Cổ đông OceanBank đòi quyền lợi như PVN

25/04/2018 04:42 GMT+7

Ngày 24.4, phiên tòa phúc thẩm xét xử đại án OceanBank bước sang ngày làm việc thứ 5.

Chủ tọa Ngô Hồng Phúc cùng đại diện Viện KSND và luật sư xét hỏi nhân chứng và những cá nhân, đơn vị liên quan trong vụ án.
Sẽ phân định rõ tài sản kê biên
Được tòa triệu tập, bà Võ Thị Thanh Xuân, vợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc OceanBank, cho biết sau khi tòa sơ thẩm tuyên tổng hình phạt Nguyễn Xuân Sơn án tử hình, bà cùng gia đình vội vã đi tìm sự thật, kêu oan mong chồng thoát tội. Bên cạnh đó, trong bản án sơ thẩm tòa tuyên kê biên cả căn nhà ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội). Căn nhà này có một phần tiền đóng góp của mẹ đẻ bà, ngoài ra đây đang là nơi thờ cúng liệt sĩ. Do đó, bà Xuân mong HĐXX phúc thẩm tuyên không kê biên ngôi nhà này.
Giải thích với bà Xuân, chủ tọa phiên tòa nói cơ quan thi hành án kê biên tài sản của bị cáo để tránh việc tẩu tán. Quá trình bản án phúc thẩm được thi hành, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn, phân định. “Nếu căn nhà đó là tài sản chung của vợ chồng bà, tòa xác định bị cáo Sơn phải thi hành án thì cơ quan thi hành án sẽ đảm bảo quyền lợi cho bà”, thẩm phán Ngô Hồng Phúc thông báo.
Đề cập nội dung kháng cáo của bà Xuân về việc gia đình sẽ lấy tài sản hiện có để bồi thường, khắc phục hậu quả cho Nguyễn Xuân Sơn hầu mong bị cáo này thoát án tử, chủ tọa phiên tòa phân tích tòa sơ thẩm kết luận bị cáo 56 tuổi tham ô 49 tỉ đồng. “Ở đây có điều tế nhị. HĐXX hiểu nếu bồi thường hết thì khối lượng tiền rất khổng lồ”, chủ tọa nói.
Trình bày vấn đề trên, bà Xuân cho biết gia đình cũng rất băn khoăn, xin HĐXX xem xét, tuyên Nguyễn Xuân Sơn không phạm tội tham ô tài sản. Nếu giả sử tòa vẫn kết tội, bà xin dùng một phần tài sản riêng của mình để khắc phục cho chồng, mong chồng bớt khổ trong cảnh tù đày. “Phần tài sản còn lại xin để được nuôi bố mẹ già”, bà Xuân bật khóc. Nghe vợ nói về án tử và kê biên tài sản nuôi bố mẹ, bị cáo Sơn đã không cầm được nước mắt.
Khó đòi tiền?
Trong phần thẩm vấn buổi sáng, HĐXX cũng hỏi về kháng cáo của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trả lời tòa, bà Lâm Khánh Hồng, đại diện Công ty VNT (một cổ đông của OceanBank), lập luận trong số tiền bị cáo Sơn chiếm đoạt là 246 tỉ đồng, tòa sơ thẩm tuyên ông Sơn trả cho PVN 49 tỉ đồng.
Tuy nhiên, VNT cũng là đơn vị sở hữu 20% vốn của OceanBank thì cũng phải được quyền lợi 20% số tiền 246 tỉ nói trên. Ông Sơn lấy của ngân hàng thì cũng phải trả VNT 49 tỉ.
Theo đại diện VNT, công ty là cổ đông chiếm 20% của OceanBank nhưng cũng không được có ý kiến khi Ngân hàng Nhà nước mua OceanBank với giá 0 đồng, nên bị mất khoản vốn đầu tư. VNT đề nghị khi tòa xác định PVN có quyền lợi gì, VNT cũng phải có quyền lợi như vậy.
Chủ tọa Ngô Hồng Phúc giải thích VNT yêu cầu tổ chức, cá nhân nhận tiền lãi ngoài phải hoàn trả số tiền này, đòi hỏi này là hợp lý nhưng khó khả thi. Thứ nhất, toàn quốc có hơn 3.000 người nhận lãi ngoài chưa trả lại cho ngân hàng. Thứ hai, họ là đối tượng được OceanBank tặng thưởng, cảm ơn, không dễ gì để đòi được số tiền đã nhận. “Có chăng, số tiền 246 tỉ mà Sơn đã nhận từ ngân hàng, nếu tòa tuyên ông Sơn phải trả 20% cho PVN thì HĐXX sẽ cân nhắc đến quyền lợi của VNT. Giả thiết trong trường hợp đặt vấn đề này ra rất phức tạp, VNT vẫn có quyền khởi kiện tại một vụ án dân sự khác để bảo đảm quyền lợi của mình”, chủ tọa nói.
Bà Hồng cho rằng những người nhận lộc phải trả tiền, khó nhưng không có nghĩa không thực hiện được. “Việc thu hồi tiền lãi ngoài hợp đồng từ các tổ chức, cá nhân khả thi hơn việc đòi các bị cáo bồi thường”, bà này nói.
Một cổ đông khác nắm giữ 20% cổ phần của OceanBank là Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup) kháng cáo đề nghị tòa cấp phúc thẩm tuyên buộc Nguyễn Xuân Sơn hoàn trả công ty 20% số tiền đã chiếm đoạt; buộc các tổ chức, cá nhân nhận tiền chi lãi ngoài bất hợp pháp hoàn trả công ty theo tỷ lệ sở hữu là 20%. Tại tòa, đại diện OceanGroup cho biết công ty vẫn giữ nguyên kháng cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.