Đà Nẵng cần 'chậm lại'

26/04/2018 13:00 GMT+7

Năm 2018, TP.Đà Nẵng sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung sau 20 năm chia tách tỉnh và phát triển mạnh mẽ.

Gợi ý của chuyên gia về sự “phát triển chậm lại” rất cần nghiên cứu trong bối cảnh nhiều xáo trộn về quy hoạch.
Đô thị… cờ vây
Tại hội thảo định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP đến năm 2035 vừa tổ chức, TP.Đà Nẵng gián tiếp nhìn nhận bối cảnh quy hoạch và phát triển đô thị đang bộc lộ nhiều bất cập và quá tải về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội. TS Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) đánh giá, quy hoạch của TP không đồng bộ và theo trình tự, thiếu sự tích hợp các loại quy hoạch với quy hoạch sử dụng đất. Không gian kiến trúc TP như một phép cộng của các công trình kiến trúc, dự án riêng lẻ chứ chưa cho thấy một tổng thể hài hòa… Theo TS Trần Du Lịch, tại Đà Nẵng, quỹ đất dành cho không gian xanh, tiện ích công cộng thiếu trầm trọng; đất dành cho giáo dục, y tế, các thiết chế văn hóa… cũng chưa tương xứng. Nhiều không gian sinh thái bị xâm hại, giá trị cảnh quan thiên nhiên bị chiếm dụng; giao thông cũng phức tạp với phần lớn các nút giao thông ở trung tâm đều đồng mức, hệ thống giao thông tĩnh bất cập ngay từ khi lập quy hoạch…
KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch, cho rằng thời gian qua Đà Nẵng phát triển quá nóng. Những người làm quy hoạch đôi khi buộc phải làm quy hoạch 1/500 trước khi có quy hoạch 1/1.000 hoặc 1/2.000… để kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển. “Bây giờ phát triển cần chậm lại và tôi xem đây là cơ hội để định hướng chiến lược phát triển bền vững hơn”, ông Sơn nói. Trong khi đó, tại cuộc họp với Sở GTVT ngày 20.3, ông Tô Văn Hùng (Trưởng ban đô thị, HĐND TP) nhìn nhận TP làm đô thị theo bàn cờ nhưng không phải cờ tướng mà là… cờ vây. Thông được chỗ này lại tắc chỗ khác.
Bỏ “tư duy hơn thua”
TP.Đà Nẵng được nhiều chuyên gia kỳ vọng về vai trò là đô thị dẫn dắt vùng, do vậy, cần thiết phải loại bỏ “tư duy hơn thua” khi so sánh với các địa phương lân cận. KTS Ngô Viết Nam Sơn bình luận, Đà Nẵng không thể phát triển nhanh nếu như đô thị xung quanh không phát triển, vì vậy cần xin cơ chế đặc thù để phát triển đô thị xung quanh. Ông Bùi Quang Vinh (nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT) thì gợi ý cần soát xét kỹ điều gì khiến Đà Nẵng tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm qua. “Nếu tăng trưởng vì đất thì có còn để tăng trưởng như vậy không? Lợi thế của Đà Nẵng trong hiện tại là cái gì trong 15 năm tới để theo khát vọng của mình?”, ông Vinh nói.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua chính quyền cứ lao theo yêu cầu bức bách của thực tiễn. Từ những năm 2000, TP bỏ ra 1.000 tỉ đồng từ ngân sách để giải tỏa đền bù, làm 3 khu công nghiệp. Thời điểm đó, quy mô nền kinh tế Đà Nẵng rất nhỏ, ngành công nghiệp đóng góp trên 50% giá trị GDP. “Giờ nhìn lại, sửa lại cực kỳ khó. Không cách chi mà chuyển đổi được hết, TP hết quỹ đất rồi”, ông Thơ nói, đồng thời khẳng định Đà Nẵng không kỳ vọng sẽ phát triển công nghiệp và “không việc gì phải sợ thua Quảng Nam, Quảng Ngãi”. Bởi xung quanh giàu có, thì TP.Đà Nẵng mới giàu có được.
Đối chiếu với các TP ở những nước tiên tiến khi quy hoạch hàng trăm năm mà vẫn mang hình hài cũ, không thay đổi gì, ông Huỳnh Đức Thơ nhìn nhận tầm nhìn quy hoạch ở VN luôn chậm hơn hàng chục năm. “Sân bay vừa làm đã đối diện với việc quá tải, du khách đã phàn nàn rồi”, ông Thơ tiếc nuối.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.