Có con tự kỷ: Trần ai nuôi dạy

14/12/2020 08:00 GMT+7

Căng thẳng, bị cào cắn, rượt đánh, xã hội thiếu cảm thông... là áp lực thường ngày của những người nuôi dạy trẻ tự kỷ .

Bà Dương Thị Lài (65 tuổi, quê ở H.Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) thuê nhà sát một trường giáo dục chuyên biệt (P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) để dễ chăm sóc, đưa rước đứa cháu tự kỷ. Bà Lài xuýt xoa: “Thỉnh thoảng tui qua trường chơi, thấy tội và rất thương mấy cô giáo, nhiều khi dép lê còn xỏ không kịp để chạy theo mấy đứa nhỏ đang lên cơn. Cháu tui mấy tháng đầu vô học cũng khóc la rần rần, đánh và cấu véo cô giáo, đái ỉa tùm lum... Tui chỉ giữ cháu vào cuối tuần thôi đã thấy quá cực nhọc. Còn mấy cô chăm tụi nó từ ngày này qua tháng khác, chắc phải có tinh thần thép mới trụ được”.

Cô giáo Vũ Thị Thùy Dung đã có 12 năm dạy trẻ tự kỷ

ảnh: Như Lịch

Khi thầy cô bị... bắt nạt

Chuyện bị học trò đánh, cào cắn là “chuyện thường ngày” đối với giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Chỉ vết sẹo mờ trên cánh tay mình, anh Thông Nhân (38 tuổi, quê Bình Thuận, giáo viên tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí, H.Củ Chi, TP.HCM) cởi mở: “Các bạn ở đây đánh, cào cắn thầy cô là bình thường. Vì ở nhà các bạn quen bạo lực với ba mẹ, lên đây không được đáp ứng thì mấy thầy… bị ăn đòn. Mình cũng bị mấy lần rồi đó. Nhiều lúc tức thì có tức, nhưng lúc đó mình kìm chế được mới là bản lĩnh”.
Anh Trần Văn Hòa (ngụ TP.HCM), thâm niên dạy trẻ tự kỷ hơn 10 năm, cũng từng bị học trò cắn. Lúc đó, bé A.P vừa thấy bà ngoại tới thăm đã lao nhanh ra đón, vô tình làm bà té. Anh Hòa vội chạy tới đỡ bà cụ, bất thần bị A.P cắn một phát sau lưng. “Đến nay, tôi cũng không hiểu vì sao mình bị cắn”, anh Hòa bật cười.
Chị Trần Thị Nhàn (34 tuổi, quê Đắk Lắk, giáo viên Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí tại TP.HCM), cho biết nhiều học trò mới vào học hay có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân như đập đầu, cắn tay, cào tai. Chị kể: “Lớp tôi có bé N.T, cả trường đều sợ vì tốc độ đập đầu ăn vạ của bé rất ghê. Lúc nào không hài lòng điều gì đó, bé đập đầu ăn vạ và mỗi cơn ăn vạ kéo dài từ 30 - 60 phút. Thậm chí, bé còn cào bộ phận sinh dục cho rách da, chảy máu. Gia đình bé cũng rất căng thẳng về tình trạng con mình”.
Trước những cơn bùng nổ của học trò, nếu không tỉnh táo xử lý, giáo viên rất dễ mất kiểm soát. Chẳng hạn gặp tình huống bé cào rách lỗ tai mà bị máu khó đông, các cô sợ máu sẽ vô cùng hoảng loạn. Chị Nhàn nêu kinh nghiệm: “Mình phải nhanh chóng đưa bé ra khỏi môi trường đó. Có thể đưa cho bé cái gối hoặc dắt đi nơi khác, massage làm dịu thần kinh của bé. Dần dà, bé hiểu rằng muốn cái gì đó thì cầm tay các cô chỉ hoặc sau này bé có ngôn ngữ sẽ nói, thay vì la hét và có những hành vi quá khích”.
Có con tự kỷ: trần ai nuôi dạy

Dạy chữ cho trẻ tự kỷ tại Lớp giáo dục chuyên biệt Tuổi Ngọc, TP.HCM

Ảnh: Như Lich

Trải qua 12 năm dạy trẻ tự kỷ, chị Vũ Thị Thùy Dung (quê Thái Bình, phụ trách chuyên môn Lớp giáo dục chuyên biệt Tuổi Ngọc, TP.HCM) cho biết nhiều lần chị bị học trò “hành hung”. Một lần chị phát động các em thi nhảy nai, sau mỗi lượt thắng, cô - trò đập tay “yeah... yeah...” đầy hào hứng, bỗng một học trò cầm cái bục (bằng mốp) khá to và nặng liệng thẳng vào mặt khiến chị choáng váng. Lần khác lên cầu thang, chị Dung chào một học trò. Đáp lại là một cái tát làm cô giáo hoa mắt chóng mặt...
Chị Dung tâm niệm dạy trẻ tự kỷ phải hết sức kiên nhẫn, không được nổi nóng khiến bé cảm thấy áp lực dẫn đến hành vi tiêu cực. Đặc biệt, chị khẳng định: “Quan trọng là mình phải thay đổi bản thân để phù hợp với bé, chứ không phải thay đổi bé. Khác ngày trước, bây giờ bất kể học sinh nào mình cũng thích nghi và tương tác được. Mình phải giống với trẻ, ngang với trẻ thì mình mới làm bạn với trẻ được. Làm bạn trước, làm thầy sau”.
Có con tự kỷ: trần ai nuôi dạy

Rèn luyện cho trẻ kỹ năng tự lập tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí, TP.HCM

Ảnh: Như Lịch

Trầy trật hòa nhập

Trẻ tự kỷ hay có những hành vi bất thường dễ làm người bình thường hiểu lầm. Một số
cha mẹ có con tự kỷ học hòa nhập ở trường THCS, THPT cho hay, thỉnh thoảng họ bị nhà trường mời lên “làm việc”, do con họ có những hành vi không phù hợp. Một bà mẹ dẫn chứng: “Thằng con tôi nhìn lom lom vào áo của cô bạn học và bị hiểu lầm là nhìn bầu ngực. Thực ra, nó không có ý gì hết, chỉ là cố đọc cái phù hiệu...”.

Mừng như nhặt được vàng

Lao tâm khổ trí với trẻ tự kỷ, nên khi trẻ có bất cứ tiến bộ nào dù nhỏ nhoi cũng làm những người nuôi dạy vui... rớt nước mắt.
Ngày đầu tiên dạy trẻ tự kỷ, thầy giáo Trần Văn Hòa được phân công tiếp nhận bé T.N (7 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM). T.N vô lớp chỉ biết nằm, hễ ai động đến là khóc la. Sau hai năm, với sự bền bỉ hỗ trợ của giáo viên, T.N đã biết tự xúc ăn, tự cởi quần áo, đạp xe hai bánh, biết bơi... Với anh Hòa, những điều “rất đỗi bình thường” này lại là niềm vui, là thành công trong nghề.
Trên thực tế, nhiều giáo viên dạy trẻ tự kỷ nếm trải cảm giác mòn mỏi khi chờ đợi sự tiến bộ của một số học trò. Đến lúc bé thay đổi, niềm vui của thầy cô vỡ òa! Chị Trần Thị Nhàn kể: “Trong suốt 4 năm, bé N. (Q.7, TP.HCM) không phát âm được chữ B. Mình ấn răng tập luyện cho bé đến nỗi ngón tay bị chai luôn mà mở miệng bé vẫn chỉ nói được mỗi chữ A. Một buổi nọ, bất ngờ bé nói chữ B. Trời ơi, khi ấy tôi mừng như nhặt được cục vàng!”.
Còn chị Dung, khi nói về nghề, chị lại ít đề cập đến khó khăn mà liệt kê những “lợi lộc” chị nhận được (như trẻ hơn, hài hước hơn). Chị hạnh phúc khi làm nghề này vì chỉ cần thấy các bé tiến bộ một tí thôi đã thấy vui, đôi lúc mừng quá khóc ròng luôn.
Hoặc như trường hợp ông Ngọc Việt (ngụ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), vợ chia tay, ông trực tiếp nuôi dưỡng con trai bị tự kỷ nặng. Con của ông hiện 20 tuổi, không học được, chỉ quẩn quanh trong nhà. Từ khi con còn nhỏ, ông đã chú ý tập cho con biết thể hiện ý thích đúng nơi đúng chỗ. Tuy nhiên, bé không kìm chế được cảm xúc và hành vi của mình. Thấy đứa trẻ khác đang cầm kẹo bánh ăn, bé giành giật ăn ngay. Lúc đó, những người không hiểu về tự kỷ thường có phản ứng: giành lại đồ của con mình, xúc phạm phụ huynh “không biết dạy con”, hoặc thậm chí đánh, chửi, xa lánh trẻ...
Thậm chí, cha con ông từng phải di chuyển chỗ ở theo yêu cầu của tổ dân phố. Lý do họ đưa ra: “Người dân phản ánh con anh ở đây không an toàn cho khu phố. Mỗi khi nó xuất hiện, những đứa trẻ khác không dám chơi. Con anh có thể gây tổn thương cho chính nó và những đứa trẻ khác, trong khi chúng tôi không quản lý được”.
Ông Việt tâm sự: “Tôi lo nghĩ đến ngày mình nằm xuống, con tôi sẽ ra sao? Gần đây, tôi và một số người bạn đồng cảnh dự định dẫn con vào chùa làm công quả, để con dần dần nương nhờ cửa Phật. Lúc đó, ít nhất việc ăn uống, chỗ ở của con không phải lo lắng, con mình không phải bơ vơ ngoài xã hội khi cha mẹ mất đi...”.
Trong những lời thơ viết cho đứa con trai tự kỷ, ông Việt ngậm ngùi: “... Yêu thương con luôn trong từng hơi thở/Ba nghẹn lòng, nghĩ tới cuộc đời con/Con sinh ra cũng “chín tháng, vuông tròn”/Nhưng lớn lên trong vòng đời nghiệt ngã”.

Gần 1 triệu người VN mắc chứng tự kỷ

Tự kỷ (tiếng Anh: autism) là một loại khuyết tật suốt đời, do những bất thường của hệ thần kinh dẫn đến rối loạn phát triển, đặc trưng bởi những khiếm khuyết về kỹ năng giao tiếp xã hội, ngôn ngữ, hành vi.
Đa số trẻ tự kỷ chậm phát triển so với bạn cùng lứa. Tuy nhiên, một số khác lại có khả năng đặc biệt về toán học, nghệ thuật… Nhiều thiên tài “siêu trí tuệ” nổi tiếng trên thế giới mắc tự kỷ như: Albert Einstein, Isaac Newton hay Michelangelo...
Theo ước tính của một số chuyên gia, VN có gần 1 triệu người mắc chứng tự kỷ. Các bệnh viện nhi đồng, trung tâm tâm thần và tâm thần nhi quá tải lượng trẻ em đến khám về tự kỷ và chậm phát triển.
Năm 2008, Liên Hiệp Quốc khuyến nghị các quốc gia quan tâm vấn đề tự kỷ và lấy ngày 2.4 hằng năm là ngày Thế giới nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.