Bình Dương: Công ty muốn giải thể, phải ưu tiên giải quyết quyền lợi cho công nhân

18/02/2021 10:26 GMT+7

Sau đợt nghỉ tết, hàng trăm công nhân ở Bình Dương đi làm lại thì bất ngờ nhận được thông tin công ty đã giải thể. Vậy quyền lợi của người lao động sẽ được giải quyết như thế nào ?

Ngày 18.2 (mùng 6 tết Tân Sửu 2021), hàng trăm công nhân Công ty TNHH Delancey Street Furniture VN (KCN Rạch Bắp, TX.Bến Cát, Bình Dương) đi làm sau đợt nghỉ tết thì bất ngờ hay tin công ty đã giải thể.
Làm việc với cơ quan chức năng TX.Bến Cát, đại diện Công ty TNHH Delancey Street Furniture VN cho rằng công ty đã ra thông báo giải thể từ ngày 6.2 nhưng do thời điểm này công nhân đã nghỉ tết nên không thông báo hết cho mọi người được.
Vậy, trường hợp công ty bị giải thể thì quyền lợi của người lao động sẽ được giải quyết như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết giải thể doanh nghiệp có hậu quả pháp lý là làm chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đó. Kéo theo đó, hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động cũng sẽ chấm dứt.

Thực hiện nghĩa vụ lương, thuế đầy đủ

Tuy nhiên, theo luật sư Hậu, công ty muốn giải thể thì phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình, gồm nghĩa vụ lương, bảo hiểm… đối với người lao động, nghĩa vụ thuế đối với cơ quan thuế, nghĩa vụ - cam kết – phương án trả nợ khác (nếu có).
“Và khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng giải thể nếu không nhận được ý kiến từ chối của cơ quan thuế, đồng thời ra Thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp đó”.
Về quyền lợi của người lao động sẽ được hưởng sau khi doanh nghiệp giải thể, luật sư Hậu nêu, tại khoản 2 Điều 48 Bộ luật lao động - BLLĐ 2019 quy định khi doanh nghiệp giải thể, thì doanh nghiệp có nghĩa vụ ưu tiên thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho hay, khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng ghi nhận, các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên: Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; Nợ thuế; Các khoản nợ khác.
“Vì vậy, khi công ty giải thể, việc giải quyền quyền lợi cho người lao động phải được ưu tiên hàng đầu”, luật sư Hậu nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.