Chuyện tình cổ tích dưới đèo Đá Đẽo

01/12/2019 10:00 GMT+7

Quen rồi cảm mến nhau qua điện thoại, đến khi chạm mặt, cô gái xuất hiện với 2 chân teo tóp nhưng chàng trai vẫn một lòng thương nhớ... Họ đã dệt nên câu chuyện tình cổ tích dưới chân đèo Đá Đẽo.

Ở xã Xuân Trạch (H.Bố Trạch, Quảng Bình), gần như ai cũng biết đến vợ chồng Hoàng Thái Nguyên (39 tuổi) và Nguyễn Thị Bích Tú (34 tuổi). Bởi đây không chỉ là “đôi đũa lệch”, mà họ còn có cuộc sống gia đình rất hạnh phúc, cứ như một bức tranh tràn ngập màu hồng…

Duyên phận

Tú với khuôn mặt tươi tắn đã rổn rảng phát trực tiếp trên trang Facebook cá nhân khoe quà lễ là cảnh anh Nguyên đứng cầm máy sấy để sấy tóc cho Tú. Người sấy, người được sấy, hai vợ chồng ai nấy liên tục cười như mùa thu tỏa nắng. Ấy là dịp 20.10. Hình ảnh vô cùng giản dị, nhẹ nhàng. “Nhất chị Tú hè!”, “Nhất cặp này đó!”, “Người đàn ông của năm là đây!”… Quá nhiều lời khen của bạn bè dành cho họ.

Gia đình hạnh phúc của vợ chồng Tú

Ảnh: Trương Quang Nam

Ngôi nhà nhỏ chưa sơn vôi của vợ chồng Nguyên cho thấy có “thừa” sự thiếu thốn, nhưng lại đầy ắp tiếng cười. Ngược về quá khứ, Tú sinh ra đã bị dị tật, 2 chân không phát triển bình thường, teo tóp. Bà Nguyễn Thị Lý, mẹ Tú, kể: “Lúc đó không có điều kiện thăm khám thai nhi như bây giờ, kể cả khi đã sinh. Càng ngày càng thấy chân của nó không lớn, cứ bò vậy chứ không đi được mới biết là dị tật”.
Tuổi thơ của Tú là những ngày tháng lết bằng tay. Hơn 10 tuổi chị mới chạm tay vào xe ba bánh tập đi, sau đó được gia đình làm cho 2 cái nạng gỗ để di chuyển.
Tú mê học, chị xin mẹ và nhà trường cho đi học. 14 tuổi, Tú mới vào lớp 1. Ngày chị chống nạng tập tễnh đến trường, cả làng ai cũng ngỡ ngàng. Sau đó, bạn bè cõng Tú đi học phần nhiều. Cũng có lúc hai người bạn cầm 2 đầu gậy cho Tú ngồi lên ở giữa rồi cứ thế khiêng đi. Đôi khi cô giáo chở đi chở về bằng xe đạp, thậm chí chở Tú về nhà mình cho ăn ở… “Vậy mà Tú học khá, thuộc nhóm học được trong lớp”, thầy giáo cũ Hồ Văn Phong nhận xét.
Hết lớp 5, chị đành nghỉ học vì trường cấp 2 cách nhà khá xa, chuyện đi lại quá cực khổ. Từ đó, Tú chỉ biết quanh quẩn ở nhà nhìn chúng bạn tung tăng đến trường mỗi ngày. Ở nhà, Tú mày mò học nghề may. Chị có thể tự may vá áo quần cho mình và kể cả may thuê lấy tiền công.
Còn Nguyên là chàng trai khỏe mạnh lanh lẹ, nhà ở xã Vạn Trạch, cách xã Xuân Trạch của Tú mấy chục cây số. 10 năm trước, khi đang ở Tây nguyên làm ăn, anh nhờ một người bạn ở Xuân Trạch nhắn gửi số điện thoại để liên hệ công chuyện. Không hiểu sao, người bạn lại gửi đúng số điện thoại của Tú… Sau lần gọi đầu, lạ rồi quen, những cuộc điện thoại 2 chiều Tây nguyên - Quảng Bình ngày một nhiều lên, thời gian cuộc gọi cũng dài ra…
Chuyện tình cổ tích  dưới đèo Đá Đẽo

Mỗi lần đi đâu, anh Nguyên đều gài mũ bảo hiểm và dìu vợ lên xe

Ảnh: Trương Quang Nam

Họ yêu nhau mà chưa hề nhìn thấy mặt nhau. Giờ nhớ lại, Tú thật thà: “Ai nghĩ yêu thật đâu, vừa ở xa, mình vừa tàn tật. Mình què mà, có ai mà yêu? Nên nghĩ đơn giản chỉ đùa cho vui qua điện thoại vậy thôi”.

Vượt qua rào cản

Đến khi anh Nguyên nói về quê để gặp người yêu và tính chuyện tương lai thì Tú mới hoảng. Tú thú nhận thật về hoàn cảnh của mình và khuyên anh dừng lại. “Anh đừng về nữa, có về em cũng không gặp đâu!”, Tú quả quyết. Tối đó, 2 người nói chuyện hơn 3 tiếng đồng hồ qua điện thoại.
Nhưng Nguyên đã quyết. Gần Tết Nguyên đán, Nguyên đặt chân lên đất Xuân Trạch, hỏi thăm đường, rồi đứng ngay trước cửa nhà Tú, gọi điện thoại. Gần 1 năm “kết nối” qua đường truyền, giờ sắp được gặp, bao nhiêu cảm xúc ập đến. Nhất là hình dáng Tú, có đúng như cô ấy nói hay không…
Rồi Tú cũng xuất hiện bên cánh cửa. Nguyên nhớ lại: “Vừa thấy cô ấy, tôi bỗng nhiên thiếu tự tin hẳn, có phần hơi nản. Lúc ngồi nói chuyện, lại thấy tội”. Ở chơi đến chiều tối thì anh về nhà. Trước khi chia tay, cả hai cũng “thống nhất” là nếu không yêu nữa thì… thôi, chẳng sao cả. “Nhưng tối đó tôi cứ suy nghĩ mãi. Mình yêu cũng khá lâu rồi, giờ người ta như thế, ai sinh ra cũng có chân có tay, còn cô ấy bị như vậy quá thiệt thòi. Quá tội! Tôi nghĩ nhiều lắm. Sau đó, tôi quyết định lên lại”, Nguyên kể.
Rồi anh chở người yêu về Vạn Trạch ra mắt gia đình. Nhưng anh gặp ngay cái kết đắng: Bố mẹ phản đối quyết liệt. Thậm chí sau đó anh còn bị đuổi ra khỏi nhà, đành lủi thủi lên nhà Tú tìm nơi nương tựa... Tú buồn, nhưng không trách cứ gì bố mẹ anh Nguyên. “Ông bà phản đối là đúng rồi. Mọi người sợ lấy em rồi sinh con ra giống em”, mắt Tú ngấn nước.
Lạ nỗi, thời điểm đó mọi người phản đối chừng nào, họ lại càng yêu nhau chừng nấy. Trước áp lực ghê gớm, Nguyên vẫn quyết tâm cưới. Anh nhờ em trai lén lấy hộ khẩu mang lên để mình đi đăng ký kết hôn… Sau một thời gian, bố mẹ Nguyên cũng nguôi ngoai phần nào, chấp nhận tình yêu của đôi lứa. Mẹ anh đến nhà Tú chơi nói chuyện, xin gia đình cho làm lễ ăn hỏi. Đám cưới diễn ra vào tháng 6.2009. Cô dâu không mặc được áo cưới và vướng đôi nạng.

Tấm lòng bao dung

Kết quả của nhân duyên tình cờ là đến nay họ đã có với nhau 3 mặt con khỏe mạnh. Tú kể: “Cứ mỗi lần sinh ra, bác sĩ lại bóp bóp chân con của em xong nói nó không sao cả. Nghe vậy thôi cũng đủ mừng rơi nước mắt”.
Hằng ngày, Tú ngồi một chỗ, lúc bồng con cũng phải ngồi mới bồng được. Nguyên lo liệu hết mọi thứ. Anh tất tả ngược xuôi làm đủ việc, từ kiếm miếng cơm manh áo cho vợ con đến đám đình hiếu hỉ. Để có tiền trang trải cho cả gia đình, ngoài việc chính là thợ xây, anh còn tranh thủ đêm ngày làm việc khác. Có những thời điểm anh nuôi đàn lợn 40 con; đi xây về anh lao vào chăm lợn, nấu cơm cho vợ. Ngôi nhà nhỏ đang ở cũng do một tay anh xây dần. Ở sát nhà vợ nên gia đình anh cũng được nhờ cậy nhiều.
Nguyên như đôi chân của Tú vậy. Cô muốn gì, anh chiều tất. Xóm làng còn “ganh tỵ” hơn bởi lúc rảnh rỗi hay dịp lễ tết, Nguyên lại chở Tú đi chơi, đi uống cà phê. Mỗi lần lên xuống xe, anh lại bế dìu Tú như một đứa trẻ. Đầu năm rồi, Nguyên dành dụm chắt chiu mua cho vợ chiếc xe điện 3 bánh để cô có thể tự đi đâu tùy thích.
Càng khâm phục hơn khi thầy giáo Hồ Văn Phong bật mí: Tú thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm và kể cả bỏ tiền túi giúp đỡ các hoàn cảnh thương tâm ở xã. Cứ mỗi lần thầy giáo Phong đăng tin về trường hợp nào đó, Tú copy lại rồi gửi xin hỗ trợ. Khi có tiền, cô chuyển lại cho thầy giáo để đi trao. Cũng có lúc Tú nhờ chồng chở đi trao. “Có nhiều người còn khó khăn hơn mình, giúp được gì cho ai cứ giúp thôi. Em tuy nghèo, với lại một mình chồng em làm nuôi cả nhà, lại thêm mẹ già nữa. Nhưng thấy mấy anh chị đăng bài có nhiều hoàn cảnh tội, em cũng cố gắng góp, coi như của ít lòng nhiều”.
Chia tay vợ chồng Nguyên - Tú, tôi chợt nhớ có ai đó nói rằng, không phải cứ có tiền mới làm được việc thiện!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.