TS Nguyễn Nam Hà (chuyên gia của Trung tâm phát triển giao thông đô thị và nông thôn, thuộc Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ GTVT) là trưởng nhóm Nhịp cầu hạnh phúc. Hơn 3 năm qua, nhóm đã xây dựng được 27 cây cầu ở các vùng rừng núi xa xôi, mang lại niềm hạnh phúc cho người dân.
Hơn cả một giấc mơ
Khi tìm hiểu về những cây cầu mà nhóm của ông xây dựng, chúng tôi không thể kể hết niềm hạnh phúc của người dân, bởi có những nơi cực kỳ khó khăn, mà bao đời nay họ chưa từng được đi trên những cây cầu như thế. Đó là 2 cây cầu “song sinh” Nậm Miền và Nậm Qua (ở xã Tân Nam, H.Quang Bình, Hà Giang). Đây là nơi đặc biệt khó khăn với địa hình hiểm trở, núi cao và vực sâu. Người dân muốn ra trung tâm xã phải vượt qua 2 con suối với 1 thác nước dựng đứng. Vì vậy, cứ khi mưa lũ là người dân không thể đi lại, học sinh không thể đến trường. “Có mấy người dân khi đi qua suối đã bị trượt chân rơi xuống, va vào đá, tử vong”, cô giáo Hoàng Thị Lành (48 tuổi, giáo viên điểm Trường phổ thông dân tộc bán trú Tân Nam ở thôn Nậm Quam, xã Tân Nam) kể.
Nhờ sự kết nối của một cô giáo ở địa phương, đầu năm 2020, “Thần Cầu” Nguyễn Nam Hà đã đến đây và chỉ sau 2 tháng khởi công xây dựng, 2 cây cầu đẹp như mơ đã hiện lên trên vùng đất này. “Hôm khánh thành, bà con phấn khởi lắm, đến đông lắm, háo hức lắm, vì ngày đêm phải đi lại qua 2 con suối này. Trước muốn đi ra ngoài xã mua một gói muối cũng phải vượt qua 2 con suối. Giờ có gì mang đi bán cũng thuận lợi hơn rồi. Học sinh thì đi học đều, không lo mưa lũ là phải nghỉ học nữa”, cô Lành khoe.
|
Ở nơi nào cũng vậy, mỗi lần cầu được khánh thành là bà con vui mừng vượt cả chục cây số đến hò reo và nhảy múa tưng bừng như một ngày hội. Trong ngày khánh thành cầu Loọng Khoang (ở xã Hát Lót, H.Mai Sơn, Sơn La) vào đầu tháng 10.2020, cụ Hà Văn Dâu (gần 80 tuổi) cứ đi đi lại lại từ đầu đến cuối cầu, rồi lại ngồi xuống ngắm một tí. Chính tại con suối này, có lần cụ chở cháu đi học qua đã bị ngã xuống nước. Vì vậy, cây cầu còn hơn một giấc mơ mong cả một đời, giờ mới được trải nghiệm. Anh Lò Văn Thức, Bí thư Đoàn xã Hát Lót, chia sẻ: “Tất cả các thế hệ trẻ sau này cũng sẽ được kể về cây cầu này. Nó như một câu chuyện cổ tích ở đây, vì có cầu đời sống của bà con từng ngày khởi sắc. Trước, cứ mùa mưa lũ là nông sản bị thối rữa. Giờ giá nông sản đã tăng lên gấp 2 - 3 lần vì khi bán luôn tươi ngon, do không phải tồn trữ rồi mang vác qua suối nữa”.
Nhịp cầu hạnh phúc
Trong hơn 3 năm qua, “thần cầu” Nguyễn Nam Hà đã giúp người dân xây dựng 27 cây cầu (trong đó 22 cầu đã đưa vào sử dụng, 5 cầu đang hoàn thành). Cứ nơi nào “niệm chú” (kết nối với ông) là ông đến khảo sát, thiết kế, lập dự án, phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thiện các thủ tục và vận động các nguồn lực để xây cầu, trong đó phần lớn là sự đóng góp của cộng đồng. Ông Hà cho biết ông từng tham gia vào chương trình xây dựng các cầu dân sinh cho vùng sâu, vùng xa của Tổng cục Đường bộ, nên thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của bà con miền núi. Cuối năm 2017, ông và nhóm bạn cùng học ở Nga về Việt Nam đã thành lập nhóm Nhịp cầu hạnh phúc, để đi xây cầu thiện nguyện cho bà con.
|
Ông cho biết mỗi cây cầu đều được xây dựng theo tiêu chuẩn của Bộ GTVT, đảm bảo về chất lượng và đẹp nhưng kinh phí hỗ trợ chỉ bằng 1/3 theo định mức dự toán của nhà nước (khoảng từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng), bởi đã tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có như cát, sỏi, tre, gỗ... Đặc biệt, ông đã đào tạo cho bà con kỹ thuật làm cầu để sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, mà không phải thông qua bất cứ nhà thầu nào. “Chính họ đã tự tay xây dựng nên những cây cầu mơ ước, nên có những cây cầu bà con làm hăng say đến tận 12 giờ đêm. Những hôm trời rét đến 2 độ C, nhưng bà con vẫn lội xuống suối vác từng bao sỏi lên để làm cầu. Ngày đổ bê tông thì có những gia đình cả 3 thế hệ đến tham gia. Rất nhiều bà mẹ địu con đến làm cầu...”, ông kể.
Ông cũng chia sẻ khi người dân được phát huy khả năng của mình, mọi người rạng rỡ, hạnh phúc và không thể tin tại sao mình có thể làm được cầu. Chính vì lý do ấy, nên ông đặt tên nhóm là Nhịp cầu hạnh phúc.
Cầu 4 chữ tâm
Làm được những cây cầu dân sinh đẹp như mơ trên vùng rừng núi phía bắc là điều không đơn giản do địa hình hiểm trở, mùa mưa có lũ dữ. Để làm được móng, mố cầu trụ được nước lũ là một thách thức không nhỏ. Rồi đường vận chuyển nguyên vật liệu tới vị trí cầu cũng rất khó khăn, chưa kể nhiều nơi chưa có điện. Thế nhưng, ông Hà đã “hóa giải” bằng khả năng của mình, với 4 chữ tâm.
|
Ông cho biết tôn chỉ của nhóm Nhịp cầu hạnh phúc là 4 chữ tâm: “Thứ nhất là thực tâm (muốn san sẻ, hỗ trợ khó khăn để có cầu cho bà con, không vì bất kỳ điều gì khác). Thứ hai là đồng tâm (tìm được sự đồng tâm trong công việc). Thứ ba là quyết tâm (vì làm công việc này rất khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn). Cuối cùng là tận tâm (công việc làm phải tận tâm, trọn vẹn để niềm hạnh phúc sẽ thật trọn vẹn)”.
Có lẽ, nhờ 4 chữ tâm đó mà nhóm của ông đã vượt qua mọi thử thách, kể cả của ông... giời. Có những cây cầu đã định ngày lên dầm, thì nửa đêm mưa lũ về cuốn trôi cả cầu tạm. Có cây cầu bà con vất vả cả chục ngày đi vác tre về chống giàn giáo, vừa xong thì mưa lũ lại cuốn trôi hết... Nhưng điều tuyệt vời là ở các công trình này đã không xảy ra bất kỳ tai nạn lao động nào và hơn 20 cây cầu đã được đưa vào sử dụng (ở các tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang...) đều vững vàng vượt qua những cơn lũ dữ.
Chứng kiến ông Hà làm việc không quản ngày đêm, thường xuyên có mặt ở công trường, với những ngày thời tiết lạnh như cắt da cắt thịt, hoặc nắng nóng tới hơn 40 độ C, để hướng dẫn bà con thi công đảm bảo đúng kỹ thuật, ai cũng phải nể phục. Ông luôn biến những điều khó khăn thành những điều đơn giản dễ thực thi. Bà con làm cầu còn thấy dễ hơn cả làm ruộng, nên cầu xong rất nhanh, trung bình chỉ 10 - 12 tuần, có những cây cầu chỉ trong khoảng 3 tuần. Các nhóm thiện nguyện đồng hành cùng ông Hà gọi ông là “Thần Cầu”, thậm chí họ còn làm bài vè về ông: “Bấy lâu mong đợi khát khao; Ông Nam Hà đến, cầu nào cũng xong; Bốn mùa xuân - hạ - thu - đông; Ông đi nối nhịp cầu hồng muôn nơi; Cuộc sống dân bản sáng tươi; Thần Cầu tên ấy, mọi người gọi ông”. (còn tiếp)
Là người từng cùng ông Hà đi khảo sát xây dựng cầu ở Hà Giang, ông Nguyễn Văn Huy, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động H.Hoàng Su Phì (Hà Giang), xúc động nói: “Anh Hà là một người không nề hà, dù là ở thành phố nhưng anh vẫn ăn rừng, ngủ lán với công nhân và rất tận tâm với công việc. Anh đã về lăn lộn với những khó khăn của bà con vùng cao để bắc những nhịp cầu hạnh phúc”.
|
Bình luận (0)