Ngày 8.12, quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật mới về cấp thị thực cho lao động (LĐ) nước ngoài, dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4.2019. Theo Kyodo News, sẽ có 2 loại hình cư trú dành cho LĐ phổ thông nước ngoài thông thạo tiếng Nhật.
tin liên quan
'Cuộc đua' hút lao động Việt đến Nhật: Nhiều biện pháp mạnh ngăn lao động bỏ trốnLoại thứ nhất, có thời hạn 5 năm, sẽ được cấp cho những người có kiến thức và kinh nghiệm phù hợp trong một số lĩnh vực cụ thể. Đối tượng này không được phép đưa thành viên gia đình đến Nhật.
Luật mới cũng đưa ra 14 lĩnh vực nghề nghiệp thuộc dạng này, trong đó có những ngành đang thiếu nhân lực trầm trọng như nông nghiệp và điều dưỡng.
Chính phủ Nhật ước tính sẽ tiếp nhận 47.550 LĐ nước ngoài thuộc loại hình thứ nhất trong năm đầu tiên và sẽ tăng lên 345.150 người trong 5 năm, trong đó có 60.000 điều dưỡng viên.
Loại hình cư trú thứ hai dành cho những người có trình độ chuyên môn và kỹ năng tiếng Nhật cao hơn. Họ được phép thường trú ở Nhật và đưa các thành viên gia đình theo cùng. Loại hình cư trú này chỉ được cấp cho LĐ trong hai lĩnh vực là xây dựng và đóng tàu.
|
Đón đầu
Ngay từ trước khi luật mới được thông qua, một số địa phương của Nhật đã bắt đầu đưa ra nhiều chính sách để thu hút LĐ VN. “Nếu để đến khi chính sách được thông qua mới có động thái thì đã quá muộn”, ông Kensaku Morita, Tỉnh trưởng tỉnh Chiba, phát biểu với tờ Yomiuri Shimbun. Từ 18 - 21.11, ông đã đến TP.HCM để thăm một trung tâm phát triển nguồn nhân lực và tìm kiếm nguồn LĐ cho ngành điều dưỡng ở địa phương.
|
“Chúng tôi muốn giúp người LĐ cảm thấy thoải mái khi làm việc ở tỉnh Chiba”, Tỉnh trưởng Morita cho hay, đồng thời cung cấp nhiều thông tin về chính sách hỗ trợ nhà ở cho LĐ nước ngoài đến tỉnh này làm việc. “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để các biện pháp của tỉnh được triển khai cụ thể và nhanh chóng”, ông cam kết, đồng thời nói thêm: “Tôi nghe nhiều công ty phản ánh người VN trung thực, chăm chỉ và siêng năng như người Nhật”.
Trước đó, vào tháng 7, chính quyền TP.Yokohama, thủ phủ tỉnh Kanagawa, cử phái đoàn đến TP.HCM, Đà Nẵng và những tỉnh thành khác của VN để ký thỏa thuận đối tác cung cấp nguồn nhân lực cho ngành điều dưỡng. Yokohama còn có kế hoạch hỗ trợ một phần học phí và tiền thuê nhà cho thực tập sinh điều dưỡng VN, theo Jiji Press.
Theo ước tính của Bộ Y tế, LĐ và phúc lợi Nhật, Kanagawa cùng các tỉnh Saitama và Chiba sẽ thiếu tổng cộng hơn 100.000 nhân lực điều dưỡng vào năm 2025. Saitama cùng hai tỉnh Gunma và Aichi cũng đã có những thỏa thuận tương tự về đào tạo và sử dụng nhân lực với phía VN.
Tờ Asahi Shimbun dẫn lời một nhà phân tích thuộc Công ty nghiên cứu tư nhân Tokyo Shoko Research Ltd nhận định đây là động thái hiếm thấy. “Các công ty xây dựng thường nhận thực tập sinh nước ngoài, nhưng hiếm khi nghe về những trường hợp họ thuê người nước ngoài làm nhân viên chính thức vì đòi hỏi phải có kỹ năng vượt trội”, ông nói.
VN dẫn đầu số lượng thực tập sinh phái cử tại Nhật
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB-XH công bố ngày 4.12, tổng số LĐ VN đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 11.2018 là 13.064 người, trong đó Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu với 8.939 LĐ. Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho hay: “Nếu năm 2015 có 27.010 LĐ VN sang Nhật Bản làm việc, thì năm 2017 có 54.504 LĐ.
tin liên quan
Nhật sẵn sàng nhận 345.000 lao động nước ngoài trong năm 2023Mới đây, trong chuyến sang thăm và làm việc tại VN ngày 27.11, ông Kioshi Ueda, Tỉnh trưởng tỉnh Saitama và Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp đã ký biên bản ghi nhớ về sử dụng hiệu quả kỹ sư và cán bộ kỹ thuật giữa Bộ LĐ-TB-XH và tỉnh Saitama trong thời gian tới. Ông Kioshi Ueda cho biết, số người VN đang học tập và sinh sống tại Saitama vào khoảng 18.000 người, trong đó tu nghiệp sinh khoảng 11.000 người, bằng 1/2 số tu nghiệp sinh nước ngoài tại tỉnh này. “Chính phủ Nhật Bản luôn có chính sách thu hút TTS trong lĩnh vực điều dưỡng, y tế, pháp luật xã hội... Việc hợp tác giữa 2 nước về lĩnh vực LĐ sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía - doanh nghiệp và tu nghiệp sinh”, ông Kioshi Ueda chia sẻ.
Trước đó, Chủ tịch Tập đoàn Sosei (hoạt động trong 3 lĩnh vực: y tế, hộ lý - chăm sóc người cao tuổi và quản lý khai thác nhà ở dành cho người cao tuổi) cũng đã sang VN gặp gỡ Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, bày tỏ nguyện vọng được tiếp nhận TTS hộ lý VN. Đại diện tập đoàn này cam kết tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách đãi ngộ tốt nhất cho các ứng viên.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã tiếp đón đoàn công tác của Bộ Y tế, LĐ và phúc lợi Nhật Bản sang làm việc về triển khai đưa người LĐ và thực tập sinh sang làm việc tại Nhật; Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt làm việc về đẩy mạnh đưa TTS trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Hokkaido...
Cuối tháng 11 vừa qua, Trung tâm LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) thông báo tuyển chọn 500 ứng viên tham gia Chương trình TTS đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản; thời gian tuyển chọn đến hết tháng 1.2019. Ông Hà Xuân Tùng, Giám đốc Trung tâm LĐ ngoài nước, cho biết điều kiện đăng ký dự tuyển là LĐ nam giới, từ 20 - 30 tuổi; tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên; có đủ sức khỏe, không xăm mình; chưa từng tham gia các chương trình đào tạo TTS của Nhật Bản; chưa từng cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài...
Về tiêu chuẩn tuyển chọn đối với chương trình hộ lý, điều dưỡng viên chăm sóc người già, ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay: “Chương trình tạo cơ hội cho những người tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng, tuổi không quá 35. Ứng viên được tuyển chọn sẽ được đào tạo tiếng Nhật miễn phí trong thời gian 12 tháng và thi đạt được trình độ tiếng Nhật N3 trở lên. Các ứng viên sẽ được hướng dẫn tham gia vào mạng kết nối giữa nhu cầu việc làm của ứng viên với nhu cầu tiếp nhận của các cơ sở chăm sóc y tế phía Nhật Bản. Sau khi kết nối thành công, các ứng viên sẽ được ký hợp đồng và sẽ xuất cảnh”.
Thu Hằng
|
Bình luận (0)