Việc tăng thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức về mặt chính quyền rất hợp lòng dân, đúng với chủ trương của đảng và nhà nước.
Ngày 20.8, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM (cơ quan tham mưu cho UBND TP.HCM về tổ chức bộ máy hành chính công), ông Trương Văn Lắm trả lời PV Thanh Niên một số vấn đề về liên quan đến tờ trình của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng nâng thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính cán bộ, công chức, viên chức lên 5 - 10 năm, tương thích với thời hiệu xử lý kỷ luật về mặt Đảng.
Về việc làm thế nào để thực hiện được chủ trương này trong thực tế, theo ông Trương Văn Lắm, nếu Chính phủ sửa Nghị định số 34/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức và Nghị định số 27/2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, điều chỉnh tăng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 2 năm lên 5 năm (đối với hình thức khiển trách) và 10 năm (đối với các hình thức kỷ luật khác) thì TP.HCM và cũng như các địa phương án căn cứ vào đó để thực hiện.
Ông Trương Văn Lắm cho biết kiến nghị của TP.HCM nếu được Thủ tướng chấp thuận thì để áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức bị phát hiện sai phạm đang giữ vị trí việc làm trong bộ máy hành chính công ẢNH: TRUNG HIẾU
“Cách thực hiện trên thực tế rất là đơn giản, đó là căn cứ vào thời điểm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, mình tính ra thời hiệu, nếu vẫn nằm trong khung thời hiệu, thì căn cứ vào đó xử lý, không có vấn đề gì hết. Các bước thực hiện cũng không có gì phức tạp cả. Vấn đề thay đổi ở đây chỉ là thời hiệu xử lý tăng lên mà thôi”, ông Trương Văn Lắm nói.
Tôi rất ủng hộ đề nghị nâng thời hiệu xử lý kỷ luật lên 5 năm vì nó phù hợp trong bối cảnh hiện nay “đụng đâu sai đó”, cần có đủ thời gian để cơ quan kiểm tra, giám sát thực hiện kỹ lưỡng, thận trọng xem xét xử lý đúng người, đúng tội, tránh sót người, lọt tội
TS Diệp Văn Sơn
Liên quan đến vấn đề mà lâu nay dư luận vẫn đặt ra là đã "hạ cánh an toàn rồi" thì liệu xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo… thực sự có cần thiết nữa không và tại sao không kiến nghị chuyển qua xử lý hình sự để răn đe, ông Trương Văn Lắm nói: “Tùy theo mức độ vi phạm, nếu vi phạm không đến mức xử lý hình sự thì căn cứ vào thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm, 10 năm để xử lý. Còn nếu vi phạm đến mức xử lý hình sự thì đương nhiên phải tiến hành theo theo thủ tục tố tụng. Theo đó về mặt hành chính, chính quyền đương nhiên cũng sẽ bị xử lý, không quan trọng đến thời hiệu xử lý kỷ luật nữa. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà đưa ra hình thức xử lý, chứ không thể áp đặt tùy tiện được”.
Ông Trương Văn Lắm cho biết thêm kiến nghị của TP.HCM nếu được Thủ tướng chấp thuận thì để áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức bị phát hiện sai phạm đang giữ vị trí việc làm trong bộ máy hành chính công. Đối với cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm về hưu thì cách xử lý theo hướng dẫn riêng của Trung ương.
“Việc tăng thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức về mặt chính quyền rất hợp lòng dân, đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng”, ông Trương Văn Lắm nói thêm.
Nên cho TP.HCM thí điểm
Theo quan điểm của TS Diệp Văn Sơn, chuyên gia cải cách hành chính, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ), thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm theo luật Cán bộ, công chức cũng chỉ là con số ước đoán, theo cảm tính chủ quan của người làm luật, chứ chưa có cơ sở khoa học và thực tiễn đầy đủ.
Bầu chọn
Bạn đồng ý với đề xuất của HCM về việc nâng thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính cán bộ, công chức, viên chức lên 5 - 10 năm hay không?
“Nếu nó có đúng, thì có thể đúng với những địa phương nhỏ với số cán bộ, công chức ít, việc kiểm soát của bộ phận quản lý dễ hơn. TP.HCM có đến khoảng 120.000 cán bộ, công chức, viên chức, con số này quá lớn, tầm bao quát khó khăn hơn rất nhiều”, TS Diệp Văn Sơn nói.
TS Diệp Văn Sơn nói thêm: “Tôi rất ủng hộ đề nghị nâng thời hiệu xử lý kỷ luật lên 5 năm vì nó phù hợp trong bối cảnh hiện nay “đụng đâu sai đó”, cần có đủ thời gian để cơ quan kiểm tra, giám sát thực hiện kỹ lưỡng, thận trọng xem xét xử lý đúng người, đúng tội, tránh sót người, lọt tội, đặc biệt góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực”.
Cũng theo TS Diệp Văn Sơn, nếu thời hiệu xử lý kỷ luật là 5 - 10 năm thì sẽ tăng cường tính răn đe cao hơn, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính của bộ máy nhà nước, bởi thực tế có nhiều vụ “chìm xuồng lắm” và thực tế cũng có nhiều trường hợp vi phạm, khi đã qua 2 năm, tưởng là mình đã “thoát” rồi, đã “hạ cánh an toàn” rồi.
“Luật thì có thể sửa sau, nhưng nếu Trung ương chấp nhận tính đặc thù của TP.HCM thì cho TP.HCM thí điểm làm trước rồi sau đó mở rộng cho các địa phương khác”, TS Diệp Văn Sơn đề nghị.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa có tờ trình gửi Thủ tướng kiến nghị điều chỉnh thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng.
Cụ thể, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là năm năm đối với hình thức kỷ luật khiển trách và 10 năm đối với các hình thức kỷ luật khác theo quy định.
Lý do mà Chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra kiến nghị trên là do hiện nay luật Cán bộ, công chức; luật Viên chức; Nghị định số 34/2011 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức và Nghị định số 27/2012 của Chính phủ về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức quy định thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Điều này dẫn đến trong thời gian qua có một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tại TP.HCM có hành vi vi phạm, nhưng đến khi phát hiện thì đã quá thời hiệu xử lý kỷ luật nên không bị xem xét xử lý kỷ luật.
Bình luận (0)