Đà Nẵng: Nữ điều dưỡng bị sốc sau tiêm vắc xin Covid-19 đã ổn định, không di chứng

17/05/2021 14:16 GMT+7

Ngày 17.5, Bệnh viện Đà Nẵng thông tin cho biết, nữ điều dưỡng bị sốc phản vệ nguy kịch sau khi tiêm vắc xin Covid-19 đã hồi sức, không để lại di chứng và có thể ra viện.

Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Hoàng Hữu Hiếu, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (BV Đà Nẵng), người trực tiếp tham gia, cấp cứu hồi sức cho nữ điều dưỡng (31 tuổi) bị sốc phản vệ nặng ngay sau khi tiêm vắc xin Covid-19, cho biết: “Bệnh nhân đã ổn, không để lại di chứng gì và được xuất viện”.

Nữ điều dưỡng bị sốc phản vệ nặng sau tiêm vắc xin Covid-19 đã bình phục trong niềm vui mừng của các đồng nghiệp BV Đà Nẵng

Ảnh: An Quân

Bác sĩ Hiếu cũng cho biết, trước đó, bệnh nhân (BN) không có tiền sử dị ứng gì, không mắc các bệnh lý mạn tính. Tuy nhiên, phản ứng phản vệ xảy ra chỉ vài phút ngay sau khi tiêm mũi vắc xin Covid-19 đầu tiên. “Bệnh nhân ù tai, mất cảm giác vùng mặt, sau đó khó thở tăng dần, nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim, ngừng tuần hoàn”, bác sĩ Hiếu nói.
Trước khi triển khai tiêm vắc xin Covid-19, BV Đà Nẵng đã tập huấn nhiều lần về công tác xử trí các biến chứng sau tiêm và phác đồ cấp cứu phản vệ.
Tại thời điểm tiêm vắc xin, BV đã bố trí khu vực cấp cứu với đầy đủ trang thiết bị cho công tác hồi sức bao gồm hệ thống oxy, máy thở, máy sốc điện, cũng như phương tiện, thuốc men cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao. Một ê kíp các nhân viên y tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp cứu, hồi sức ứng trực tại chỗ theo dõi sau tiêm để kịp thời xử lý tình huống.

Nữ điều dưỡng ở Đà Nẵng sốc phản vệ sau tiêm vắc xin Covid-19 qua cơn nguy kịch

Cần chuẩn bị phương tiện, nhân lực chuyên môn hồi sức tại các điểm tiêm vắc xin Covid-19

Ngay thời điểm BN xảy ra sự cố, kíp trực hồi sức có mặt bên cạnh và tiến hành cấp cứu cho BN theo quy trình tiêm adrenalin, đặt nội khí quản, thở máy, cấp cứu ngừng tuần hoàn. Ngay sau đó, BN được chuyển về đơn vị Hồi sức tích cực Chống độc để theo dõi.
Bác sĩ Hiếu cho biết, tại khoa Hồi sức tích cực Chống độc, BN vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp nặng. Các xét nghiệm cho thấy tình trạng tổn thương đa cơ quan, chức năng tim rối loạn nặng. BN được tiến hành hồi sức tích cực, lọc máu liên tục và dùng các thuốc đặc hiệu.
“Sau 3 ngày hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân được cải thiện, các chức năng cơ quan trong giới hạn bình thường, được cai thở máy và tiếp tục theo dõi. Sau một tuần, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, không để lại di chứng gì”, bác sĩ Hiếu vui mừng cho biết.

Sức khỏe BN đã ổn định sau một tuần hồi sức tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực Chống độc (BV Đà Nẵng), nơi BN công tác

Ảnh: An Quân

Hiện, ghi nhận tỷ lệ sốc phản vệ nguy kịch sau tiêm vắc xin Covid-19 trên thế giới khoảng 8/1.000.000 ca tiêm chủng. Ở Việt Nam, tính tới thời điểm này có 2 bệnh nhân nguy kịch, trong đó một trường hợp đã tử vong.

Nữ nhân viên y tế ở An Giang tử vong sau khi tiêm vắc xin Covid-19

Đối với sốc phản vệ sau tiêm vắc xin Covid-19, TS.Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng khuyến cáo, cần ưu tiên khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm chủng, phân loại những người có cơ địa dị ứng để tiêm chủng tại các BV. “Tại các điểm tiêm chủng cũng cần chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, cũng như nhân lực. Việc này đóng vai trò quan trọng trong việc xử trí ban đầu các trường hợp phản vệ nặng, góp phần giảm tỷ lệ biến chứng nặng. Cần đảm bảo an toàn tiêm chủng, để tiếp tục chương trình tiêm vắc xin, vốn là giải pháp hiệu quả để vượt qua đại dịch Covid-19”, bác sĩ Nhân nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.