Trao đổi với báo chí ngày 4.5 trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Philppines, ông Yasuyuki Sawada, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, cho rằng công nghệ mới chưa tạo ra mất việc làm trên diện rộng ở châu Á, nhưng các hành động chính sách là cần thiết để vượt qua thách thức này.
Một mặt, sự phát triển thần tốc của công nghệ là động lực cho năng suất lao động cao hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng lương cho người lao động, trong khi cường độ làm việc sẽ nhẹ bớt, nhưng công nghệ cũng là mối đe dọa với rất nhiều người vì sự chuyển dịch việc làm.
Tuy nhiên, ông Sawada cho rằng, vẫn có những yếu tố lạc quan về tình hình việc làm ở các nước châu Á đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vì công nghệ chỉ ứng dụng ở một vài bộ phận, chứ không phải thay thế toàn bộ lao động thủ công.
Theo tính toán của chuyên gia ADB, nhiều loại việc vẫn cần từ 64-78% lao động thủ công như nhân viên ngân hàng, công nhân dệt may.
Robot sẽ chỉ thay thế lao động ở những ngành công nghệ cao như công nghiệp điện tử, ô tô; những ngành như công nghiệp thực phẩm, đồ uống, dệt may... sẽ tiếp tục sử dụng nhiều lao động thủ công.
Mặt khác, việc tăng cầu nội địa cũng như của các thị trường lớn trên thế giới sẽ tiếp tục tạo ra nhiều việc làm hơn số việc mất đi do đổi mới công nghệ.
Tuy vậy, một mối đe dọa hiển hiện là chênh lệch thu nhập sẽ ngày càng lớn giữa những lao động có tay nghề và lao động thủ công.
Ông Sawada cho rằng, chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tận dụng sự phát triển công nghệ hỗ trợ tăng trưởng bằng việc tăng cường giáo dục đào tạo, định hướng việc làm, phúc lợi xã hội, chính sách thuế; cũng như các chính sách đầu tư vào các ngành công nghệ cao.
Đối với riêng khu vực Đông Nam Á, ông Ramesh Subramaniam, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của ADB, cũng cho rằng, dù có những mối nguy cơ, nhưng lực lượng lao động trẻ của khu vực vẫn là một lợi thế. Vấn đề của các quốc gia này là tăng quy mô đào tạo lao động có kỹ năng, lao động trình độ cao.
“Quốc gia nào không đầu tư vào đào tạo sẽ bị bỏ lại, không phải đào tạo cơ bản mà đào tạo ở mức độ cao hơn. Cần thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này”, ông Ramesh cho biết.
Ông Ramesh cho rằng, Việt Nam gặp những vấn đề tương tự Philippines về chênh lệch trình độ phát triển và chênh lệch thu nhập lớn giữa các khu vực. Chính phủ sẽ phải hỗ trợ đào tạo để các lao động thủ công trong khu vực dệt may chuyển sang ngành công nghệ cao hơn.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cũng cho rằng, các chính phủ cần có chính sách tốt hơn để bảo vệ người lao động trước nguy cơ mất việc làm bởi sự phát triển trí tuệ nhân tạo và robot. Ông Nakao kêu gọi cải cách hệ thống thuế và các chính sách phúc lợi như chăm sóc y tế để phân chia thu nhập đều hơn giữa các tầng lớp trong xã hội.
“Chúng ta cần chính sách để hỗ trợ những người bị bỏ lại trong cách mạng công nghệ, không chỉ hỗ trợ về thu nhập mà còn cần các phúc lợi về y tế, sức khỏe và giáo dục cho con cái những người này”, ông Nakao bày tỏ.
Với khoảng cách giàu nghèo ngày càng kéo giãn, theo Chủ tịch ADB, các chính phủ cần những chính sách thuế tốt hơn, bao gồm thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản... “Chúng ta không thể để thị trường quyết định mọi thứ. Chúng ta cần phân chia của cải xã hội hợp lý hơn thông qua thuế”, Chủ tịch ADB khuyến nghị.
Dù chưa phải là đe dọa lớn trong ngắn hạn, ông Nakao cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần lường được những nguy cơ của mất việc làm để phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao tay nghề ngay từ bây giờ.
Bình luận (0)