Có những nơi vận động 4 - 5 lần nhưng người dân không đồng ý sáp nhập

24/05/2019 14:23 GMT+7

Có những xóm, xã vận động 4 - 5 lần nhưng người dân vẫn không đồng ý sáp nhập. Bên cạnh đó, việc chưa có chính sách giải quyết cán bộ dôi dư là cản trở lớn trong quyết tâm sáp nhập những xã chưa đủ tiêu chuẩn .

Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An), Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn, chia sẻ những vướng mắc trong quá trình sáp nhập xóm, xã.
Theo bà Trang, hiện người dân rất xôn xao về chuyện sáp nhập, “uống trà xanh người ta cũng nói, đi làm đồng người ta cũng nói” về chuyện sáp nhập.
Bà Trang chỉ ra mâu thuẫn trong việc quy định phải sáp nhập những xóm, xã không đủ tiêu chí về diện tích và dân số, nhưng đồng thời cũng lại phải được người dân đồng ý.
“Một số địa phương người dân không đồng ý chuyện cần thiết phải sáp nhập. Bà con cho rằng xóm chúng tôi như thế là ổn rồi, nhưng xét tiêu chí diện tích, dân số lại không đạt. Chỗ này không thống nhất nên triển khai rất khó. Nếu không đạt đến 50% cử tri đồng ý sáp nhập thì không biết giải quyết thế nào. Một số địa bàn vận động 4 - 5 lần nhưng cử tri cũng không đồng ý. Chúng tôi không có cách nào ngoài tuyên truyền, quán triệt, vận động”, bà Trang cho biết.
Cũng theo đại biểu Trang, trong các quy định, hướng dẫn có nêu khi sáp nhập phải cân nhắc rất kỹ đặc thù về dân tộc, tôn giáo, địa hình, địa lý, nhưng thế nào là đặc thù thì chưa có quy định, trong khi thực tế thì muôn hình vạn trạng.
Có những nơi địa phương cho rằng đó là đặc thù, nhưng cấp trên lại không đồng ý là đặc thù, nên các địa phương đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn.
Khẳng định đây là chủ trương đúng, nhưng bà Trang kiến nghị không tuyệt đối hóa chỉ tiêu về diện tích hay dân số, mà nên tính toán đến thực tiễn.
Bên cạnh đó, “vướng mắc cơ bản” được đại biểu Hoàng Thị Thu Trang đề cập đến là chế độ chính sách cho công chức thuộc diện dôi dư.
Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
“Xuống địa phương, bao giờ số cán bộ thuộc diện xã, xóm sáp nhập cũng hỏi chế độ chính sách với cán bộ dôi dư thế nào. Về mặt nguyên tắc, chúng tôi không có cơ sở nào để nói với cán bộ là chế độ chính sách là thế này hay thế kia. Đây là một trong những trăn trở, băn khoăn nhiều nhất, và cản trở lớn ở những xóm, xã hiện chưa đạt kết quả về sáp nhập”, theo bà Trang.
Với huyện Nghĩa Đàn, 3 xã có khoảng 75 cán bộ, công chức; nếu sáp nhập thành 1 xã thì chỉ còn 21 người, dôi dư hơn 50 người. Số đủ tuổi về hưu mà vận động chỉ được 10 người thôi, còn lại 45 người dôi dư chưa biết xử lý thế nào.
Bà Trang cho biết, tuy “Nghị quyết 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cho lộ trình 5 năm (để giải quyết số cán bộ dôi dư), nhưng chúng tôi cũng thấy khó xử lý được đội ngũ này trong 5 năm”.
Cách đây hơn 1 tuần, hôm 15.5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, từ nay đến cuối năm, cả nước có khoảng 7 tháng để sắp xếp 16 huyện và hơn 630 xã không đáp ứng đủ 50% tiêu chí về diện tích và dân số theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Do thời gian rất gấp gáp nên hiện các địa phương đều trong tình trạng "vắt chân lên cổ" hoàn thiện đề án, gửi các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, thăm dò ý kiến người dân... để sẵn sàng sắp xếp. 
Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện mới chỉ có Hà Tĩnh (địa phương có số lượng huyện, xã phải sắp xếp rất lớn - 88 xã và 1 huyện) đã ra làm việc với Bộ Nội vụ về vấn đề này. Do các địa phương đều đề nghị cần có hướng dẫn, nên Bộ Nội vụ sẽ có tổ công tác về tận địa phương để phối hợp triển khai việc này.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.