Con đường đẹp nhất Hải Phòng

13/01/2010 10:59 GMT+7

Anh "cò đất" dẫn tôi đến phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng. Cuối cái ngõ nhỏ là một ngôi nhà mang vẻ tuyệt vọng sau bao nhiêu năm cứ đứng nhìn cái nghĩa trang buồn thảm.

Chủ nhà gầy như một cây đậu đũa, xịt từng từ qua kẽ răng: "15 triệu đồng (1m2)!". Thấy tôi suýt ngã ngửa người ra vì ngạc nhiên, cặp mắt như hòn bi ve lọt thỏm vào trong đôi má bánh đúc của anh "cò đất" quét khắp người tôi bằng một cái nhìn thương hại: "Ông tưởng chúng tôi chặt chém ông à! Ông có biết sau cái hàng rào kia là khu đô thị Ngã 5 - sân bay Cát Bi (SBCB) hay không? Đất ở đây đắt nhờ nó! Con đường đẹp nhất ở Hải Phòng đó!".

Dạo 3 năm trước, đứng trên boong của con tàu 30 ngàn tấn từ ngoài biển đang vào cảng Hải Phòng, vị thuyền trưởng chỉ cho tôi một dải ánh sáng rực trong trời đêm cũng nói như vậy.

Từ quê lên tỉnh

Ngày 17.12.1997, dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Ngã 5 - SBCB (Hải Phòng) đã được 6 bộ thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đấy là một khu đô thị hiện đại, mức đầu tư tới 1.881 tỉ đồng, với xương sống là con đường dài 5,29km, rộng 64m, nối liền trung tâm TP với cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Dự án trùm lên 300ha đất của 9 phường thuộc 2 quận: Ngô Quyền và Hải An, những phường "có trâu" theo cách nói người Hải Phòng. Hồi đó, phường còn là xã có các cánh đồng trồng lúa, trồng hoa và những đầm nước mênh mông. Rải rác như bị vung vãi là những ngôi nhà mái rạ, ngoài sân có đàn lợn con sung sướng vầy trong vũng bùn.

Có doanh trại của quân đội. Có những nấm mồ bỏ hoang. Có ngôi chùa nghèo với vị sư gầy, đêm mùa đông ngồi đốt lửa sưởi ấm những đốt xương già. Trên cái gác chuông nhà thờ, các vì sao cũng ươn ướt vì buồn. Đó là một vùng ven đô thiếu cả sự hào nhoáng vay mượn của TP lẫn cái duyên dáng của một vùng quê.

Sống ở đây là 10 ngàn hộ dân, có nông dân và công nhân. Có những dòng họ đã tồn tại từ trước khi tàu Titanic bị chìm cả mấy thế hệ, con cháu có người trở thành nhà thơ, nhà báo, anh hùng quân đội. Lại cũng có những cư dân đặc biệt mới đến tá túc ở khu bờ mương, xóm liều dìm đời trong rượu, ma tuý đến khi cái chết đuổi kịp.

Tất cả sự đa dạng phức tạp này làm cho công việc giải phóng mặt bằng (GPMB) - yếu tố quyết định sự thành công của dự án - nhiều lúc tưởng chừng là nhiệm vụ bất khả thi, dù rằng được đại bộ phận nhân dân ủng hộ.

Cái khó lại đến từ chính sức hấp dẫn của dự án. Dự án đã biến thậm chí một mảnh đất đã bao năm bỏ hoang, vương vãi bỗng trở lên quý như vàng. Có người ngất ngây trước hiện thực sau một đêm trở thành tỉ phú (người có tiền tỉ), bị đất "xúi giục" khiến con kiện cha, anh kiện em, nên kiện dự án, thì vô tư đi! Hàng trăm lá đơn đã được gửi tới TP, các toà soạn báo để đòi quyền lợi.

Có người trình bày bằng sự chân thành ngây thơ, lại cũng có vị cán bộ cấp "mini" đã nghỉ hưu, viết đơn khiếu kiện bằng những lời lẽ như là quan toà buộc tội! Nói cho cùng, GPMB là chuyện về "giá". Luật pháp quy định: Đất nào, tiền nấy! Tuy nhiên, xác định nguồn gốc đất đai của gần 10 ngàn hộ dân là một việc làm chẳng dễ. Đã bao nhiêu năm hồ sơ đất ở phường, xã đâu được bảo quản đầy đủ để chỉ đích danh một mảnh đất đã mua đi bán lại nhiều lần là đất thổ cư hay đất nông nghiệp?
 
Đấy là chưa kể có chủ tịch xã đã xác nhận liều lấy tiền, có những hàng xóm đã chứng thực sai vì mối quan hệ ruột thịt. Có lần cán bộ dự án phải lặn lội vào nhà tù Thanh Hoá xin một chữ ký phạm nhân để khẳng định chủ sở hữu đất đích thực. Để vòi thêm tiền bồi thường, người ta sẵn sàng xây bể nước không ximăng, làm nhà "cơ động" bằng tôn, cột kèo bắt bằng bulông... Để đòi đất tái định cư, người ta bảo nhau mua đất, tách hộ (1 thành 4-5).

Những năm gần đây, Nhà nước thay đổi chính sách đất đai, nghiêng về hướng có lợi cho người dân. Vậy là có thêm nhiều người "tử thủ" càng lâu càng tốt, để được hưởng các quyền lợi từ những sự thay đổi đó. Thị trường vật tư biến động đã khiến đơn giá bồi thường vật kiến trúc cho người dân của các cơ quan chức năng trở lên lỗi thời, cũng làm xuất hiện thêm những đơn thư khiếu kiện.

Dù buồn cũng phải nói rằng: Những vụ án đất đã có các "tác dụng phụ" với nhiều lãnh đạo các cấp Hải Phòng. Người ta tỏ ra dè dặt trong các quyết định cần sự quyết đoán của mình. Một người lãnh đạo thiếu sự quyết đoán, chỉ mong nhiều sự thông cảm, thì giống như miếng bọt biển thấm vào tất cả những gì hữu dụng cũng như vô dụng.

Trong khi đó thì một số người dân được thể, việc bằng móng tay cũng đe kiện lên Thủ tướng! Dù không chứng minh được quyền hợp pháp của mình đã bị xâm hại, họ dám mang cả ảnh thờ đến "hương khói" trước cửa các cơ quan chức năng. Ăn vạ không được thì kiện ngược cả... công an! Tin đồn thất thiệt nhanh như nước thải chảy trong đường ống...

Mười năm dự án đã tiếp đến 13 đoàn thanh tra từ T.Ư đến địa phương. Đã phát hiện ra những lỗi (mà không có lỗi mới lạ, một dự án lớn như thế, kéo dài như thế, phức tạp như thế!), nhưng không phát hiện ra tội (tham ô, tham nhũng, gây những hậu quả nghiêm trọng).

Nơi người Hải Phòng tìm đến

Cho đến hôm nay, Nhà nước đã chi 1.000 tỉ đồng bồi thường, hỗ trợ trên tổng diện tích 194ha GPMB dự án khu đô thị mới Ngã 5 - SBCB. Tháng 5.2004, con đường xương sống rộng 64m (đường Lê Hồng Phong) hoàn thành. 26 chủ đầu tư đã đăng ký xây dựng các công trình đa chức năng trên diện tích gần 30ha với tổng số vốn 3.600 tỉ đồng. Nơi ngày xưa là đầm lầy, ao hồ nay sẽ là bêtông, cửa kính và tường gương.

Gần 2 vạn người có chỗ khang trang sống và làm việc. Ngày 31.3.2003, TP áp dụng cơ chế đặc biệt ưu đãi cho dự án thêm hấp dẫn. Có 4 DN được TP chọn. Rất tiếc 3 con "chim mồi" chết yểu. Cty TNHH TMDV Vân Hậu đã sang tay cho Cty TNHH TMDV Duy Hưng dự án xây dựng trung tâm TMDV khách sạn, cao 15 tầng. Đến nay, dự án vẫn đang... khởi động!

Tương tự, trung tâm TM đa chức năng của Cty CP điện máy Hải Phòng hiện vẫn chưa thấy nổi trên mặt đất! Cty TNHH du lịch đầu tư EIE từng hùng hồn tuyên bố về một trung tâm TM cao 21 tầng. 6 năm đã qua, Cty này mới "thấp ốc"... 3 tầng (cho BigC thuê) thì thôi "cao ốc". Chỉ có Trung tâm TM TD Plaza - "con chim mồi đẻ trứng vàng" cao 18 tầng, hiện đại sang trọng - trở thành điểm nhấn nổi bật nhất trong khu đô thị mới Ngã 5 - SBCB.

Hai bên đường Lê Hồng Phong hôm nay mọc lên nhiều công trình kiến trúc mới. Hoành tráng, nhưng không thật đẹp! Có toà "lâu đài" mang vẻ đẹp kênh kiệu của những cô người mẫu trên trang bìa các tạp chí thời trang.

Có những toà nhà kiến trúc lai căng, như của một kiến trúc sư trong một cơn say kết hợp những thứ không thể hoà nhập với nhau. Có trụ sở của cơ quan độc quyền đầy sự phô trương như anh nhà giàu mới nổi. Chưa thấy tên tuổi của các đại gia trên những toà nhà bên đường. Vẫn còn nhiều bãi đất hoang. Vẫn còn đoạn đường mang mùi đặc trưng của một nơi có số lượng quán nhậu vỉa hè nhiều gấp 10 lần số nhà vệ sinh công cộng...

Dẫu chưa hoàn hảo, sự khác biệt giữa khu ven đô của ngày xưa với khu đô thị Ngã 5 - SBCB ngày nay rõ như là sự khác biệt giữa cái sôi động của hội chọi trâu với cái lặng lẽ của một cao nhân ngồi trước chén trà.

"Trọng tâm" TP bắt đầu dịch chuyển về đây. Buổi sáng, mặt trời từ phía biển lên chậm rãi, vương giả như một ông vua, người Hải Phòng kéo nhau đi về đó tập thể dục, tập dưỡng sinh, tâm hồn thư thái với tiếng chim hót và hạt sương mai đang tươi xinh lấp lánh sáng trên cỏ. Buổi chiều, họ dẫn nhau đến TDPlaza mua sắm, hoặc đơn giản là ngồi trên tầng 5 ăn kem, nhìn xuống dưới ngắm thiên hạ. Buổi tối, họ dẫn khách từ quê ra bến cảng xem tàu, hay đến MegaStar xem phim 3D...

"Hạnh phúc là cái chăn hẹp, người này ấm, kẻ kia lạnh". Cũng có những người đã hy sinh cho dự án Ngã 5 - SBCB. Họ phải rời bỏ ngôi nhà, mảnh vườn, phần mộ ông bà, nhà thờ tiên tổ... song có hàng chục vạn người đang được hưởng các lợi ích dự án mang lại.
Ngã 5 - SBCB là khu đô thị đẹp nhất Hải Phòng, nhưng nó phải giữ cho được quy hoạch ban đầu. Đấy cũng là quyết tâm của những người quản lý dự án.

Theo Hà Linh Quân / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.