Ngày 30.8, Bộ LĐ-TB-XH cho biết, cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỉ đồng; 1,2 triệu lao động tự do với tổng số 2.180 tỉ đồng đã được nhận và 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ.
Trong tổng số kinh phí đã hỗ trợ này, các tỉnh phía nam và một số tỉnh miền Trung chiếm 72%; riêng TP.HCM đã dành trên 3.000 tỉ đồng tiền mặt hỗ trợ lao động tự do, người yếu thế.
Nhiều địa phương có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ tích cực, bổ sung chính sách rất đặc thù như hỗ trợ người có công, người nghèo, người làm nghề cá, nghề chế biến, gia đình khó khăn, người lang thang cơ nhỡ.
Tuy nhiên, theo danh sách Bộ LĐ-TB-XH công bố, một số địa phương phía nam chậm triển khai các chính sách của Nghị quyết 68.
Cụ thể, có 2 tỉnh chưa bố trí được ngân sách để chi hỗ trợ là Bến Tre và Vĩnh Long. 9 tỉnh chưa chi chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm ngừng việc là Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Phú Yên.
5 tỉnh, thành chưa chi hỗ trợ lao động phải ngừng việc, gồm: Tiền Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Phú Yên. 3 địa phương chưa chi hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre và Cần Thơ.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho hay, một số địa phương khó khăn về kinh phí, có tình trạng khi cơ quan chức năng tham mưu hoặc đề xuất chính sách triển khai Nghị quyết 68, lãnh đạo địa phương đã không kết luận được việc có chi hay không chi, bao giờ chi.
“Nhiều địa phương còn chậm triển khai, lúng túng và sợ trách nhiệm vì việc chi trả cho lao động thiếu hồ sơ giấy tờ, dễ rủi ro”, ông Dung nói.
Để đẩy nhanh tiến độ chi trả hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động, ngoài đôn đốc các địa phương, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho biết, trong tuần này, Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét, sửa đổi, bãi bỏ toàn bộ điều kiện về hồ sơ xác định thuế để thúc đẩy nhanh việc hỗ trợ doanh nghiệp vay tiền trả lương cho người lao động, trả lương phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH cũng hướng dẫn các địa phương có thể linh hoạt với các trường hợp người lao động có giao kết hợp đồng lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không có hồ sơ, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, để được hưởng chính sách hỗ trợ, bởi đây là đối tượng chiếm số đông ở TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Bình luận (0)