Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói Sabeco thoái vốn khi mình đã nghỉ hưu

24/04/2021 06:19 GMT+7

'... Tôi không tham gia bất cứ khâu, công đoạn nào của quá trình thoái vốn. Đến 30.5.2016, Sabeco mới xây dựng phương án thoái vốn chính thức về giá, phương thức, cách thức…', bị cáo Hoàng trình bày.

Ngày 23.4, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” tại Bộ Công thương và liên quan đến khu "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM.
HĐXX tiếp tục thẩm vấn bị cáo Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm trong vụ án gây thất thoát hơn 2.713 tỉ đồng.

“Tôi không tham gia khâu nào quá trình thoái vốn”

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, sau khi giải thể Công ty CP bất động sản Sabeco (Sabeco Land) năm 2013, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cố tình làm trái chủ trương thoái vốn ngoài ngành của Chính phủ, vẫn chỉ đạo Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tìm đối tác liên doanh để triển khai dự án kinh doanh bất động sản tại khu "đất vàng" 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM.
Đến năm 2015, Sabeco lập liên doanh Công ty CP đầu tư Sabeco Pearl (Sabeco Pearl) với nhóm 3 nhà đầu tư gồm: Công ty CP Attland, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An (Công ty Hà An), Công ty CP đầu tư Mê Linh (Công ty Mê Linh) để thành lập công ty cổ phần, triển khai dự án.
Phương án hợp tác là Sabeco và nhóm các nhà đầu tư sẽ thành lập công ty cổ phần. Trong đó, Sabeco góp 26% vốn điều lệ, các cổ đông còn lại sẽ góp vốn điều lệ bằng tiền mặt và nộp tiền sử dụng đất hơn 1.200 tỉ đồng, tiền phạt do chậm nộp… Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và thuộc cấp đồng ý việc này. Đồng thời, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cùng lãnh đạo các sở: KH-ĐT, TN-MT… tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Sabeco Pearl triển khai dự án như chấp thuận cho làm chủ đầu tư dự án; đồng ý cho nộp tiền sử dụng đất… Ban đầu khu đất chỉ có chức năng văn phòng, thương mại, nhưng từ tháng 9.2015 được UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh bổ sung chức năng căn hộ ở và officetel, khiến giá trị tăng từ 1.075 tỉ đồng lên 3.816 tỉ đồng. Năm 2016, các doanh nghiệp tư nhân đề nghị Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh và được Sabeco cùng Bộ Công thương đồng ý.
Ngày 29.3.2016, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chủ trì cuộc họp, và sau cuộc họp này đã quyết định giá khởi điểm của Sabeco khi thoái vốn tại Sabeco Pearl là 13.247 đồng/cổ phần. Giá trị này thấp hơn thực tế rất nhiều, nhưng Sabeco sau đó vẫn thoái vốn, dẫn tới khu đất số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng bị chuyển từ sở hữu nhà nước sang tư nhân, gây thiệt hại 2.713 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Vũ Huy Hoàng luôn khẳng định cuộc họp ngày 29.3.2016 nói trên không quyết định giá bán cổ phần. Ngoài ra, bị cáo Hoàng còn nói đã bị Quốc hội khóa XIII cùng Chủ tịch nước bãi miễn chức Bộ trưởng Bộ Công thương vào ngày 8.4.2016.
“Từ đó, tôi không tham gia bất cứ khâu, công đoạn nào của quá trình thoái vốn. Đến 30.5.2016, Sabeco mới xây dựng phương án thoái vốn chính thức về giá, phương thức, cách thức… để ngày 26.8.2016 báo cáo Bộ Công thương phê duyệt. Quá trình thoái vốn của Sabeco kết thúc năm 2017 và tôi không hề can thiệp. Nếu cần kiểm tra, HĐXX có thể hỏi những người liên quan”, bị cáo Hoàng trình bày; đồng thời khẳng định bản thân không trực tiếp quản lý Sabeco nên cuộc họp ngày 29.3.2016 chỉ chủ trì thay cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đi vắng. Hiện, cựu Thứ trưởng Thoa vẫn bỏ trốn.
Trả lời trước tòa về quá trình Sabeco thoái vốn, bị cáo Hoàng nói lý do vì Chính phủ có chủ trương yêu cầu doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh chính. Sau đó, các nhà đầu tư tư nhân trong Sabeco Pearl cũng gửi văn bản đề nghị để Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh này.
“Các nhà đầu tư này không đại diện cho Sabeco nên theo đúng thủ tục, tôi chuyển văn bản của họ cho Vụ Công nghiệp nhẹ để vụ này yêu cầu Ban Quản lý vốn nhà nước và HĐQT Sabeco báo cáo Bộ. Sabeco sau đó đề nghị cho thoái vốn, chúng tôi đồng ý chủ trương và hướng dẫn trình tự thủ tục thoái vốn gồm xây dựng phương án thoái vốn đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích của các cổ đông và nhất là cổ đông nhà nước”, bị cáo Hoàng nói.

“Bộ trưởng không thể quản lý hết”

Khi luật sư đề cập đến trách nhiệm của Bộ trưởng sau khi UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi lô đất để cho liên doanh Sabeco Pearl thuê, bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng, không phải vấn đề nào liên quan đất đai của Sabeco cũng được Bộ Công thương nắm bắt để quản lý. Đây là thẩm quyền của chính quyền tại địa phương nơi quản lý, sử dụng đất đai. Bị cáo Hoàng cũng cho rằng, các lĩnh vực đã được phân công cho từng lãnh đạo để họ quản lý trực tiếp, nhất là đối với các doanh nghiệp của Bộ. Bị cáo đánh giá dự án tại khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng không phải công trình quan trọng của Bộ Công thương nên Bộ trưởng không thể quản lý hết.
Về việc cáo trạng xác định, dự án tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng được bổ sung chức năng căn hộ, đại diện Công ty Mê Linh bác bỏ, khẳng định UBND TP.HCM mới đồng tình chủ trương, chưa có quyết định chấp thuận. Công ty Mê Linh là một đơn vị góp vốn thành lập liên doanh Sabeco Pearl.
Từ hàng ghế người liên quan, đại diện Công ty Mê Linh nói: “Chức năng ở chưa được thể hiện ở giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất. Về các thủ tục được bổ sung chức năng ở có nhiều, nhưng quan trọng nhất là chủ đầu tư sau khi được UBND TP.HCM thông báo nghĩa vụ tài chính về chuyển mục đích, phải thực hiện nhưng thực tế chưa làm. Vụ án điều tra từ tháng 11.2018 nên từ đó đến nay không có hoạt động, giấy tờ bổ sung chức năng đó”.
Đồng tình ý kiến này, bị cáo Lâm Nguyên Khôi, cựu Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, khai: “Tôi biết, nếu có chức năng ở, phải có quyết định của ủy ban (UBND TP) chấp thuận chủ trương đầu tư và sau đó, doanh nghiệp sẽ làm các thủ tục tiếp theo như đại diện Công ty Mê Linh nói là đóng thêm tiền chuyển đổi”.

Lãnh đạo Sabeco khai đều làm theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương

Theo cáo trạng, ông Phan Đăng Tuất, cựu Chủ tịch HĐQT Sabeco, giai đoạn 2012 - 2015 ký một số văn bản báo cáo việc lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương để liên doanh, liên kết thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án tiếp nối việc liên doanh liên kết đã có từ trước của người tiền nhiệm.
Cáo trạng xác định trách nhiệm chính trong sai phạm về hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án thuộc về lãnh đạo Bộ Công thương, ông Phan Đăng Tuất thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công thương. Do vậy, chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Phan Đăng Tuất. Cơ quan điều tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý về Đảng và chính quyền đối với ông Phan Đăng Tuất là phù hợp.
Tại tòa, ông Tuất khẳng định mọi việc làm đều có ý kiến của lãnh đạo Bộ Công thương. Theo trình bày của ông Tuất, suốt thời gian thực hiện dự án, ban đầu là một thứ trưởng khác, sau đó là Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phụ trách. Khi vụ án bị điều tra, cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được xác định có vai trò về các sai phạm tại dự án, nhưng đang bỏ trốn. Ngoài ra, bị cáo Tuất cũng khẳng định bản thân không gặp Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, vì Bộ trưởng bận đàm phán các hiệp định thương mại. “Tôi không nhận được chỉ đạo của Bộ trưởng”, ông Tuất nói.
Về việc Sabeco góp vốn vào Sabeco Pearl là 26%, bị cáo Tuất nói con số này có tham khảo ý kiến của Bộ, hơn nữa, cổ đông nào chiếm 25% cổ phần trở lên thì có quyền chi phối, nên họ mới chọn 26%.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.