Vụ sáng bị tuyên án, chiều đến tòa nhảy lầu tử vong: Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

09/06/2020 06:36 GMT+7

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm ngày 29.5.2020 của TAND tỉnh Bình Phước liên quan đến bị cáo Lương Hữu Phước (người đã nhảy lầu tự tử vào chiều 29.5), được dư luận đồng tình.

Đây là vụ án liên quan ông Lương Hữu Phước (55 tuổi) bị TAND tỉnh Bình Phước y án sơ thẩm 3 năm tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”. Sau khi bị tuyên án buổi sáng, chiều cùng ngày (29.5), ông Phước đến tòa án tỉnh này nhảy lầu tử vong.
PV Thanh Niên vừa phỏng vấn ông Quảng Đức Tuyên, Phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, người ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm ngày 29.5.2020 của TAND tỉnh Bình Phước.

Xôn xao vụ nhảy lầu ở tòa án Bình Phước sau status “thức tỉnh nền tư pháp”

Dư luận đang đặt nhiều dấu hỏi

Thưa ông, tại sao việc kháng nghị được tiến hành nhanh chóng?
Thông qua thông tin báo chí và qua kiểm tra, xác nhận có việc bị cáo nhảy lầu tự tử để “phản ứng” bản án của TAND tỉnh Bình Phước (lãnh thổ thuộc TAND cấp cao tại TP.HCM đang quản lý về thẩm quyền tố tụng), thì ngay sau đó TAND cấp cao tại TP.HCM đã rút hồ sơ và thực hiện các bước tố tụng tiếp theo.
Xác định đây là vụ việc “nóng”, dư luận đang đặt nhiều dấu hỏi sau cái chết của bị cáo, vì vậy, công việc được tiến hành nhanh, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao. Khi có hồ sơ, chúng tôi bắt tay ngay và tập trung cao độ để kiểm tra tính đúng đắn và tính có căn cứ đối với 2 bản án trên. Khi xác định vụ án có những sai sót mà qua đó, không cho phép tồn tại 2 bản án đó thì chúng tôi đã thực hiện quyền pháp luật cho phép và khi được chánh án ủy quyền, tôi đã ký quyết định kháng nghị.
Nếu ông Lương Hữu Phước không tự tử thì liệu vụ án có được kháng nghị không?
Nếu ông Lương Hữu Phước không nhảy lầu tự tử và vụ án có khiếu nại theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm thì chúng tôi vẫn xem xét theo quy định pháp luật. Còn yếu tố ông Phước nhảy lầu khiến dư luận quan tâm và đặt nhiều câu hỏi, thì đây là ưu tiên hàng đầu, chúng tôi tập trung giải quyết. Chúng tôi phải có trách nhiệm trả lời và kháng nghị là bước một của trả lời. Bước hai sẽ là quyết định của HĐXX giám đốc thẩm - Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM.
Ông nhận xét gì khi sau một đêm ông Lương Hữu Phước tự tử, trong buổi họp báo do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức, HĐXX phiên tòa phúc thẩm khẳng định đã rất thận trọng khi tuyên án và bản án không sai?
Việc tổ chức họp báo là thẩm quyền của địa phương. Các thành viên trong HĐXX TAND tỉnh Bình Phước khẳng định họ làm đúng, đó là việc của họ trình bày. Nhưng như đã nói, chúng tôi phải kiểm tra qua hồ sơ để xác định tính đúng đắn và tính có căn cứ đối với 2 bản án liên quan đến ông Lương Hữu Phước. Và đúng hay sai phải đợi kết quả xét xử giám đốc thẩm.

Sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án

Căn cứ kháng nghị của Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM đối với vụ án là gì?
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, chúng tôi nhận thấy vụ án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, nên đây là căn cứ để TAND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại.
Tại sao kháng nghị không đề cập việc ông Lương Hữu Phước có oan hay không, và có bỏ lọt tội đối với Lâm Tươi?
Đầu tiên, cần xác định vụ tai nạn giao thông là có thật. Kháng nghị không đặt vấn đề oan sai hay bỏ lọt tội phạm, mà chỉ đưa ra những vấn đề chưa được làm rõ trong 2 bản sơ thẩm và phúc thẩm, về lỗi của Lương Hữu Phước và Lâm Tươi.

Kháng nghị yêu cầu làm rõ những gì?

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm liên quan đến ông Lương Hữu Phước để điều tra làm rõ các vấn đề: tốc độ xe của Lâm Tươi; tại sao Lâm Tươi không giảm tốc độ; xác định hướng tác động va chạm, và xác định Lâm Tươi lái xe cách lề đường bên phải bao nhiêu mét, có đi đúng phần đường bên phải theo quy định hay không; thời điểm sang đường, Phước có bật đèn xi nhan, có quan sát hay không.
Theo diễn biến vụ án, khoảng 14 giờ ngày 15.1.2017, sau khi đã uống rượu, ông Phước lái xe chở ông Trần Hữu Quý về nhà ông Quý. Khi đến ngã tư Sóc Miên đi Trạm điện 110 KV thì va chạm với xe Lâm Tươi, dẫn đến ông Quý tử vong. Kết quả đo nồng độ cồn trong máu của ông Phước thể hiện 0,69 mg/l khí thở, Lâm Tươi 0,57 mg/l khí thở. Lâm Tươi cũng được xác định điều khiển khi không có giấy phép lái xe.
4 tháng sau vụ tai nạn, ông Phước bị khởi tố, truy tố và xét xử. Vụ án từng bị TAND tỉnh Bình Phước trả hồ sơ điều tra bổ sung, nhưng ngày 29.5 vừa qua, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm lần 2, y án 3 năm tù đối với ông Phước. Chiều cùng ngày, ông Phước quay lại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước nhảy lầu tự tử dẫn đến tử vong. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.