A Bặc, A Ben là hai trong số 13 đứa con nuôi của bộ đội biên phòng (BĐBP) ở các xã trên biên giới Kon Tum.
Hơn một tháng, cũng là thời gian A Bặc, A Ben thay đổi hoàn toàn môi trường sống. Sáng dậy, sau khi thể dục là vệ sinh cá nhân, ăn sáng và chuẩn bị sách vở đến trường. Chiều về, lại cùng các chú BĐBP ra sân chơi bóng đá, bóng chuyền. Đêm đến, A Bặc, A Ben ngồi vào góc học tập để chuẩn bị bài cho ngày mai đến lớp; những bài toán khó, câu văn chưa hiểu lại cùng trao đổi với các chú. Mọi sinh hoạt, học tập trong ngày A Bặc, A Ben đều được các chú giúp đỡ.
Đổi thay những cảnh đời
Trước khi trở thành con nuôi của Đồn BP Đăk Plô, A Bặc (13 tuổi, dân tộc Giẻ Triêng) ở làng Bung Tôn, xã Đăk Plô (H.Đăk Glei, Kon Tum) là một đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kể từ khi sinh ra, A Bặc không may mắn như những đứa trẻ khác, bởi không biết mặt bố mình là ai.
|
|
Cuộc sống của hai ông bà già và A Ben hằng ngày thui thủi trong ngôi nhà xập xệ rộng chừng 10 m2; lương thực, thuốc men chỉ trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Bởi vậy, ngoài thời gian đến trường A Ben phải cùng với ông bà lên nương rẫy trồng cây ngô, củ sắn, hoặc nhổ cỏ thuê, mót mủ cao su để có cái sống qua ngày... Hằng ngày, để đến trường với thầy cô và các bạn, A Ben phải lội bộ qua quãng đường hơn 5 km. Nhiều hôm trời đổ mưa, cơn lũ kéo về không thể vượt suối, A Ben phải nghỉ học.
Thực hiện mô hình “Con nuôi đồn BP” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, Đồn BP Đăk Blô và Đồn BP Mo Rai (BĐBP Kon Tum) đã nhận A Bặc và A Ben làm con nuôi của các đơn vị từ đầu tháng 9.2019. Kể từ đó, cuộc sống của các em đã bước sang trang mới.
Hằng ngày, ngoài giờ đến trường các em được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe với các chú bộ đội. Không còn phải lo kiếm miếng cơm, manh áo mặc qua ngày; dụng cụ học tập thiếu có các chú giúp đỡ. Kiến thức văn hóa chưa hiểu thì được các chú chỉ bảo. Khi đi học, các em được các chú dùng xe máy chở đến tận cổng trường và đón về tận đơn vị... Có thể nói, các em bây giờ đã có thêm những người chú, người anh trong cuộc sống hằng ngày.
A Bặc cho biết: “Được làm con nuôi của đồn BP, cháu rất vui mừng và cảm ơn các chú. Hiện tại, cháu sẽ cố gắng học tập chăm chỉ, sau này lớn lên cháu sẽ cố gắng phấn đấu trở thành người cán bộ phục vụ bản làng mình”.
Hiệu quả của mô hình
Trung tá Đặng Nguyên Hương, Chính trị viên Đồn BP Đăk Blô, cho biết: Trước khi triển khai mô hình “Con nuôi đồn BP”, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xã Đăk Plô, tổ chức khảo sát từng hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. Qua khảo sát đã xác định gia đình cháu A Bặc là đối tượng đủ điều kiện để đơn vị nhận làm con nuôi. Kể từ ngày nhận cháu về, cán bộ chiến sĩ của đồn xem cháu như con em của mình. Hằng ngày, anh em trong đơn vị trực tiếp chăm lo việc ăn mặc, sinh hoạt, học tập của cháu; bố trí góc học tập, sinh hoạt cho A Bặc gọn gàng. Về kinh phí thực hiện, đơn vị vận động cán bộ, chiến sĩ trích một phần lương để hỗ trợ”.
Bà Y Nghệ, Phó bí thư Đảng ủy xã Đăk Plô, chia sẻ: “Thằng A Bặc tội lắm, mẹ nó thì vừa câm vừa điếc; bà ngoại thì già yếu nên cuộc sống thiếu thốn quanh năm. Nếu không được Đồn BP Đăk Blô giúp đỡ, thằng A Bặc sẽ phải bỏ học. Bây giờ được nhận làm con nuôi, được giúp đỡ, nó sẽ có điều kiện hơn để tiếp tục đến trường”.
Theo bà Y Nghệ, cùng với việc nhận A Bặc làm con nuôi, hiện nay Đồn BP Đăk Blô cũng đang giúp đỡ 9 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã, với mức hỗ trợ mỗi cháu 500.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, đơn vị luôn đoàn kết gắn bó với nhân dân, giúp đỡ nhân dân... Những việc làm này đã khiến bà con nhân dân ở đây rất quý trọng; chính quyền địa phương xã Đăk Plô ghi nhận công lao to lớn của đồn.
Ông H Rách Láo, Chủ tịch UBND xã Mô Rai, đánh giá: “Con nuôi đồn BP là mô hình có hiệu quả thiết thực và mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc của BĐBP. Bên cạnh việc cùng với chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo đời sống của bà con dân tộc thiểu số khu vực biên giới, mô hình còn góp phần giúp đỡ các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cuộc sống tốt hơn và được đến trường như các bạn”.
Còn ông A Ren (ông ngoại của A Ben) xúc động: “Mình rất biết ơn các chú BĐBP đã giúp đỡ gia đình trong lúc khó khăn. Đặc biệt là thằng A Ben, giờ đây đã có cơ hội tiếp tục đến trường như những đứa trẻ khác. Mình rất buồn vì không muốn xa nó. Nhưng mình biết hoàn cảnh gia đình không thể nuôi nó ăn học đầy đủ, mong sau này nó có thể trở thành một BĐBP như các chú thì mình mừng lắm...”.
Đến thời điểm này (tháng 10.2019), các đồn BP trên tuyến biên giới tỉnh Kon Tum đã nhận 13 cháu làm con nuôi của đơn vị. Đối tượng nhận làm con nuôi là người dân tộc thiểu số, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (độ tuổi từ 6 - 15) hiện đang theo học từ lớp 1 đến lớp 9. Khi các cháu từ 16 - 18 tuổi (lớp 10 đến lớp 12) sẽ chuyển sang thực hiện theo chương trình Nâng bước em đến trường. “Hiện nay, chương trình Nâng bước em đến trường của BĐBP Kon Tum đang nhận đỡ đầu, giúp đỡ 75 học sinh nghèo trên khu vực biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để các em tiếp tục đến trường”, đại tá Phạm Cảnh Toàn, Chủ nhiệm chính trị BĐBP Kon Tum, chia sẻ.
Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Chủ nhiệm chính trị BĐBP Kon Tum: “Con nuôi đồn BP là một mô hình hiệu quả và mang tính nhân văn sâu sắc. Bên cạnh việc tích cực, tự giác chung tay giúp đỡ các cháu người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mô hình còn phát huy truyền thống đạo lý “lá lành đùm lá rách” của dân tộc, quân đội và BĐBP. Qua đó góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ các đồn BP với đồng bào các dân tộc trên biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới”.
|
Bình luận (0)