Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người bị bạo lực tình dục từ 15 tuổi

14/07/2020 16:37 GMT+7

Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam bị bạo lực tình dục (BLTD) là 13,3%, cao hơn so với điều tra năm 2010 (9,9%). Trong đó, có 9% cho biết bị BLTD từ 15 tuổi.

Đây là số liệu trong Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 được Bộ LĐ-TB-XH công bố sáng nay, 14.7.
Điều tra do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện, với gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 tham gia phỏng vấn. Kết quả cho thấy, ở Việt Nam, hầu hết bạo lực đối với phụ nữ thường do chồng gây ra. Trung bình cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị 1 hoặc hơn 1 hình thức bạo lực: thể xác, tình dục, tinh thần hoặc bạo lực kinh tế, cũng như bị kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời; và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).
Nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực tình dục trong đời là 13,3%, cao hơn so với điều tra năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ, độ tuổi từ 18-24. Mặc dù điều này phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực nhưng cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó, phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề tình dục và bạo lực tình dục. Trong tương lai cần có nghiên cứu và phân tích sâu hơn để xác định được đúng xu hướng này.
Đáng chú ý, 4,4% phụ nữ cho biết, họ đã bị lạm dụng tình dục trước 15 tuổi. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 phụ nữ (9%) bị bạo lực tình dục do người khác gây ra từ năm 15 tuổi. Phần lớn kẻ gây ra bạo lực là nam giới không phải thành viên trong gia đình như: nam giới là người không quen biết, bạn bè hoặc người quen; người mới quen gần đây; hoặc người làm cùng cơ quan…
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, chia sẻ: “Sau gần 10 năm kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất, các kết quả thu được cho thấy cả những thay đổi tích cực và những tồn tại hạn chế. Thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực. Những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn và điều này cho thấy học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống”.
Tuy nhiên, theo bà Hà, nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn có nguy cơ cao bị bạo lực. Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi trẻ phải sống trong gia đình mà mẹ của mình bị bạo lực.
“Những tồn tại, thách thức này cần được sớm khắc phục với trách nhiệm từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị- xã hội, các tổ chức phi chính phủ, và mỗi người dân trong xã hội”, bà Hà nhấn mạnh.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã thực hiện thành công điều tra quốc gia lần thứ 2 về bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là sử dụng phương pháp điều tra đa quốc gia về tình hình sức khỏe của phụ nữ và bạo lực gia đình của Tổ chức Y tế Thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.