Ngắm nhìn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè "sống lại", uốn lượn giữa lòng TP, chẳng còn mùi hôi tanh như những năm trước khiến ai nấy thích thú. Sự sống đang được nảy nở thì đội quân chích cá càn quét, kéo dài từ Q.1 lên tới Q.Tân Bình.
Điều đáng nói, bình ắc quy và bộ kích điện “hợp sức” đã tạo ra dòng điện hàng trăm vôn. Con cá hay sinh vật gì sống sót nổi khi không may bị dòng điện giằng xé?
Tiếp xúc với những người chích cá, họ cho rằng vì bản thân ít học, ít chữ nghĩa nên xin việc làm không được, thành thử mới sắm “đồ nghề”, vào kênh tận diệt cá về bán. Có trường hợp “cá tặc” kể lúc trước đi thả lưới, ngày kiếm vài ký cá. Rồi được bạn bè “hiến kế”, bảo giờ người ta chích điện một ngày kiếm vài chục ký cá, lại nhanh chóng hơn việc ngâm lưới cả ngày, nên nghe theo, mua đồ nghề về tận diệt cá...
Nhìn “cá tặc” ai nấy rắn rỏi, khỏe mạnh, tôi cho rằng những lý do họ đưa ra chỉ là ngụy biện. Ở Sài Gòn thiếu gì công ăn việc làm cho những người chịu thương chịu khó?
Nhưng điều đáng lo ngại là số cá trên kênh bị chích điện sẽ được “hô biến” thành cá sông, là thực đơn trong bữa ăn của nhiều gia đình. Nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm lại tiếp tục chực chờ với những người không may mua phải loại cá này.
Chính quyền, công an địa phương đã ở đâu khi “cá tặc” hoành hành như vậy? Câu trả lời luôn là vấn đề muôn thuở: khó khăn về mặt quản lý địa bàn, thiếu phương tiện... Và cứ với cách quản lý như vậy, thật khó để hy vọng họ sẽ dẹp bỏ được tình trạng tận diệt cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Bảo vệ, đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Nhưng khi từng đàn cá dưới kênh cứ bị tận diệt một cách trắng trợn như vậy thì khó mong những khẩu hiệu bảo vệ môi trường “đao to búa lớn” sẽ thành hiện thực...
Bình luận (0)