Covid-19 làm ảnh hưởng thu nhập, công nhân vẫn dành dụm tiền gửi về quê

18/12/2020 19:47 GMT+7

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề lên thu nhập, nhưng đa số công nhân vẫn cố gắng dành dụm tiền để gửi về quê mỗi tháng cho gia đình.

Chiều 18.12, tại Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (TP.HCM) diễn ra buổi tọa đàm “Điều kiện lao động của công nhân trong các khu công nghiệp ở Việt Nam”. Tham dự còn có đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, Viện Công nhân và Công đoàn, Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng...
Ông Jesús Laviña, Phó trưởng ban hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho hay dịch Covid-19 tác động mạnh đến tầng lớp công nhân. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), người lao động bị giảm số giờ làm việc, thu nhập giảm, 245 triệu công việc bị mất trên toàn thế giới... Ở Việt Nam, nhiều ngành bị ảnh hưởng nặng, công nhân đối mặt với rủi ro mất việc làm và làm sao để bảo vệ được quyền lợi của mình.
Việt Nam và châu Âu ngày càng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, gần đây là Hiệp định EVFTA. Với những cam kết khi tham gia, bộ luật Lao động của Việt Nam đã được sửa đổi thực tiễn, từ đó, hy vọng có những cơ chế đối thoại, hợp tác các bên liên quan để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Tổng quan buổi tọa đàm

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Báo cáo tham luận “Một số phát hiện nghiên cứu thực địa về công nhân làm việc trong một số khu công nghiệp ở Việt Nam”, thạc sĩ Nguyễn Văn Thục, cán bộ dự án "Nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội và công nhân" cho biết, báo cáo đánh giá hiện trạng đời sống, việc làm của công nhân ngành mayđiện tử trong một số khu công nghiệp ở cả ba miền, phần lớn là lao động di cư (chiếm 85.5%). Trong đó lao động quê Quảng Nam, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Trị... có tỷ lệ di cư lớn nhất.
Đa số công nhân cho rằng công việc của họ yêu cầu cao nhất về sức khỏe tốt, họ chủ yếu quan tâm tiền lương, việc tăng ca và áp lực tâm lý khi làm việc. Trả lời khảo sát vấn đề sức khỏe gặp phải trong 12 tháng qua, công nhân ngành may và điện tử cho hay họ thường đối mặt với tình trạng mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau nhức xương khớp...

Giảm thu nhập do dịch bệnh, công nhân vẫn gửi tiền về quê mỗi tháng

Thạc sĩ Thục cho biết, khảo sát tại miền Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh) vào tháng 6.2020 cho thấy công nhân lớn tuổi chiếm tỷ lệ cao, chủ yếu làm theo loại hình hợp đồng không xác định thời hạn nhưng họ vẫn vô cùng lo lắng về công việc của mình.
Tính chung cả nước, công nhân thường dành dụm tiền của mình để chi tiêu ăn, uống; cho trẻ em và giáo dục và gửi về nhà. Đặc biệt, dịch Covid-19 khiến đa số công nhân giảm thu nhập do giãn cách xã hội hoặc không tăng ca (tại miền Nam, có 81.7% công nhân không tăng ca trong thời gian giãn cách xã hội) nhưng đa số công nhân vẫn duy trì gửi tiền về nhà (chiếm 64.4%) với số tiền gửi chiếm 15-20% tổng thu nhập và tần suất gửi hằng tháng và bất cứ khi nào có thể. Điều này cho thấy điều kiện gia đình ở quê của công nhân vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, công nhân cũng cho biết, bên cạnh các hoạt động tặng quà các dịp đặc biệt, tổ chức giải trí, công nhân mong muốn công đoàn đàm phán điều kiện lao động cho họ tốt hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.