Chuyển đổi thêm 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công 100%

11/01/2021 14:55 GMT+7

Tại phiên họp 52, chiều 11.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết chuyển đổi thêm 2 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông từ phương thức PPP sang đầu tư công 100%.

Hai dự án thành phần vừa được Thường vụ Quốc hội đồng ý chuyển đổi sang đầu tư công theo đề nghị của Chính phủ là dự án đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.

Xây dựng phương án thu hồi vốn sau chuyển đổi

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP của dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, tới 5.10.2020 chỉ có 3 dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu. 2 dự án (đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu) không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Bộ GTVT đã kéo dài thời điểm đóng thầu đến ngày 12.10.2020 để chờ đợi thêm nhà đầu tư; song kết quả, dự án đoạn QL45 - Nghi Sơn có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu vẫn không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Từ đó, Bộ GTVT đề nghị chuyển đổi 2 dự án nói trên từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công theo nguyên tắc không vượt quá nguồn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án. “Việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”, ông Thể nói.
Theo ông Thể, việc chuyển đổi sang phương thức đầu tư công bảo đảm chắc chắn triển khai thành công dự án. Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước (tương tự như cơ chế đối với 6 dự án thành phần đầu tư công đang triển khai).
"Việc sớm hoàn thành đầu tư 2 dự án này sẽ tạo điều kiện khai thác đồng bộ với các dự án lân cận, bảo đảm tính kết nối liên tục và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư", Bộ trưởng Thể khẳng định.

Không cần chờ Quốc hội thông qua

Báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc xử lý 2 dự án nói trên, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, đồng ý với đề xuất của Chính phủ là chuyển đổi phương thức đầu tư của 2 dự án thành phần sang hình thức đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước.

Phiên họp 52 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ảnh Gia Hân

Trong khi đó, loại ý kiến thứ 2 lại đề nghị rà soát, điều chỉnh lại phương án tài chính để tăng tính khả thi của 2 dự án thành phần này vì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đấu thầu không thành công là do phương án tài chính của 2 dự án này chưa thực sự hấp dẫn; sau đó, tiếp tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức PPP.
Loại ý kiến này cho rằng, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 cho phép các dự án đầu tư theo phương thức PPP được hưởng cơ chế chia sẻ rủi ro cũng sẽ làm cho 2 dự án thành phần này trở nên hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua phương thức PPP sẽ giúp nhà nước giảm đầu tư từ ngân sách, dành thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch và các mục đích an sinh, xã hội cần thiết khác.
Tuy vậy, theo ông Thanh, Thường trực trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông hiện nay đã chậm so với dự kiến là hoàn thành năm 2021. Trong khi đó, thực tế, 2 dự án thành phần nói trên có nhu cầu vận tải rất lớn (xếp thứ hai và thứ ba trong 5 dự án đầu tư theo phương thức PPP), cho thấy sự cần thiết, cấp bách của 2 dự án này.
Trong khi, đến nay đã có 9/11 dự án thành phần dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022 (3 dự án đầu tư theo phương thức PPP lựa chọn được nhà đầu tư, 6 dự án đầu tư công đang được các nhà thầu triển khai thi công), riêng Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành năm 2023. Do đó, nếu không khẩn trương thực hiện 2 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả tổng thể của dự án.
Từ đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đa số ý kiến lựa chọn loại ý kiến thứ nhất là đồng ý chuyển đổi 2 dự án nói trên sang đầu tư công 100%.
Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với đa số ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần nói trên và báo cáo kết quả với Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 chứ không phải chờ Quốc hội thông qua.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông là 78.461 tỉ đồng (gồm 55.000 tỉ đồng tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 và 23.461 tỉ đồng tại Nghị quyết số 117/2020/QH14).
Kết quả rà soát, cập nhật tổng mức đầu tư toàn bộ 11 dự án thành phần đến thời điểm hiện nay là 89.201 tỉ đồng; trong đó, nguồn vốn nhà nước là 77.940 tỉ đồng (đã tính phần vốn nhà nước sau khi chuyển 2 dự án thành phần sang đầu tư công), nguồn vốn nhà đầu tư huy động để tiếp tục triển khai 3 dự án thành phần theo phương thức PPP là 11.261 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.