Cô gái dân tộc Mông và nỗi khát khao học tập

16/07/2019 11:16 GMT+7

Bị buộc phải ở nhà nhưng vẫn quyết tâm đi học, liên tục là học sinh giỏi, đoạt giải cao trong nhiều kỳ thi cấp tỉnh... Đó là Mua Thị Chở, người dân tộc Mông ở xã biên giới Sủng Là (H.Đồng Văn, Hà Giang).

Khát khao được học của cô gái để thoát nghèo, cống hiến, để thay đổi nhận thức của người dân tộc Mông...

Bắt nghỉ học vẫn lén học

Nhà Chở ở trên núi Sủng Là, xuống trung tâm xã gần 10 km. Năm 2006, Chở (sinh năm 2000) vào học lớp 1 bán trú dưới trung tâm xã. Chiều thứ sáu leo dốc từ trường về nhà, chiều chủ nhật lại men theo sườn núi xuống trường. 6 tuổi học lớp 1 nhưng Chở bé lắm. Cuối tuần từ trường về, Chở lại trèo lên ngọn núi cắt cỏ cho bò.

Mua Thị Chở nhận học bổng Vừ A Dính

Ảnh: NVCC

Nhà Chở nghèo lắm. Bố là Mua Chúa Già và mẹ Vàng Thị Say năm nay 52 tuổi, không biết chữ, không nói được tiếng Kinh nhưng sinh tới 5 đứa con. Anh trai đầu 29 tuổi, em trai út 13 tuổi. Chở là con thứ 4, trên là 2 chị gái. Phong tục người Mông bao đời chỉ trọng người đàn ông biết vào rừng đi nương; phụ nữ dù có đảm đang mọi việc ruộng nương, thêu dệt..., cũng không được coi trọng. Khi Chở học đến lớp 3, bố Chở nói “Con gái mấy năm nữa lấy chồng, học làm gì?”.
Năm học 2009 - 2010, Chở đang học lớp 4 Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sủng Là thì bố Chở bắt nghỉ ở nhà. Buổi chiều cuối tuần hôm ấy, Chở đang chuẩn bị sách vở quần áo xuống núi thì bố nhốt vào buồng, khóa cửa ngoài mặc cô bé khóc lóc van xin. Biết Chở bị bắt nghỉ học, các thầy cô giáo trong trường mấy lần lội bộ lên vận động. Không được, các cán bộ xã lại tìm đến nhà thuyết phục. Nói mãi không nghe, có người dọa: “Không cho con đi học là phải đi tù”. Bố Chở vặn lại: “Con ta đẻ ra, muốn cho đi đâu là quyền của ta. Ta không giết người trộm cắp, sao cán bộ bắt ta đi tù?!”.
Bất lực, các thầy cô đành gạt nước mắt ra về. Cô giáo Phạm Thanh Thúy, chủ nhiệm lớp 4 mà Chở đang học lúc ấy đánh liều đến ôm em và dặn vội: “Cứ giữ sách vở của trường mà tự học, các thầy cô sẽ nghĩ cách đưa em về trường”. Cả năm trời bị bắt ở nhà làm lụng, Chở lúc nào mặt cũng buồn rười rượi. Làm từ sáng đến tối, ăn cơm xong là ngồi quay cối đá xay ngô trong ánh đèn dầu lập lòe như hạt lạc, Chở càng khao khát: “Phải học, để tự do”. Thế là Chở giấu sách mang theo những lúc đi nương, lên núi cắt cỏ, vào rừng đào dong. Mỗi cuối tuần thấy bạn cùng trang lứa đi học, Chở lại đứng đầu nhà tấm tức khóc khiến ông bố vằn mắt: “Muốn thì xuống ở hẳn với thầy cô giáo. Chuyển người Mông thành người Kinh đi. Đừng về nhà nữa!”.
Gần 1 năm trời, các thầy cô giáo và nhất là anh chị của Chở thuyết phục, ông Mua Chúa Già mới xiêu lòng cho con gái đi học lại. Ngày cuối tuần của ngày đầu năm 2010, sau khi đã xin phép bố cho đi học, Chở vẫn lén nhờ bạn qua nhà mang quần áo sách vở ra đầu thôn đợi, còn mình vào xin bố xuống trường. Không thấy bố bắt nhốt như những lần trước, cô bé mới thực sự tin là mình được đi học lại và chạy ùa xuống núi...
Cô gái dân tộc Mông và nỗi khát khao học tập

Mua Thị Chở học bài trên lớp

Vừa học vừa làm

Năm học 2010 - 2011, Chở đi học lại lớp 4 và hết lớp 5. Chở thi vào THCS và đậu vào Trường phổ thông dân tộc nội trú Phó Bảng (H.Đồng Văn, Hà Giang). Vào trường nội trú, may nhà nước có chế độ nuôi ăn học và có trợ cấp học bổng nên Chở không vất vả việc ăn uống sinh hoạt như trước.

Trên em, người dân bảo “đi học để làm cán bộ, nếu không làm được cán bộ thì đừng học”. Vì vậy, em ước mình có cơm no, áo ấm để học tốt về giúp đỡ mọi người thay đổi nhận thức 

Mua Thị Chở
4 năm nội trú THCS, Chở say sưa, đam mê học. Từ lớp 6 đến lớp 9, năm nào em cũng trong danh sách đi thi học sinh (HS) giỏi cấp huyện và năm nào cũng được thưởng. Lớp 8, Chở thi HS giỏi vượt cấp môn lịch sử và được giải ba cấp tỉnh. Lớp 9, cô bé thi đến 4 - 5 môn, đều có giải cấp huyện và 1 giải nhì cấp tỉnh môn địa lý, 1 giải khuyến khích cấp tỉnh môn giáo dục công dân.

Cuối tuần từ trường về, Chở lại trèo lên ngọn núi cắt cỏ cho bò, phụ giúp việc nhà

Ảnh: NVCC

“Lớp 8 và 9, em thi nhiều nên được nhiều tiền thưởng. Em mua quần áo sách vở cho em trai và mấy đứa cháu là con của 3 anh chị. Ngoài ra, em còn để dành được 3 triệu đồng để nhập học Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc dưới tận Thái Nguyên”, Chở bật mí.
Ít ai biết, những ngày nghỉ hè của những năm THCS, Chở ngồi mấy chặng xe khách từ Đồng Văn sang H.Bắc Mê ở nhờ nhà chị họ và ra thị trấn bán đào, mận cho du khách, kiếm thêm tiền để mua quần áo cho năm học mới.

Học để đóng góp cho xã hội

Đầu tháng 9.2016, Chở ôm ba lô từ Đồng Văn xuống TP.Thái Nguyên nhập học Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc. Đây là ngôi trường trực thuộc Bộ GD-ĐT được thành lập năm 1957 với tên gọi đầu tiên là Trường thiếu nhi rẻo cao Khu tự trị Việt Bắc. Để được vào trường, HS người dân tộc thiểu số phải có thành tích xuất sắc trong 4 năm THCS và có giải thưởng cấp tỉnh. Năm học 2016 - 2017, Chở là 1 trong 4 HS chính thức của huyện biên giới Đồng Văn (Hà Giang) vào học trong trường, được nuôi ăn học toàn bộ.
Ngay năm đầu vào trường, Chở tham gia cuộc thi chọn HS giỏi cấp tỉnh lớp 10 THPT của tỉnh Thái Nguyên và đoạt giải nhất môn lịch sử. Cũng năm này, Chở tham gia kỳ thi HS giỏi các trường THPT chuyên khu vực duyên hải - đồng bằng Bắc bộ và đoạt huy chương bạc môn lịch sử. Năm học 2017 - 2018, Chở đoạt giải nhì môn lịch sử trong kỳ thi chọn HS giỏi của tỉnh Thái Nguyên. Cũng năm học này, Chở đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi HS giỏi các trường THPT chuyên khu vực duyên hải - đồng bằng Bắc bộ về môn lịch sử. 3 năm học, năm nào Chở cũng đạt danh hiệu HS giỏi và được nhận giấy khen. Năm 2017, Chở được nhận học bổng Vừ A Dính.
Trong 32 bằng khen và giấy chứng nhận trong suốt những năm học phổ thông, nhiều nhất là môn lịch sử. Chở cười: “Môn lịch sử giúp cuộc sống của em có ý nghĩa hơn bởi em biết về những người đã gầy dựng đất nước và các anh hùng đã hy sinh để bảo vệ đất nước”.
“Em muốn học để có kiến thức và đóng góp sức lực của mình cho xã hội. Trên em, chưa từng có một người phụ nữ Mông nào học hết ĐH, nên em cố gắng để làm được điều đó”, Chở nói và chia sẻ thêm: “Trên em rất lạnh, mùa đông không có áo ấm mặc. Trên em, người dân bảo “đi học để làm cán bộ, nếu không làm được cán bộ thì đừng học”. Vì vậy, em ước mình có cơm no, áo ấm để học tốt về giúp đỡ mọi người thay đổi nhận thức. Nếu em học xong ĐH và thành đạt, mọi người sẽ tin rằng người dân tộc Mông thành đạt và cho con cái đi học”.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2019 này, Chở đăng ký nguyện vọng 1 là Khoa Lịch sử của Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), nguyện vọng 2 cũng Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nguyện vọng 3 ngành du lịch, ĐH Văn hóa Hà Nội. Hôm rồi, Chở báo với chúng tôi: “Em xét tuyển học bạ và trúng tuyển ngành du lịch của ĐH Thái Nguyên”... Cô bé trầm ngâm: “Lại 4 năm vừa đi học vừa làm thêm để lấy tiền ăn học. Nhà em trên núi cao, nghèo lắm”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.