Công an TP.Đà Nẵng vừa có đợt tổng tấn công tội phạm ở các vũ trường, bar, pub, karaoke..., qua đó phát hiện nhiều kẽ hở trong hoạt động đầu tư, kinh doanh vui chơi giải trí có điều kiện. Liệu chuyện “siết” này có ảnh hưởng môi trường du lịch?
Như Thanh Niên đã thông tin, rạng sáng 15.7, Công an Q.Thanh Khê ập vào karaoke Chợt Nhớ (543 Nguyễn Tất Thành, Q.Thanh Khê), khống chế 40 khách ở 3 phòng đang mở tiệc ma túy. Trong đó, toàn bộ 24 khách nam đều dương tính ma túy, 8/16 nữ tiếp viên dương tính ma túy. Ma túy xuất hiện ở cả 3 phòng karaoke... Rạng sáng 10.8, công an quận này cũng ập vào karaoke Mercury (199 Điện Biên Phủ), phát hiện 58/67 khách dương tính ma túy, cả 7 phòng hát đều có ma túy ketamine để công khai trên bàn tiệc…
|
|
Trước đó, các tụ điểm nổi tiếng khác ở Đà Nẵng cũng bị đột kích, nằm trong kế hoạch thực hiện lệnh tổng tấn công tội phạm, nhất là tội phạm ma túy ở các tụ điểm vũ trường, bar, pub, karaoke… Công an TP.Đà Nẵng. Trong đó, riêng tại F3, hai lần Công an Q.Hải Châu ập vào (hồi tháng 5 và tháng 7) đều phát hiện lần lượt 80/100 người và 15/50 người dương tính ma túy…
Lợi dụng kẽ hở pháp luật
Đại tá Trần Phước Hương, Trưởng công an Q.Hải Châu, cho biết địa phương có gần 600 cơ sở vui chơi giải trí, trong đó 64 vũ trường, bar, pub, karaoke tiềm ẩn phức tạp an ninh trật tự. Trong tháng 4 và 5, công an quận kiểm tra 50 cơ sở, phát hiện nhiều vi phạm như hoạt động quá giờ quy định, tiếng ồn vượt mức, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, sử dụng và mua bán ma túy…
Việc xử lý bar, pub để phòng ngừa và ngăn chặn ma túy là tốt chứ không ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư trên địa bànThiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng)
|
Tuy nhiên, theo đại tá Hương, việc xử lý còn gặp vướng và bất cập, do các Nghị định 96, Nghị định 153 hay mới nhất là Nghị định 54 không có khái niệm thế nào là bar, pub, không có quy định quản lý, cơ quan quản lý nhà nước khi cấp phép chỉ ghi “kinh doanh đồ uống”. Chưa kể, các loại hình này được cấp phép hoạt động rên giữa khu dân cư đã gây tiếng ồn, nhất là tuyến đường Bạch Đằng vừa “mọc” lên rất nhiều bar, pub. “Theo Nghị định 103, hoạt động này liên quan dịch vụ văn hóa. Nhưng khi chúng tôi hỏi Sở VH-TT, họ nói không nằm trong dạng quản lý, chỉ có hoạt động mang tính văn hóa. Do đó, ngành công an đề xuất cơ quan chức năng đưa bar, pub vào quản lý theo Nghị định 96 kinh doanh có điều kiện, đồng thời quy hoạch cụ thể khu vực được kinh doanh”, đại tá Hương nói.
Theo trung tá Phan Duy Thạch, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an Q.Thanh Khê, một bất cập khác khi quản lý các loại hình kinh doanh có điều kiện như vũ trường, bar, pub, karaoke… là chưa có chế tài cưỡng chế buộc dừng hoạt động. Đơn cử trường hợp karaoke Chợt Nhớ, thời điểm bị Công an Q.Thanh Khê phát hiện khách sử dụng ma túy, lẽ ra cơ sở này đã phải dừng hoạt động do trước đó bị lực lượng PCCC tạm đình chỉ vì chưa đảm bảo các điều kiện về PCCC.
“Không ảnh hưởng”
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cho biết vũ trường, bar, pub, karaoke là các tụ điểm phức tạp về ma túy, ô nhiễm tiếng ồn khiến nhân dân rất bất bình. “New Phương Đông được giới thạo loại này đánh giá là vũ trường tầm cỡ châu Á chứ không phải Đông Nam Á, nhưng lâu nay không đăng ký vũ trường vẫn hoạt động hẳn hoi. Vừa qua chúng tôi làm việc yêu cầu chủ cơ sở đã đăng ký vũ trường”, thiếu tướng Vũ Xuân Viên cho hay.
Sau khi ban hành kế hoạch tổng tấn công tội phạm, nhất là tội phạm ma túy ở các tụ điểm ăn chơi, đến nay Công an TP.Đà Nẵng đã kiểm tra 271 cơ sở. Trước lo ngại việc kiểm tra ảnh hưởng du khách, môi trường du lịch, thiếu tướng Vũ Xuân Viên khẳng định: “Qua phân loại khách ở vũ trường sau 0 giờ và các đối tượng dương tính với ma túy tại đây, hầu hết là người địa phương và các tỉnh lân cận, còn người nước ngoài không đáng kể. Việc xử lý bar, pub để phòng ngừa và ngăn chặn ma túy là tốt chứ không ảnh hưởng hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn”. Giám đốc Công an TP cho rằng, đối với vũ trường chỉ nên cho phép hoạt động đến 0 giờ, karaoke thì đến 22 - 23 giờ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, khẳng định, khi đã xác định các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì cơ sở đảm bảo đủ điều kiện mới được hoạt động, nếu không thì thu hồi. Chủ tịch HĐND TP đánh giá cao hoạt động tổng tấn công tội phạm, nhất là tội phạm ma túy ở các tụ điểm của Công an TP vừa qua, là một trong các kế hoạch truy quét ma túy của TP.Đà Nẵng. Tiếp sau các tụ điểm, sẽ giao xuống các tổ dân phố rà soát người nghiện ma túy trong cộng đồng.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng, cho hay ngành du lịch ủng hộ kế hoạch tấn công tội phạm, nhất là tội phạm ma tuý ở các tụ điểm vui chơi giải trí trên địa bàn. Điều này không chỉ đảm bảo an ninh trật tự cho người dân, mà còn đảm bảo an toàn cho du khách đến Đà Nẵng. “Qua công tác theo dõi nắm tình hình, từ khi Công an TP triển khai kế hoạch trên đến nay, ngành du lịch chưa ghi nhận trường hợp du khách phàn nàn hay gặp các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự tại các tụ điểm trên”, bà Hạnh nói.
Ra quân xử lý dứt điểm ô nhiễm tiếng ồnCông an TP.Đà Nẵng vừa triển khai kế hoạch chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tiếng ồn, phấn đấu xử lý dứt điểm mọi vi phạm pháp luật về tiếng ồn. Giai đoạn 1 từ ngày 1 đến 31.8, giai đoạn 2 từ ngày 1 đến 30.9.
Hiện Đà Nẵng có 2.546 cơ sở vũ trường, bar, pub, karaoke… Trong đó, 24 cơ sở do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp giấy đủ điều kiện, 995 cơ sở cấp phòng Công an TP quản lý, còn lại quận huyện.
|
Bình luận (0)