thức. Với cách bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng việc đụng đến những vấn đề khó nhất là con người như cắt bỏ bộ máy, cắt bỏ quyền lực của cấp dưới (điều kiện kinh doanh, giấy phép con), ông không e ngại sao?
Nói không thì là không thật. Nhưng nếu nói rằng phải tính toán thì không phải. Đúng là tôi ý thức được điều đó, cảm giác e ngại là có nhưng không phải tôi sợ không được ủng hộ hay thậm chí mất đi lá phiếu khi lấy ý kiến đánh giá tín nhiệm từ các công chức của mình. Chúng ta đều là con người Á Đông, văn hóa duy tình, nên không tránh khỏi lúc cảm thấy áy náy, xót xa khi tiến trình này đụng chạm đến cán bộ của mình. Nhưng, trước khi trả lời về quyết định của mình tôi xin kể một câu chuyện.
Khoảng năm 2012 khi lên Hà Giang trong một hoạt động tình nguyện do bạn bè tự tổ chức, tôi gặp một em bé H’mông 8 tuổi. Em nói không thể đứng cho tôi chụp ảnh được vì phải đi bẻ ngô, mèn mén nhà em hết rồi. Tìm hiểu thêm, tôi mới biết người dân ở đây chỉ ước một ngày được ăn 2 bữa mèn mén, đi chân trần, mặc quần rách... Quay lại công việc của mình, tôi cũng chứng kiến nhiều doanh nghiệp có trình độ, có vốn, khát khao kinh doanh nhưng phải đến xin xỏ, chầu chực... Tôi thấy có gì đó bất nhẫn quá. Nhiều câu chuyện khác mà tôi chứng kiến khiến tôi nghĩ rằng, không có lý do gì có thể ngăn cản các yếu tố tiến bộ. Tôi thực sự rất bức bối khi chứng kiến một nền kinh tế với quy mô 90 triệu dân như chúng ta, có điều kiện rất thuận lợi về ổn định chính trị, đối ngoại... nhưng vẫn không vươn mình lên được. Trước hiện thực đấy, tôi quyết định mình không nói chính trị suông nữa, đất nước và người dân cần những người đang giữ những cương vị như tôi phải hành động.
Tâm sự và học hỏi
Ông có bao giờ chia sẻ những điều này với cha mình, một nhà chính trị rất có kinh nghiệm?
Nói cho đúng thì hồi làm thứ trưởng, với thẩm quyền được phân công tôi chưa có điều kiện tiếp cận rộng và sâu trong nhiều lĩnh vực, trong việc xây dựng khuôn khổ thể chế nên chưa có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm để chia sẻ. Nhưng khi làm bộ trưởng thì hàng loạt vấn đề ùa đến một lúc. Có lúc tôi thấy hoang mang. Và, tôi bắt đầu tâm sự nhiều hơn với ông.
Cha ông đóng vai trò như thế nào trong việc để ông có được những gì bây giờ?
Cha tôi (nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương - PV) nghỉ hưu năm 2006, khi tôi còn ở cách rất xa ông cả về khoảng cách và cương vị công tác (thời gian này ông Trần Tuấn Anh đang làm tổng lãnh sự ở San Francisco, Mỹ)... Tôi học được nhiều từ ông. Đó không phải là cách xử lý vụ việc cụ thể mà học ở cách tư duy, tiếp cận vấn đề, nguyên tắc cần thiết để xử lý vấn đề. Chẳng hạn, nguyên tắc của cha tôi rất đơn giản, đó là trách nhiệm với người dân, với pháp luật, đất nước. Cao hơn nữa là đạo đức. Từ khi cha tôi nghỉ hưu và tôi làm bộ trưởng, ông cũng chia sẻ nhiều hơn và cởi mở rất nhiều với tôi. Cha tôi có nguyên tắc mà tôi học được, đó là trong suốt 2 nhiệm kỳ làm phó thủ tướng và sau đó là 2 nhiệm kỳ chủ tịch nước, ông không bao giờ để cho những mối quan hệ gia đình có cơ hội tác động vào phạm vi công việc và thẩm quyền của ông. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.