'Cơn lốc' lấy đất nông nghiệp làm bất động sản ở Quảng Ngãi

06/06/2020 06:25 GMT+7

Trong những năm gần đây, 'cơn lốc' lấy đất nông nghiệp làm dự án bất động sản ở tỉnh Quảng Ngãi khiến cho nhiều nông dân đối mặt nỗi lo mất kế sinh nhai.

Theo điều tra của Thanh Niên, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép hàng loạt dự án (DA) bất động sản. Đến nay tỉnh này có 109 DA với tổng diện tích đất theo quy hoạch lên đến hơn 1.592 ha, gồm 45.200 lô đất nền, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 23.600 tỉ đồng.
Tỉnh Quảng Ngãi tính toán thu ngân sách (chủ yếu tiền thuế đất) từ các DA này khoảng 2.000 tỉ đồng, nhưng thực tế chỉ mới thu được 166 tỉ đồng. Đáng nói, trong 109 DA này, có tới 89 DA sử dụng đất nông nghiệp dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân lao đao, lo lắng...

Tứ tán tìm kế sinh nhai

Trả lời Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Minh (62 tuổi, ở thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi) cứ lo ngay ngáy trong lòng. Bởi cách vài ngày, lao động trong HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Nghĩa An lại gọi về hỏi: Có chỗ đóng tàu mới chưa? Những khi ấy, ông Minh buồn bã lắc đầu.
Theo ông Minh, HTX xin thành lập và lập trụ sở vào cuối năm 2013 (rộng 5.900 m2 đất) ở thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An. Đến tháng 2.2014, HTX đăng ký kinh doanh, hoạt động đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá. HTX có 35 thành viên là những tay thợ đóng tàu lành nghề, uy tín. Thời điểm đóng nhiều tàu, lao động của HTX lên đến 70 - 80 người. Mỗi lao động tại đây được trả công 350.000 đồng/ngày, trung bình thu nhập 10 triệu đồng/tháng/người.
Người dân vùng trồng rau thôn 6 (xã Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi) lo lắng mất sinh kế khi biết đất của họ bị quy hoạch làm đô thị

Người dân vùng trồng rau thôn 6 (xã Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi) lo lắng mất sinh kế khi biết đất của họ bị quy hoạch làm đô thị

Ảnh: Phạm Anh

“Năm đầu thành lập, HTX đóng thuế khoảng 1 tỉ đồng, nhưng năm thứ hai trở đi, đóng thuế 10 tỉ đồng chứ không ít. Chỉ hoạt động hơn 2 năm, nhưng HTX đã đóng hơn 200 con tàu, trong đó tàu có giá thấp nhất là 3 tỉ đồng. Đang ăn nên làm ra thì DA khu dân cư được cấp, lấy luôn phần đất HTX”, ông Minh buồn rầu kể lại.
Liên quan vấn đề trên, sau những cuộc họp, ngày 7.6.2018, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ký văn bản đốc thúc HTX bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp làm DA bất động sản (do Công ty CP đầu tư xây dựng 108 Trường Thành làm chủ đầu tư); buộc HTX di dời 3 con tàu đang đóng dở dang qua nơi khác và yêu cầu nghiên cứu tìm khu đất hợp lý để làm cơ sở cho HTX hoạt động. Tuy nhiên đến nay, HTX vẫn chưa có đất mới để làm trụ sở, hàng chục lao động đành tứ tán mỗi người một nơi tìm kế sinh nhai.

Nghe đến quy hoạch là... lo

Nhiều người dân thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) đang bất an bởi DA khu đô thị Nghĩa Hà (xã Nghĩa Hà, TP.Quảng Ngãi). Theo những người dân ở đây, họ hoàn toàn không biết quy hoạch của chính quyền, chỉ khi nhà đầu tư về gặp dân, họ mới biết là nhà, đất của họ đã bị quy hoạch.
Ông Cao Văn Dũng - nguyên Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng, và ông Cao Văn Tuyến - nguyên Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Nghĩa Dũng, dẫn PV Thanh Niên đi ngang qua các cánh đồng mênh mông trồng rau quả trù phú. Thôn 6 này có 35 ha trồng rau quả nổi tiếng từ lâu. Những năm thập niên 80 của thế kỷ 20, vùng đất này từng sản xuất rau quả xuất khẩu sang Liên Xô...
“Mỗi vụ rau chỉ từ 30 - 35 ngày, sau khi trừ chi phí, người trồng rau kiếm được 5 - 6 triệu đồng/sào (500 m2). Thế mà giờ đây nghe đất bị quy hoạch mà lo. Khi tiếp xúc với dân, nhà đầu tư cho biết chỉ bồi thường 60 - 120 triệu đồng/sào”, ông Dũng cho biết và lo lắng: “Chỉ ngần ấy tiền đền bù, dân ở đây sản xuất rau một vài năm chứ mấy. Nay lấy làm DA, bà con chúng tôi lấy gì làm lụng để kiếm cơm. Còn lớp trẻ không có nghề trong tay, thì lấy gì để xin việc. Lẽ nào phải ly hương như nơi khác”. Trong khi đó, ông Tuyến bức xúc: “Tự dưng bên làm DA đến nói khi làm sẽ cho tái định cư tại chỗ. Tái định cư gì, lẽ nào đi dỡ nhà cũ lên rồi xây nhà mới, trong khi gia đình tôi không có nhu cầu?”.
Theo tìm hiểu của PV, đúng như người dân phản ánh, vùng đất thôn 6 (xã Nghĩa Dũng) có 44 hộ cùng đất trồng rau và 2 thôn Thanh Khiết, Hổ Tiếu của xã Nghĩa Hà, vào giữa năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 398/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị Nghĩa Hà, diện tích 60,4 ha. Đến tháng 11.2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 801/QĐ-UBND về chủ trương đầu tư DA khu đô thị Nghĩa Hà diện tích 38,3 ha, do liên danh Công ty Hợp Nghĩa và Công ty Tân Nam làm chủ đầu tư. Sau đó vào tháng 11.2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 958/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư khu đô thị Nghĩa Hà, đổi tên nhà đầu tư từ liên danh Công ty Hợp Nghĩa và Công ty Tân Nam sang Công ty TNHH địa ốc Tuấn Minh (thành lập ngày 2.10.2018).
Liên quan khu đô thị Nghĩa Hà, theo tìm hiểu của Thanh Niên, tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh khu liên hợp thể dục - thể thao của tỉnh, có hiện tượng “bẻ lái” theo doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi có thông báo về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh này về việc bổ sung khu liên hợp thể dục - thể thao của tỉnh vào quy hoạch chi tiết 1/500 khu dân cư Mỹ Trà - Mỹ Khê (bờ bắc sông Trà, TP.Quảng Ngãi).
Tuy nhiên, sau đề xuất của liên danh Công ty Hợp Nghĩa và Công ty Tân Nam, theo đề nghị của Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ngãi lại điều chỉnh vị trí quy hoạch khu thể dục - thể thao từ khu dân cư Mỹ Trà - Mỹ Khê sang khu đô thị Nghĩa Hà (bờ nam sông Trà).
Như Thanh Niên ngày 4 và 5.6 đã phản ánh, nhiều DA “núp bóng” xã hội hóa có dấu hiệu làm trái quy định pháp luật khi tỉnh Quảng Ngãi cấp không “đất vàng” công viên cây xanh, bảo tàng... cho tư nhân. Từ đó, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về lợi ích nhóm thao túng tài sản đất đai nhà nước, gây thiệt hại ngân sách...
Một số cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đánh giá vấn đề DA “núp bóng” xã hội hóa khiến người dân không hài lòng vì phúc lợi xã hội bị thu hẹp; trong khi lãnh đạo đương nhiệm của tỉnh Quảng Ngãi hiện vẫn chưa có lời giải thích tường tận, thỏa đáng cho người dân.

Đối mặt nhiều hệ lụy

Trong “cơn lốc” lấy đất nông nghiệp làm bất động sản ở Quảng Ngãi, nhiều DA hoạt động bát nháo, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, có nơi dù mới chỉ có chủ trương đầu tư hay vừa được cấp đất, chủ DA đã rao bán đất nền tràn lan trên mạng xã hội, thậm chí còn huy động đội quân “tư vấn” mời chào đặt cọc từ 20 - 100 triệu đồng/lô...
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi, xác nhận có một số tổ chức, cá nhân giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản tại các DA khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh khi chưa đảm bảo các điều kiện kinh doanh theo quy định. Hệ quả, sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân, có khả năng xảy ra tranh chấp, khiếu kiện.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, đến nay chỉ có khoảng 21 DA (156 ha, tổng số lô đất 4.444 lô) đã cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và có 640 lô đã được nhà đầu tư xây dựng nhà ở rồi chuyển nhượng cho hộ gia đình, cá nhân. Ngoài ra, còn một số diện tích cũng đủ điều kiện cho phép nhà đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đã đầu tư hạ tầng) cho người dân xây dựng nhà ở. Tuy vậy, việc thu ngân sách cho tỉnh đối với các DA này cũng rất ít. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.