Cục Quản lý lao động ngoài nước: Không có chuyện lao động bị bỏ đói

20/03/2012 03:56 GMT+7

Chiều qua 19.3, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã thông tin nhanh về vụ lao động (LĐ) Việt Nam kẹt ở Malaysia, sau khi có nhiều thông tin trái chiều.


Báo chí địa phương ở Malaysia đưa tin về lao động VN

Thông tin thiếu chính xác

Theo ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), thông tin báo chí trong nước dẫn nguồn từ tờ báo địa phương (Malaysia) vụ 42 lao động Việt Nam kêu cứu vì bị ngược đãi là thiếu chính xác.

Thông tin từ Ban Quản lý lao động Việt Nam (BQLLĐVN) tại Malaysia cho hay, tháng 6.2010, 42 lao động trên nằm trong số 69 lao động được Công ty cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh (VIHATICO) đưa hợp pháp sang làm dịch vụ (lau chùi, dọn dẹp) tại các bệnh viện ở bang Fenang, Malaysia, chủ sử dụng là Công ty Asmana Sdn Bhd và môi giới Malaysia là Công ty Houseproud Asia.

Chiều ngày 18.3, 42 lao động này bị Cơ quan Nhập cư Malaysia tạm giữ khi tiến hành kiểm tra hành chính đối với LĐ nước ngoài với lý do giấy phép LĐ hết hạn từ tháng 8.2011. Cục QLLĐNN khẳng định, không có việc 42 lao động bị nợ lương, bỏ đói, đối xử bạo lực như nội dung các báo đã đưa theo báo chí nước ngoài. Các LĐ này có thu nhập ổn định, với mức lương từ 1.200-1.500 ringit/tháng (từ 8,2 đến 10,2 triệu đồng).

Theo chương trình 6P (Chương trình ân xá và hợp pháp hóa cho LĐ nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại Malaysia), những LĐ nhập cư hết hạn visa có thể xin gia hạn. Tuy nhiên, chủ LĐ đã không làm visa. Ngày 8.2, công ty môi giới nhận được thông tin 3 LĐ Việt Nam bị cơ quan nhập cư giữ vì không có giấy phép. Từ đó, cơ quan nhập cư mới phát hiện Công ty Asmana chưa đóng thuế và làm thủ tục gia hạn visa cho các LĐ, mà chỉ làm giấy cư trú đặc biệt.

Do chủ sử dụng LĐ gặp rắc rối về giấy phép nên nhà thầu chính là Công ty Faber đã quyết định chấm dứt hợp đồng sử dụng LĐ dịch vụ tại các bệnh viện với Công ty Asmana để chuyển qua một công ty thầu phụ khác.

Từ giữa tháng 2.2012 người LĐ mất việc, Công ty Asmana tạm thanh toán tiền lương cơ bản khoảng trên 500 ringit (tương đương 3,4 triệu đồng), lo điều kiện ăn ở ký túc xá tốt. Trước tình hình đó, 26 trong số 69 LĐ muốn về nước trước hạn.

Yêu cầu bố trí công việc cho LĐ

Về phía Công ty cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh, đơn vị đưa LĐ sang Malaysia, ông Đào Công Hải khẳng định: Công ty đưa LĐ sang Malaysia hợp pháp, chính thống và đúng trình tự. LĐ làm việc ổn định và có thu nhập cao.

Ông Hải cho hay: “Trong nội bộ Công ty Asmana có vấn đề, có nhiều phe khác nhau nên thông tin đưa ra ngoài. Trong thời gian đang xử lý thì có thông tin của báo địa phương đưa ra rất phiến diện, khiến việc nhìn nhận, tiếp thu thông tin gây bức xúc. Vụ việc rất nhỏ, chỉ vì vấn đề thủ tục visa đã liên quan đến quan hệ LĐ. Chắc chắn vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng”.

 Liên quan đến 42 lao động đang bị Cục Nhập cư Malaysia tạm giữ ngày 18.3, ông Hải cho biết, hôm qua, BQLLĐ đã làm việc với Cục Lao động của Malaysia và cơ quan nhập cư Penang, phía bạn thông báo, đã đưa lao động trở lại ký túc xá, bố trí nơi ăn, chốn ở cho người LĐ. Công ty Asmana cam kết sẽ đưa LĐ đi làm trở lại và tiếp tục hoàn tất các thủ tục để gia hạn visa năm thứ hai, đồng thời sẽ làm thủ tục hồi hương cho những người có nguyện vọng về nước. Những LĐ có nguyện vọng tiếp tục làm việc sẽ được bố trí nơi làm việc mới tại Công ty NS Medic với công việc là làm dịch vụ dọn dẹp tại các bệnh viện.

Để tránh những vụ việc xảy ra tương tự, theo ông Đào Công Hải, Cục QLLĐNN yêu cầu các doanh nghiệp thường xuyên nhắc nhở để công ty hoặc đại diện tại Malaysia gặp ông chủ để thông báo visa sắp hết hạn. Với trường hợp 26 LĐ xin về nước trước hạn, BQLLĐ sẽ có trách nhiệm tìm hiểu rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, theo ông Hải, các LĐ nên ở lại vì thời hạn hợp đồng tới 3 năm. Cục QLLĐNN đã yêu cầu BQLLĐ Việt Nam tại Malaysia, khuyên người LĐ nên ở lại làm việc tiếp.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.