Cố gắng hơn nữa để Covid-19 ít ảnh hưởng đến đời sống nhân dân

13/08/2020 07:08 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cảnh giác với dịch, bảo vệ tính mạng của người dân nhưng không được làm tê liệt các hoạt động KT-XH, 'cố gắng hơn nữa để Covid -19 ít ảnh hưởng đến đời sống nhân dân'.

Tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 15 tỉnh, thành chiều 12.8 về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cảnh giác với dịch, bảo vệ tính mạng của người dân nhưng không được làm tê liệt các hoạt động KT-XH, “cố gắng hơn nữa để Covid-19 ít ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”.

Bản tin Covid-19 ngày 12.8: Lo ngại vì bệnh nhân 867 ở Hà Nội không rõ lây từ đâu

Ổ dịch Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ổ dịch tại Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát, số ca mắc mới giảm những ngày gần đây. Các ca bệnh đã được ghi nhận phần lớn liên quan các bệnh viện (BV) đã được phong tỏa (43 ca) và các ca tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly tập trung (172 ca).
Thống kê tỷ lệ tử vong cho thấy trong 17 người có 10 nữ và 7 nam, độ tuổi từ 33 - 86 (11 người trên 60 tuổi). Các ca tử vong đều có bệnh lý nền nặng, với 82,4% có nhiều hơn 1 bệnh lý kèm theo, phổ biến nhất là suy thận mạn (12 ca), tăng huyết áp (8), đái tháo đường (8), tim mạch (7) và ung thư (3), nên nguy cơ tử vong rất cao và có thể tiếp tục ghi nhận thêm các ca tử vong trong nhóm các bệnh nhân (BN) này trong thời gian tới.
Bộ Y tế cũng lưu ý do phần lớn BN không có triệu chứng (khoảng 40%) nên việc phát hiện các ca này tại cơ sở y tế là rất khó. Do đó, việc nâng cao năng lực cho các tuyến và thực hiện khám chữa bệnh từ xa là rất cần thiết để chủ động sàng lọc BN và có thể xét nghiệm (XN) ngay tại tuyến huyện, thực hiện cách ly điều trị tại tuyến tỉnh.
Theo Bộ Y tế, mặc dù đợt dịch này đã từng bước được kiểm soát và hạn chế được khả năng lây lan rộng ra cộng đồng, tuy nhiên, trong thời gian tới, vẫn có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các ca chưa được phát hiện.
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý báo cáo một ca đáng chú ý của Hà Nội là BN 867 có lịch trình ở, đi lại, khám bệnh phức tạp, nhưng chưa rõ nguồn lây nhiễm. BN không có yếu tố liên quan Đà Nẵng, không đi qua vùng dịch và chưa rõ tiếp xúc với nguồn lây bệnh nào, chưa rõ lây ở Hà Nội hay Hải Dương. Trường hợp này, cộng với trường hợp Đ.T.A được phát hiện dương tính qua test nhanh tại Nhật hôm 8.8 khi bay từ Nội Bài sang, cho thấy phải lưu ý đến tín hiệu diễn biến dịch của Hà Nội.

Hà Nội tìm người từng đến quán bia Lộc Vừng vì liên quan đến bệnh nhân Covid-19

Phải xem lại phác đồ điều trị

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thời gian qua, cả nước đã xử lý dịch một cách bình tĩnh, căn cơ, cương quyết và có hiệu quả. Việt Nam đã rút ra được một công thức chống dịch: “Phát hiện, phát hiện nhanh; cách ly, cách ly nhanh; xét nghiệm, xét nghiệm rộng và nhanh”.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Thủ tướng vẫn yêu cầu không được lơ là để dịch bệnh bùng phát, trang bị đầy đủ, kịp thời phương tiện, vật tư, nâng cao ý thức người dân trong phòng dịch. Ngành y tế tiếp tục đẩy nhanh nghiên cứu thuốc, vắc xin, hoàn thiện phác đồ điều trị. Lưu ý việc một số nước đã có vắc xin, như Nga, Thủ tướng cho rằng Việt Nam nên có tính toán phù hợp. Đặc biệt, trước việc dịch lần này đã khiến 17 BN tử vong, trong khi lần 1 không có người tử vong, kể cả người có bệnh nền rất nặng, như BN người Anh, bác của BN 17, Thủ tướng yêu cầu phải xem xét phác đồ điều trị của lần trước và lần này, vì “rõ ràng đó là câu hỏi”.
“Nhân dịp này, tôi nói lại là ngành y tế phải tăng cường đào tạo, tập huấn để có quy trình khám, điều trị chuẩn các ca nghi nhiễm Covid-19, vì có hiện tượng người nghi nhiễm đi lang thang khắp các BV. Các BN ho, sốt, suy hô hấp… phải XN. Không phải chỉ trong BV đâu, mà tất cả công dân, nếu ho sốt đều phải được kiểm tra tức thì để tránh lây nhiễm”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất khả năng XN theo yêu cầu để nhà nước và nhân dân cùng đóng góp.
Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới và cho biết hiện nay rất mừng là đã có thể đánh giá là lực lượng biên phòng không tham gia bảo kê cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép.
Thủ tướng yêu cầu từng địa phương xây dựng một chiến lược chống dịch bệnh hiệu quả cả về kinh tế và y tế; “quán triệt các địa phương nên đánh giá mức độ rủi ro từng khu vực, không nhất thiết phải phong tỏa toàn bộ TP, hay quận, huyện… trong thời gian quá dài, mà chỉ khoanh vùng khu vực có nguy cơ cao”.
“Đề cao phòng chống dịch bệnh, dứt khoát không được chủ quan, mất cảnh giác… nhưng đóng cửa ở quy mô quá rộng không chỉ cản trở hoạt động KT-XH mà còn tác động xấu đến tâm tư tình cảm của người dân và tâm lý xã hội”, Thủ tướng cảnh báo, đồng thời nêu kinh nghiệm của Nhật Bản, châu Âu cũng đã áp dụng tương tự, bởi “Chính phủ rất lo việc thất nghiệp, không có việc làm, đói kém xảy ra”.

Du khách kẹt lại Đà Nẵng vì Covid-19 đã lên máy bay trở về nhà

Hà Nội tính xét nghiệm diện rộng có chỉ định vì có 2 ca không rõ nguồn lây

Chiều 12.8, có mặt tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, PGS-TS Trần Đắc Phu, chuyên gia dịch tễ, lưu ý với sự xuất hiện của 2 BN chưa rõ nguồn lây, Hà Nội phải tính đến việc có XN ca mắc ở cộng đồng tại TP hay không, vì Đà Nẵng, Hà Nội, hay TP.HCM nguy cơ giống nhau.
"Ca Hải Dương (BN 867 - PV) chưa biết lây ở đâu, lây ở Hà Nội hay Hải Dương. Nếu lây ở Hải Dương thì Hà Nội đỡ lo. Nếu lây ở Hà Nội thì Hà Nội rất đáng lo. Bắt được ca lây bệnh này rồi cũng chưa chắc là F0, mà càng bị nhiều chu kỳ dịch thì tính số ca lây nhiễm ở cộng đồng càng lớn. Nếu ca đó mà lây ở Hà Nội thì phải kiểm tra các yếu tố dịch tễ khác, không nói tìm ra F0, nhưng phải tìm ra yếu tố lây nhiễm khác ở Hà Nội có chưa", ông Phu khuyến nghị.

Phát hiện thêm ca dương tính, Hải Dương kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống Covid-19

Cũng theo ông Phu, Hà Nội phải tính đến việc XN trên diện rộng có chỉ định và ngành y tế phải tham mưu cho UBND TP thực hiện. "Không chỉ XN F1 mà các trường hợp sốt, ho là ta chỉ định. Ví dụ, ca vào BV Hà Đông, BV Thanh Nhàn là những ca chỉ điểm, ta không phát hiện là ca đó qua đi, mà ụp một phát như Đà Nẵng là một vấn đề”, ông Phu cảnh báo. Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý cũng cho biết hiện TP rất "quan tâm" đến 2 ca bệnh này để có ứng phó phù hợp. Ông Quý chỉ đạo Sở Y tế tham mưu để có thể thực hiện như khuyến nghị của ông Phu.
Về tiến độ XN cho 76.000 người từ Đà Nẵng trở về, CDC Hà Nội cho biết mới lấy được 17.000 mẫu và có kết quả XN trên 11.000 mẫu, đều âm tính. Nguyên nhân lấy mẫu chậm hơn tiến độ là do thiếu các ống môi trường, vật phẩm để lấy mẫu. Hà Nội đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, nơi sản xuất chính, ưu tiên cho TP để hoàn thành XN theo kế hoạch.
Vũ Hân

Sẽ có giá trần sinh phẩm và thiết bị y tế

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng cho biết đã “nhận được rất nhiều lời phàn nàn về việc không dám mua sinh phẩm và kit XN vì sợ sai phạm”, và dù Thủ tướng đã có kết luận ở các phiên họp trước, nhưng đến nay vẫn có địa phương kiến nghị.
“Tôi xin nói lại, điều 22 của luật Đấu thầu quy định có thể chỉ định thầu trong điều kiện có dịch bệnh, thẩm quyền là của Bộ Y tế, sở y tế 63 tỉnh, thành và các trung tâm y tế. Tôi yêu cầu Bộ Y tế làm việc với hải quan, công bố sớm hơn nữa giá thiết bị nhập, từ đó tính toán các chi phí khác như vận chuyển, thuế khóa… để có mức giá phù hợp. Đối với bộ kit XN, hiện Bộ KH-CN đã cấp giấy phép sản xuất cho Công ty Việt Á, BV 103, một số doanh nghiệp khác, thì yêu cầu thành lập tổ liên ngành gồm y tế, tài chính, kế hoạch, bảo hiểm, đại diện một số BV lớn; mời các nhà sản xuất đến làm việc, xác định giá thành, mức lãi cần thiết… để có giá trần thông báo đến 63 tỉnh, thành. Nếu tỉnh nào đàm phán mua được giá thấp hơn thì hoan nghênh… Đối với thiết bị sinh phẩm nhập khẩu cũng vậy, tôi đồng ý mời các nhà nhập khẩu đến đàm phán, chốt giá trần, cứ thế mà mua. Không tham nhũng, tiêu cực thì không có gì phải ngại. Không đùn đẩy lên cấp trên”, Thủ tướng chỉ đạo và cuối cùng yêu cầu các cơ quan chức năng “cố gắng hơn nữa để Covid-19 ít ảnh hưởng đến đời sống nhân dân chúng ta”.

Thêm 17 ca mắc Covid-19

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo, ngày 12.8, Việt Nam ghi nhận thêm 17 ca mắc mới, là các BN Covid-19 thứ 864 - 880.
Trong đó, 3 BN (864 - 866) là các ca nhập cảnh từ Nhật Bản. BN 867 ghi nhận tại Hà Nội, là BN điều trị tại BV Thanh Nhàn, có địa chỉ tại H.Bình Giang, tỉnh Hải Dương. 13 ca tại Đà Nẵng, là các BN thứ 868 - 880. Trong các BN này, có các trường hợp là người tiếp xúc gần của các BN được xác định trước đó.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến 18 giờ ngày 12.8, Việt Nam có 880 ca mắc Covid-19, trong đó 321 ca nhiễm nhập cảnh; 419 ca mắc mới liên quan Đà Nẵng tính từ ngày 25.7. Trong ngày, BN 445 tại BV Phổi Đà Nẵng được công bố khỏi bệnh. Hiện đã có 400 ca được điều trị khỏi; 17 ca tử vong.
Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.