Con lai - Nỗi đau chưa qua: Vết sẹo chiến tranh

13/12/2019 05:01 GMT+7

Con lai có cha quốc tịch Mỹ, sinh ra trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước 1975 ước tính hơn 25.000 người. Gần nửa thế kỷ trôi qua, phần lớn họ đã tìm được cha, định cư ở Mỹ nhưng hàng trăm con lai khác vẫn mòn mỏi tìm cha, mong ngày đoàn tụ.

Xuất hiện trong chương trình truyền hình “Chào nước Anh” tháng 6.2019, Tổng thống Donald Trump nói về chiến tranh Việt Nam rằng: “Tôi nghĩ đó là một cuộc chiến tệ hại...”. Có lẽ ông đề cập những khía cạnh khác, nhưng một điều “tệ hại” cần nói đến là hàng chục ngàn con lai Mỹ - Việt đã sinh ra trong cuộc chiến này.

Nỗ lực xoa dịu con lai

Gần 50 năm sống trong cơ cực nhưng tôi không oán giận cha. Trong giấc ngủ tôi thường mơ thấy một người đàn ông Mỹ đến bên mình. Và nhiều lần thức dậy tôi đã khóc. Giá như người cha đó đến bên tôi trong đời thực này. Giá như...

Ông Phạm Thanh Sơn, một con lai Mỹ

Những người con lai (thường gọi là Mỹ lai) hầu hết là con của quân nhân Mỹ khi đến Việt Nam tham chiến. Có những con lai ra đời từ tình yêu đích thực, nhưng một số con lai khác là hệ quả của nạn lạm dụng tình dục, “tình một đêm”.

Một sinh viên nước ngoài (ngoài cùng bên phải) đến Việt Nam tìm hiểu về con lai

Ảnh: Q.L

Trong thực tế, nhiều người lính Mỹ tử trận, mãn hạn phải về nước, hoặc chuyển quân đến địa điểm khác... không hề hay biết mình đã có con với phụ nữ Việt. Chưa kể, một số lính Mỹ khác dù biết nhưng... chối bỏ hoặc mang nỗi niềm trắc ẩn về nước vì không thể mang theo đứa con và người tình Việt Nam.
Chiến tranh kết thúc, hầu hết những người mẹ Việt và đứa con lai Mỹ phải trải qua sóng gió cuộc đời. Bên kia bán cầu, một số lính Mỹ có con lai Việt cũng bị chính người dân nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm.
Trước ngày thống nhất đất nước 30.4.1975, một số ít con lai được đến Mỹ theo chương trình Babylift Operation (Di tản trẻ em mồ côi). Vì nhiều lý do, số trẻ lai đi được chương trình này rất hãn hữu. Năm 1987, đạo luật Amerasian Homecoming Act được quốc hội Mỹ thông qua, mở ra cơ hội lớn hơn để những đứa con lai Mỹ được định cư ở quê cha. Thông qua chương trình này, khoảng 25.000 trẻ lai đã đến định cư tại Mỹ.
Đây là chương trình khá “cởi mở” của chính phủ Mỹ. Hồ sơ đi theo diện con lai cực kỳ đơn giản. Những người có diện mạo giống con lai, sinh ra trong khoảng thời gian quân nhân Mỹ đến miền Nam Việt Nam có thể được cấp visa đến quê cha. “Hồ sơ của tôi lúc đó chỉ có vài thông tin đơn giản ghi theo lời mẹ kể lại là cha đóng quân ở sân bay Chu Lai, Quảng Nam khoảng năm 1970 - 1972. Nhìn gương mặt tôi cũng giống lai nên được đi”, anh T., một con lai định cư tại Mỹ hơn 10 năm trước, bộc bạch.
Trước đó, một số trẻ lai được gia đình khác mua rồi tổ chức cả nhà đến Mỹ, cũng được chính phủ nước này chấp nhận cho định cư. “Có một thời các gia đình khá giả bỏ mấy cây vàng mua con lai, nhất là lai da trắng. Sau đó, họ đem theo đứa con lai này cùng cả gia đình vượt biên, vậy mà vẫn được ở lại Mỹ”, một người am hiểu về giới con lai cho biết.
Vết sẹo chiến tranh

Người phụ nữ lai nghèo khổ cùng những đứa con vừa nhận được tiền từ thiện

Chương buồn chưa khép lại

Tiêu chuẩn để con lai được định cư tại Mỹ

Để đủ tiêu chuẩn theo chương trình Amerasian Homecoming Act, con lai phải được sinh ra ở Việt Nam sau ngày 1.1.1962 và trước ngày 1.1.1976, có cha ruột mang quốc tịch Mỹ. Những giấy tờ cần phải nộp cho LSQ Mỹ: Thư yêu cầu được xem xét theo diện trẻ lai nêu rõ: Tên đầy đủ, ngày sinh và nơi sinh của đương đơn. Tên đầy đủ và ngày sinh của người cha ruột mang quốc tịch Mỹ (nếu biết). Địa chỉ đăng ký hộ khẩu hiện tại và địa chỉ liên lạc của đương đơn. Giải thích lý do cụ thể vì sao đương đơn tin rằng mình là trẻ lai. Thông tin về hoàn cảnh và thời gian người cha ruột mang quốc tịch Mỹ và mẹ ruột của đương đơn gặp nhau. Đính kèm bản sao của bất kỳ bằng chứng, nếu có....
(Nguồn: Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam)
Một trong những người sáng lập hội “Tình lai không biên giới” nhằm giúp đỡ những con lai chưa tìm được cha hoặc có ý định sang Mỹ định cư mà chưa được, cho biết khoảng hơn 400 con lai trên dưới 50 tuổi vẫn ở Việt Nam. Những người này trước đây không có cơ hội đến Mỹ do sống lang bạt vùng sâu, vùng xa không có thông tin, nghèo khổ đến nỗi không có tiền đi lại làm hồ sơ, hoặc diện mạo không giống lai (dù cha là người Mỹ).
Hiện nay hai chương trình con lai có thể nộp đơn để được định cư tại Mỹ gồm Amerasian Immigration Act và Amerasian Homecoming Act. Tuy nhiên, những con lai đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh với Lãnh sự quán (LSQ) Mỹ mình là con của cha có quốc tịch Mỹ. LSQ Mỹ không còn chấp thuận hồ sơ con lai chỉ đơn thuần ngoại hình giống lai như trước đây mà yêu cầu cung cấp bằng chứng chi tiết, rõ ràng hơn về người cha.
Trong khi đó, hầu hết những con lai này chẳng tìm đâu ra bằng chứng ấy. Mẹ của họ đã mất, hoặc già yếu không còn nhớ hoặc giữ được thông tin, hình ảnh của mình với người tình lính Mỹ (vì sau năm 1975 đa số mẹ họ đã đốt thành tro bụi vì sợ rắc rối).
Anh Q., một con lai đang ở H.Bình Chánh, TP.HCM thở dài: “Ai nhìn tôi cũng nói lai Mỹ. Vậy mà hai lần đi phỏng vấn ở LSQ Mỹ đều bị rớt. Từ nhỏ đến giờ tôi không biết mẹ là ai, làm sao tôi có được hình ảnh, chứng cứ về cha mình. Lần thứ hai phỏng vấn rớt, tôi tính đâm đầu vào xe tự vẫn nhưng nghĩ đến vợ con nên dừng lại”.
Một người từng giúp nhiều con lai lo giấy tờ để đến quê cha, cho biết thêm: “Rất nhiều người trong số hơn 25.000 con lai đã định cư ở Mỹ với hành trang là những ký ức vỡ vụn, một vài tấm hình gia đình đã hoen ố, hay bút tích nguệch ngoạc của phụ thân mà không rõ họ tên. Nhưng nay, điều đó là không thể đối với những anh chị lai còn ở Việt Nam”.
Hàng chục anh chị lai chúng tôi tiếp xúc đều chung tâm trạng ngao ngán vì phỏng vấn mấy lần vẫn rớt do thiếu chứng cứ. Có người gần như tắt hẳn hy vọng được tìm lại cha, an phận làm đứa con lai vô thừa nhận. Nhưng nhiều người vẫn mong đợi điều kỳ diệu sẽ đến. Người đàn ông có tên Phạm Thanh Sơn, quê Hậu Giang, nói trong nước mắt: “Gần 50 năm sống trong cơ cực nhưng tôi không oán giận cha. Trong giấc ngủ tôi thường mơ thấy một người đàn ông Mỹ đến bên mình. Và nhiều lần thức dậy tôi đã khóc. Giá như người cha đó đến bên tôi trong đời thực này. Giá như...”.
(còn tiếp)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.