Còn "mắc" trong thông tư của các bộ quản lý chuyên ngành
Gửi kiến nghị đến Quốc hội sau kỳ họp thứ 10 vừa diễn ra tháng 11.2020, cử tri tỉnh Tuyên Quang kiến nghị nên xem xét bỏ quy định tiêu chuẩn về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là tiêu chuẩn chung đối với cán bộ, công chức, viên chức; mà nên quy định thành tiêu chuẩn riêng theo vị trí việc làm hoặc một số ngành nghề nhất định, để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, cũng như thời gian, tiền bạc của cán bộ, công chức, viên chức, bởi hiệu quả mang lại trong thực tế là thấp.
Cử tri Đồng Tháp kiến nghị Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn thống nhất việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… trong từng lĩnh vực, từng vị trí cụ thể để giảm bớt những yêu cầu không cần thiết đối với công chức, viên chức.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã trình Chính phủ Nghị định số 115/2020 và Nghị định số 138/2020, quy định người được tuyển dụng vào công chức, viên chức, dự thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, nếu có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học theo quy định mà tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm dự tuyển thì được sử dụng thay thế chứng chỉ tin học, ngoại ngữ (không phải nộp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ).
Bộ Nội vụ cũng nêu rõ, việc quy định chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức hiện nay đang được quy định tại các thông tư về tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp của các bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành.
Để tiến tới bỏ điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành để sửa đổi, bổ sung các bộ tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp, theo đó không quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng (chỉ quy định về năng lực sử dụng được ngoại ngữ, tin học).
Cử tri Bắc Kạn đề nghị được Bộ Nội vụ thông tin về lộ trình cụ thể thực hiện việc loại bỏ các chứng chỉ không cần thiết đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Nội vụ cho biết đã xây dựng trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; trong đó đã đề xuất theo hướng không quy định điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn bổ nhiệm, mà chỉ quy định về năng lực của công chức lãnh đạo, quản lý yêu cầu có trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp theo yêu cầu của bộ, ngành, địa phương nơi công chức công tác.
Bộ GD-ĐT "đã nhận thấy những bất cập"
Cử tri tỉnh An Giang bày tỏ việc giáo viên lo lắng từ khi có Thông tư liên tịch số 21/2015 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên. Tiêu chuẩn trình độ tiếng Anh đối với giáo viên trong thông tư liên tịch này đã gây nhiều khó khăn với giáo viên, nhất là giáo viên lớn tuổi.
Hơn nữa, cử tri cũng cho rằng, tiêu chuẩn này không áp dụng phổ biến trong giảng dạy (vì không phải giáo viên nào cũng dạy tiếng Anh). Tiêu chuẩn tiếng Anh áp dụng cho cán bộ, công chức cũng được cử tri tỉnh An Giang cho là “không hợp lý”, vì phần lớn những người công tác ở địa phương cũng rất hạn chế sử dụng tiếng Anh trong thực hiện nhiệm vụ.
Do đó, cử tri kiến nghị cần có điều chỉnh cho phù hợp đặc điểm vị trí việc làm, đối tượng để khả thi hơn.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Nội vụ cho biết, ngoài việc Nghị định số 115/2020 của Chính phủ đã không còn bắt buộc chứng chỉ với những người có bằng tốt nghiệp chuyên môn đã chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học theo quy định, thì Bộ Nội vụ cũng đã trao đổi, thống nhất với Bộ GD-ĐT sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Ngày 2.2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 02/2021 thay thế Thông tư liên tịch số 21/2015 được cử tri kiến nghị, đã yêu cầu “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên tiểu học và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”, bỏ quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Một kiến nghị tương tự cũng được cử tri An Giang gửi tới Bộ GD-ĐT. Trả lời cử tri, Bộ GD-ĐT thừa nhận “đã nhận thấy những bất cập trong việc quy định tiêu chuẩn trình độ tiếng Anh đối với giáo viên”; các văn bản hiện hành quy định giáo viên “có trình độ ngoại ngữ” (phân theo hạng) đã “không phù hợp, gây khó khăn cho giáo viên”.
Do đó, Bộ đã thống nhất với Bộ Nội vụ không quy định tiêu chuẩn trình độ tiếng Anh đối với giáo viên. Về tiêu chuẩn tiếng Anh đối với cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định của luật Cán bộ, công chức thì Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ nội dung này trong quá trình sửa đổi, bổ sung luật, nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế.
Bình luận (0)