Hoàn thành vào ngày 5.8
Sáng 2.8, đơn vị cải hoán công năng Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) thành bệnh viện (BV) dã chiến đã điều động khẩn cấp khoảng 100 công nhân cùng hàng trăm tấn vật liệu để thi công.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, không khí làm việc tại công trình hết sức khẩn trương. Mỗi buồng bệnh có diện tích 3 x 2,44 m, có thể kê được 2 giường, lối ra vào được che bằng rèm. Hàng trăm công nhân chia làm 3 ca, thi công 24/24 giờ để đảm bảo tiến độ hoàn thành vào ngày 5.8 tới.
BV dã chiến thứ 2 tại Đà Nẵng được trưng dụng và đặt ở Trung tâm y tế H.Hòa Vang, quy mô gần 200 giường bệnh, đã đưa vào hoạt động. Một số bệnh nhân dương tính với Covid-19 được đưa đến đây chăm sóc và cách ly. Toàn bộ nhân viên y tế tại đây xác định sống và làm việc trong vùng tập trung, cách ly và phong tỏa ngay tại BV...
|
Trưa 2.8, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đến thị sát công trình và yêu cầu nhà thầu phối hợp với các đơn vị liên quan của TP.Đà Nẵng đảm bảo thông suốt việc vận chuyển vật liệu thi công đúng tiến độ. Nhà thầu có nhiệm vụ thực hiện giãn cách công nhân trong quá trình thi công.
Theo ông Nghĩa, vật tư đã đảm bảo nên đến 0 giờ hôm nay (3.8) sẽ xong phần khung, vách ngăn và mất thêm 2 ngày nữa để lắp đặt điện, nước, thông gió... Ông Nghĩa đánh giá việc lập BV dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn nhằm giảm tải cho các BV, trung tâm y tế đang bị phong tỏa, tập trung làm “sạch” ổ dịch tại BV Đà Nẵng, BV C, BV Chỉnh hình và phục hồi chức năng.
Theo kế hoạch, ngày 6.8, Bộ Y tế sẽ kiểm tra công tác thi công cũng như các điều kiện để vận hành BV dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn. Trong cung thể thao rộng hơn 94.000 m2, BV dã chiến có quy mô ban đầu 600 - 700 giường đặt ở sàn, hành lang và tầng 2 - 3; trong trường hợp cần thiết có thể mở rộng lên 1.000 giường.
Về phương án hoạt động, BV dã chiến sẽ được sử dụng tùy theo tình hình dịch bệnh. Trong trường hợp số bệnh nhân Covid-19 bùng phát, nơi đây sẽ tiếp nhận, điều trị cho BV nhiễm bệnh. Nếu số bệnh nhân vẫn được kiểm soát, các BV vẫn đủ khả năng thu dung, điều trị..., thì BV dã chiến sẽ làm nơi tiếp nhận, cách ly, theo dõi những trường hợp tiếp xúc gần (F1) trong thời gian 14 ngày.
Tăng tốc xét nghiệm
Để kiểm soát lây lan của dịch Covid-19, UBND TP.Đà Nẵng đã duyệt phương án tổ chức xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng.
Về năng lực xét nghiệm, bà Ngô Thị Kim Yến cho biết hiện Đà Nẵng vẫn sử dụng 2 phương pháp xét nghiệm, gồm phương pháp Elisa lấy máu test kháng thể và lấy dịch hầu họng để xét nghiệm bằng hệ thống RT-PCR. Với test máu bằng phương pháp Elisa, Đà Nẵng xét nghiệm được khoảng 1.000 mẫu/ngày. Đối với hệ thống xét nghiệm bằng RT-PCR, trung bình mỗi ngày qua Đà Nẵng test trên dưới 2.000 mẫu, riêng 2.8 Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng đã test đến 3.400 mẫu. “Từ ngày 2.8, Đà Nẵng đặt mục tiêu và năng lực xét nghiệm 5.000 - 8.000 mẫu mỗi ngày và vẫn đảm bảo đúng quy trình chất lượng kỹ thuật, chuyên môn”, bà Yến khẳng định.
Bà Yến cho biết thêm, sau khi xin ý kiến của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.Đà Nẵng cũng đang khẩn trương mua sắm các trang thiết bị phục vụ điều trị và xét nghiệm. Địa phương cũng đã triển khai thêm hệ thống xét nghiệm Covid-19 tại CDC Đà Nẵng. Tuy nhiên, để tăng cường xét nghiệm trên diện rộng, Sở Y tế cần huy động khoảng 30 tình nguyện viên là các kỹ thuật viên xét nghiệm từ các trường chuyên ngành y tế để hỗ trợ CDC Đà Nẵng. Có rất nhiều kỹ thuật viên xét nghiệm đã kết nối, sẵn sàng cùng địa phương chống dịch nơi tuyến đầu.
Sở Y tế TP.Đà Nẵng cũng đang gấp rút triển khai, phối hợp các lực lượng để mở rộng 5 địa điểm xét nghiệm Covid-19, đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm tại Đà Nẵng. Đó là CDC Đà Nẵng, BV Phổi Đà Nẵng, BV Đà Nẵng, BV 199 (Bộ Công an), BV C-17 với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Viện Dịch tễ T.Ư, BV Bạch Mai, Viện Pasteur TP.HCM. Nhiều thiết bị máy móc tự động, test kit cũng đang được gấp rút chuyển từ Hà Nội, TP.HCM đến Đà Nẵng.
Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng đã chia các nhóm đối tượng ưu tiên thực hiện các phương pháp xét nghiệm Covid-19 để kiểm soát, khoanh vùng lây nhiễm dịch bệnh, bao gồm tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần (F1) với các ca dương tính với Covid-19; bệnh nhân có các biểu hiện sốt, ho, khó thở; cán bộ y tế tại các cơ sở y tế có tiếp nhận người nhiễm, người có yếu tố nguy cơ lây nhiễm; người dân sinh sống trong khu vực áp dụng biện pháp cách ly...
Hiện TP.Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh hoạt động lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, sau khi hoàn tất mới tính đến lấy mẫu xét nghiệm toàn dân.
Bình luận (0)