Cụ bà 85 tuổi bán nghêu sò nuôi cháu tâm thần 61 tuổi

28/01/2019 13:29 GMT+7

Ngay khu ẩm thực nhộn nhịp ở cầu cảng thuộc xã Hàm Ninh, H.Phú Quốc, Kiên Giang có một bà cụ 85 tuổi hằng ngày dầm mình dưới nước để bán nghêu, sò nuôi cháu tâm thần 61 tuổi.

Tôi đến Phú Quốc vào giữa trưa, nắng chói chang. Những “tâm hồn ăn uống” háo hức dắt nhau đi đến khu nhà hàng bè nổi tiếng ở cảng Hàm Ninh để được “say” một bữa tiệc hải sản. Trên đường đi, bỗng dưng tôi nghe tiếng gọi: “Mấy cô chú ơi, mua giúp tui ký sò dẹo” với lên từ phía dưới chân cầu cảng. Tôi sững người nhìn xuống mặt nước biển. Ở đó, có một cụ già ngẩng gương mặt lên, chờ đợi một ai đó thương tình mua cho vài ký sò…
“Nỡ nào bỏ con nhỏ khùng!”
Nắng bỏng rát, lại thêm gió biển mặn chát phả da thịt khiến hầu hết du khách muốn bước thật nhanh để chui ngay vào nhà hàng. Nhưng, bà cụ thì vẫn thản nhiên dầm mình dưới nước, cạnh bên là một chiếc can nhựa khoét một bên bề ngang để chứa sò và chiếc thau chứa nghêu dập dềnh trên nước.
Tôi thắc mắc: “Tại sao cụ không đem lên trên bờ mà bán để dễ tiếp cận khách. Vả lại, dầm mình dưới nước cả ngày như vậy không tốt cho sức khỏe?”. Bà cụ liền giải thích: “Tui già rồi không bưng nỗi. Bỏ nghêu, sò vô can nhựa này kéo đi dưới nước mới được”. Hỏi tên, cụ tâm sự rành rọt: “Tui là Nguyễn Thị Rớt, năm nay 85 tuổi rồi. Mỗi ngày mua mấy ký sò, ký nghêu bán kiếm chút tiền để nuôi con nhỏ khùng 61 tuổi”.
Tôi hỏi tiếp “con nhỏ khùng” đó là ai, thì bà cụ cho biết đó là cô cháu bên chồng tên là Đinh Thị Hết. Khi cô Hết mới vừa lọt lòng thì mẹ chết. Từ đó, vợ chồng bà đem cô cháu về nuôi. “Vợ chồng tui không có con, mà con nhỏ đó cũng không còn cha còn mẹ nên phải nhận nuôi nó. Mà đâu có biết lớn lên nó bị tâm thần. Nó làm khổ vợ chồng tui ghê lắm. Nhưng nỡ nào bỏ con nhỏ khùng này được”.
Không bán được sò, cụ Rớt tranh thủ gỡ những sợi dây trôi dạt đem về nhà dùng Ảnh: Quang Viên
Hỏi về cụ ông, cụ Rớt rơm rớm nước mắt: “Ổng chết cách đây 15 năm rồi. Hồi ổng còn sống, tui và ổng cũng khổ. Hai vợ chồng hai mươi mấy năm đi cắt cỏ tranh về bán cho người ta lợp nhà. Tiền bán cỏ tranh chẳng bao nhiêu, nhưng cũng đỡ. Từ ngày ổng mất thì tui nghỉ đi cắt cỏ tranh vì một mình không làm nỗi. Tui phải ở đậu nhà đứa cháu trai bên chồng làm nghề lặn biển thuê”.
Đội trên đầu cái nắng chang chang
Nghe cụ Rớt kể đến đây, một số người dân gần đó cũng “xác nhận” rằng bà cụ 85 tuổi này có hoàn cảnh y như vậy. Chúng tôi liên hệ một cán bộ xã Hàm Ninh thì được biết, cụ Rớt đang hưởng chế độ trợ cấp 270.000 đồng/tháng, cộng với số tiền bảo trợ cho cô cháu tâm thần cũng được khoảng trên 1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cô cán bộ này cũng cho biết thêm, gia đình cụ Rớt đã được đưa ra khỏi diện nghèo mấy năm nay.
Theo như lời cụ Rớt, trong khoảng 15 năm bán nghêu sò ở cầu cảng này cũng có vị du khách rất sộp mua hết mớ sò và còn “bo” thêm tổng cộng hơn cả triệu đồng. Vị khách này mua xong không ăn mà đem biếu lại cho người dân ở đây. Một số du khách khác, đặc biệt là một vài ngôi sao trong làng giải trí, cũng tặng cụ tiền triệu. Nhưng những trường hợp như vậy cũng đâu có nhiều. Vậy là mỗi ngày cụ Rớt lại rời căn nhà ở đậu cùng cháu trai, lội đến cầu cảng cách đó khoảng 500 m dầm mình dưới nước biển, đội trên đầu cái nắng chang chang để bán nghêu sò nuôi “con nhỏ khùng”.
Xế chiều hôm đó, tôi quay trở lại cầu cảng. Cụ Rớt vẫn còn dầm mình nơi cầu cảng. Tôi hỏi, nghe cán bộ xã nói cụ đã được đưa ra khỏi diện nghèo rồi mà sao cụ vẫn phải nhọc nhằn mưu sinh như vậy? Cụ Rớt nói: “Hai năm nay có đỡ hơn. Nhưng thằng cháu nuôi mình cuộc sống cũng còn vất vả, khó khăn lắm. Nó đi lặn sò, lặn ốc thuê cho người khác để nuôi gia đình của nó. Còn tui ráng đi bán sò, bán nghêu để nuôi con nhỏ khùng. Khi nào con nhỏ khùng chết, tui nghỉ bán”.
Ánh mắt chờ đợi du khách trên cầu cảng mua nghêu sò của bà cụ 85 tuổi Ảnh: Quang Viên
Nắng chiều đổ dài trên biển. Tôi ngồi trò chuyện với cụ Rớt rất lâu bên cầu cảng. Những đoàn du khách hớn hở ra về sau khi đã thưởng thức no say hải sản. Phía dưới cầu cảng lại vọng lên câu quen thuộc: “Mấy cô mấy chú ơi, mua giúp tui ký sò dẹo, ký nghêu đá”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.