Phiên tòa diễn ra trong 1 tuần với HĐXX gồm 5 người. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử là 2 kiểm sát viên của Viện KSND tối cao và 1 kiểm sát viên của Viện KSND TP.Hà Nội. Có khoảng 30 luật sư tham gia bảo vệ cho các bị cáo, đương sự.
Trong vụ án này, ông Vũ Huy Hoàng (68 tuổi, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) và Phan Chí Dũng (64 tuổi, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ Bộ Công thương) bị xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, quy định tại khoản 3 điều 219 bộ luật Hình sự (BLHS), với khung hình phạt lên tới 20 năm tù.
8 bị can còn lại cùng bị xét xử về tội “vi phạm quy định về quản lý đất đai”, quy định tại điều 229 BLHS. Trong số này có ông Nguyễn Hữu Tín (64 tuổi, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM); Lâm Nguyên Khôi (66 tuổi, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM); Đào Anh Kiệt (64 tuổi, cựu Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM); Lê Văn Thanh (59 tuổi, cựu Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM); Lê Quang Minh (64 tuổi, cựu trưởng phòng thuộc Sở KH-ĐT TP.HCM); Nguyễn Thanh Chương (47 tuổi, cựu trưởng phòng thuộc Văn phòng UBND TP.HCM); Trương Văn Út (41 tuổi, cựu phó phòng thuộc Sở TN-MT TP.HCM) và Nguyễn Lan Châu (46 tuổi, cựu chuyên viên Sở TN-MT TP.HCM).
Theo cáo trạng, từ năm 2012 - 2016, ông Hoàng đã chỉ đạo cấp dưới là bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương; cùng Phan Chí Dũng, cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), có các văn bản chỉ đạo cán bộ tại Sabeco dùng quyền sử dụng đất tại số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản.
Sau khi góp vốn và Sabeco thực hiện xong các thủ tục cho dự án, ông Vũ Huy Hoàng chỉ đạo đơn vị này thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl, cho doanh nghiệp (DN) tư nhân liên doanh để hoàn tất việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất hơn 6.000 m2 - là tài sản nhà nước, sang tài sản tư nhân trái pháp luật. “Hành vi của Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm đã vi phạm quy định pháp luật về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại DN, gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.723 tỉ đồng”, cáo trạng của Viện KSND tối cao nêu rõ.
Đối với nhóm bị cáo bị xét xử về tội danh “vi phạm quy định về quản lý đất đai”, Viện KSND tối cao xác định, ông Nguyễn Hữu Tín biết rõ khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng đã được sắp xếp cho Sabeco xây dựng khu phức hợp 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê, không áp dụng việc liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án theo Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng. Trường hợp này nếu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Sabeco phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (nộp tiền) và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Sabeco mới được dùng quyền sử dụng đất đó để góp vốn vào Sabeco Pearl. Trong trường hợp Sabeco không có khả năng thực hiện dự án theo quy hoạch của thành phố đã được phê duyệt thì UBND TP.HCM phải tiến hành các thủ tục thu hồi khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, sau đó định giá và tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật hiện hành. Mặc dù vậy, ông Tín vẫn ký các văn bản cho Sabeco Pearl, không phải là DN nhà nước, được thực hiện nghĩa vụ tài chính, được làm chủ đầu tư và được thuê đất thực hiện dự án tại địa chỉ trên trái quy định của pháp luật, không đúng đối tượng, không thông qua đấu giá.
Tương tự, các bị cáo còn lại được xác định biết rõ các quy định pháp luật liên quan đến khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng nhưng vẫn thực hiện hành vi tham mưu, đề xuất để UBND TP.HCM chấp thuận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư, khiến “đất vàng” lọt vào tay tư nhân.
Bình luận (0)