Cơ quan ANĐT đề nghị tỉnh Cà Mau cung cấp gì liên quan đến nhà máy rác?

17/09/2020 09:54 GMT+7

Cơ quan ANĐT Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Cà Mau cung cấp thông tin gì để phục vụ công tác điều tra liên quan đến sai phạm tại Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau?

Ngày 16.9, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị UBND tỉnh Cà Mau cung cấp thêm thông tin để phục vụ công tác điều tra liên quan đến sai phạm tại Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.

Số tiền Công ty Công Lý được hưởng từ các chính sách ưu đãi ?

Cũng theo nguồn tin trên cho biết, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) đề nghị UBND tỉnh Cà Mau cung cấp những hồ sơ liên quan đến việc giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, chuyển giao công nghệ, xây dựng dự án. Đồng thời đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân được phân công quản lý, kiểm tra, giám sát dự án theo từng lĩnh vực, địa bàn.
Cụ thể Cơ quan ANĐT Bộ Công an đề nghị cung cấp toàn bộ văn bản tham mưu đề xuất của các Sở ngành, Văn phòng UBND tỉnh. Và ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến chấp thuận với khoản hỗ trợ 10% chi phí đầu tư xây dựng nhà máy rác từ nguồn vốn địa phương. Cơ quan ANĐT, cũng "đòi" UBND tỉnh Cà Mau văn bản xác định dự án đáp ứng các tiêu chí được hỗ trợ 10% vốn đầu tư trên.
Ngoài việc chi, đề xuất chi hỗ trợ 50% vốn đầu tư xây dựng dự án nhà máy rác theo khoản 1 Điều 12 Nghị Định 04/2009 của Chính phủ cho Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý (chủ đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác TP.Cà Mau - Công ty Công Lý), UBND tỉnh Cà Mau còn áp dụng chính sách ưu đãi nào khác cho dự án. Căn cứ pháp lý của việc áp dụng các chính sách này. Số tiền Công ty Công Lý được hưởng từ các chính sách ưu đãi trên là bao nhiêu. Đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xem xét, kiểm tra, thẩm định, chấp nhận và giải ngân các khoản hỗ trợ trên.

Nhà máy rác 'sẽ ngưng hoạt động vào ngày 20.9 nếu không được trả tiền xử lý rác'

Ngày 10.9, Công ty Công Lý có tờ trình xin thanh toán tiền hỗ trợ xử lý rác (từ tháng 5.2019 đến tháng 8.2020) cho 95,7 ngàn tấn. Tương đương với số tiền xử lý rác chưa được xem xét thanh toán là 33,5 tỉ đồng.
Công ty Công Lý cũng cho biết 16 tháng qua công ty luôn gặp khó khăn về mặt tài chính khi phải trang trải các chi phí vận hành, bảo trì bảo dưỡng thiết bị máy, lương cho cán bộ công nhân viên tại nhà máy và phải nộp thuế cho những hóa đơn đã xuất hơn 2 tỉ đồng. Trong khi nguồn thu duy nhất của nhà máy là xử lý rác. Nên hiện nay công ty đang mất cân đối tài chính trầm trọng. Và Công ty Công Lý đã hoàn trả hết tiền hỗ trợ kinh phí đầu tư dự án nhà máy cho Nhà nước với số tiền 164, 6 tỉ đồng.
Tờ trình của Công ty Công Lý cũng nêu, nếu không xem xét thanh toán, Công ty Công Lý xin được ngừng tiếp nhận rác thải sinh hoạt và tạm ngưng hoạt động nhà máy vào ngày 20.9.2020, vì công ty không còn khả năng cân đối tài chính để chi cho hoạt động.

Chưa có cơ sở để thanh toán tiền xử lý rác cho Công ty Công Lý

Trước việc Công ty Công Lý phát văn bản nêu trên, UBND TP.Cà Mau (được UBND tỉnh giao làm đầu mối chi nguồn kinh phí hỗ trợ nhà máy rác - PV) có báo cáo cho rằng, theo hướng dẫn Sở Tài chính để hỗ trợ chi phí xử lý rác cho Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau từ tháng 6.2019 trở về sau, phải đảm bảo 2 điều kiện: Một là, UBND TP.Cà Mau tổ chức kiểm tra, xác nhận khối lượng rác qua nhà máy xử lý rác giữa Công ty CP Môi trường Đô thị Cà Mau và Công ty Công Lý. Hai là, có xác nhận của Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Xây dựng (định kỳ hàng tháng) về số lượng rác đầu vào nhà máy và tỷ lệ chôn lấp thực tế đảm bảo dưới 10%.
Từ ngày 1.5.2019 đến hết ngày 31.8.2020, khối lượng rác được UBND TP.Cà Mau xác nhận là 97,7 ngàn tấn. Tuy nhiên đến nay, Sở Xây dựng, Sở Khoa học - Công nghệ chưa ban hành văn bản xác định tỷ lệ chôn lấp thực tế. Do đó, UBND thành phố chưa có cơ sở thanh toán chi phí xử lý rác cho Công ty Công Lý. 
Ngày 16.9, trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau cũng khẳng định: "Không có cơ sở để trả tiền hỗ trợ xử lý rác cho Công ty Công Lý. Phần rác tiếp nhận đầu vào thì đã có số lượng nhưng vận hành đầu ra sau khi nhà máy sửa chữa nhà máy phải đảm bảo vận hành đúng quy trình thì mới đủ cơ sở trả".
Còn ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau trả lời câu hỏi của PV việc nhà máy rác thông báo "sẽ ngưng hoạt động" vào ngày 20.9: "Nhà máy đã hoàn trả hết tiền ưu đãi nên không còn dính dáng gì đến ngân sách. Giờ muốn xử lý rác thì 2 bên thỏa thuận về giá cả, phương thức thanh toán mới (tính từ lúc Công ty Công Lý hoàn tiền hỗ trợ - PV), phần cũ cũng tính lại".
Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau với công suất xử lý 200 tấn/ngày đêm với vốn đầu tư trên 329 tỉ đồng. Nhà máy ra đời vào năm 2010, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực xử lý môi trường. Cụ thể, được nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư (khoảng hơn 163 tỉ đồng), ưu đãi vay vốn ngân hàng (tổng cộng 215 tỉ đồng); chưa kể những ưu đãi khác về đất đai, thuế...
Và từ tháng 5.2012 - 4.2019, nhà máy được tỉnh hỗ trợ tiền (từ nguồn ngân sách) xử lý rác thải trên 107,6 tỉ đồng.

Ngày 16.8.2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau.

Tiếp đó, tháng 8.2019, Cơ quan An ninh điều tra bắt ông Tô Công Lý, (36 tuổi, Phó tổng giám đốc Công ty Công Lý), để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng nhà máy. Đến ngày 18.3.2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can cho tại ngoại đối với "đại gia" Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.