(TNO) Cơn giông kinh hoàng ở Hà Nội xảy ra chiều ngày 13.6 là hiện tượng thời tiết cực kỳ nguy hiểm khi có sức mạnh tương đương cơn bão cấp 8 - 9 lướt qua, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết.
* Cơn mưa giông quật đổ hàng loạt cây cổ thụ ở Hà Nội chiều 13.6 được hình thành như thế nào, thưa ông?
- Ông Lê Thanh Hải: Có điểm xuất phát là cơn giông nhỏ ở phía Hòa Bình, nhưng cơn giông này sau đó theo gió tây nam di chuyển về Hà Nội với cấp độ mạnh. Khi cơn giông này đi vào khu vực nội thành Hà Nội thì đã có sức mạnh tương đương như cơn bão cấp 8 - 9 lướt qua, gây ra thiệt hại nặng về người và tài sản.
Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, các cơn giông nhiệt càng đi vào khu vực đô thị càng mạnh hơn so với khu vực nông thôn miền núi, do thấp thụ thêm lượng nhiệt lớn từ khu vực này. Điều này có thể giải thích cơn giông chiều ngày 13.6 tại Hà Nội là cơn giông mạnh nhất, chưa từng được ghi nhận từ trước đến nay.
Nhiều cây cổ thụ bị lật gốc, gãy đổ trong cơn giông mạnh như bão tại Hà Nội xảy ra chiều qua 13.6 - Ảnh: Ngọc Thắng
|
* Cơ quan khí tượng có thể dự báo sớm về các cơn giông để thông tin cho người dân phòng tránh?
- Rất khó để đưa ra dự báo về các cơn giông mà chỉ có thể đưa ra cảnh báo trong thời gian ngắn. Trong cơn giông chiều ngày 13.6, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương đã có cảnh báo sớm lúc 16 giờ 20 phút. Đặc biệt là các cơn giông nhiệt có cơ chế hình thành rất nhanh và tan nhanh. Trên thế giới hiện nay, cơ quan khí tượng chỉ có thể đưa ra cảnh báo ngắn từ 30 phút đến 3 tiếng. Còn đối với lốc xoáy thì chỉ có cảnh báo sớm trong khoảng 7 - 14 phút.
* Người dân có thể nhận diện cơn giông qua những dấu hiệu nào để phòng tránh?
- Thời gian xảy ra các cơn giông khá bất thường nhưng thường diễn ra vào buổi chiều hoặc tối. Nếu là ban ngày, khi trời đang sáng bỗng dưng mây đen đen ùn kéo đến, trời tối sầm là dấu hiệu chuẩn bị có các cơn giông mạnh. Còn khi trời tối, dấu hiệu nhận biết là những tia sét, chớp. Ở các khu vực có nhiều tia sét, chớp cũng là dấu hiệu báo trước của một cơn giông mạnh để chủ động phòng tránh. Ngoài ra, người dân cần chủ động theo dõi thông tin từ các cơ quan dự báo khí tượng, cơ quan truyền thông để nhận các cảnh báo sớm khi có giông.
* Xin cám ơn ông.
Bình luận (0)