Đại án DongA Bank giai đoạn 2: Công ty Ba Son đã chuyển trả 250 tỉ đồng

26/06/2020 12:03 GMT+7

Tại tòa, đại diện Công ty Ba Son cho biết Cục Tài chính Bộ Quốc phòng đã chuyển vào tài khoản Bộ Công an 250 tỉ đồng để HĐXX xem xét, quyết định trong quá trình xét xử.

Sáng 26.6, trong phiên tòa sơ thẩm xét xử Trần Phương Bình (61 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng - HĐTD Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) và 11 đồng phạm có hành vi phạm tội gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 8.827 tỉ đồng, đại diện Công ty Ba Son cho biết Cục tài chính Bộ Quốc phòng đã chuyển 250 tỉ đồng vào tài khoản Bộ Công an để HĐXX sẽ xem xét quyết định khi giải quyết vụ án.
Về khoản tiền 250 tỉ đồng này, cáo trạng nêu, năm 2011, bị cáo Phùng Ngọc Khánh (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP M&C - gọi tắt M&C) trao đổi với Trần Phương Bình về việc M&C cần vốn 500 tỉ đồng để đặt cọc hợp tác đầu tư vào dự Sài Gòn – Ba Son 38 tầng (dự án thuộc Công ty TNHH MTV Ba Son làm chủ đầu tư). Dù biết M&C đang có dư nợ lớn tại DongA Bank nhưng Bình cho rằng việc đầu tư vào Sài Gòn - Ba Son sẽ đem lại nguồn lợi về kinh tế, có thể giúp M&C trả được nợ cho DongA Bank; đồng thời Trần Phương Bình cũng muốn đầu tư vào dự án để có nguồn tiền bù cho việc âm quỹ tại DongA Bank.
Từ đó, bị cáo Bình bàn với Phùng Ngọc Khánh sử dụng 1 pháp nhân và 1 cá nhân đứng ra vay 250 tỉ đồng tại DongA Bank dưới hình thức hợp tác đầu tư cùng M&C thực hiện dự án. Khi nhận được 250 tỉ đồng, M&C đã chuyển cho Công ty Ba Son.
Đến hạn, M&C không trả được tiền, bị cáo Bình lại chỉ đạo nhân viên làm thủ tục cho M&C vay khống 270 tỉ đồng để đáo hạn nợ, tài sản đảm bảo khoản vay là quyền khai thác kinh doanh 15.300 m2 tháp căn hộ 38 tầng thuộc dự án khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son.
Ngoài ra, kết quả điều tra xác định, giữa Phùng Ngọc Khánh và DongA Bank còn có 1 số khoản vay, có chung tài sản đảm bảo là quyền khai thác tháp căn hộ 38 tầng tại Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son.
Tuy nhiên quá trình điều tra và tại tòa, Trần Phương Bình, Hội đồng định giá tài chính Ngân hàng Nhà nước khẳng định quyền khai thác kinh doanh tại dự án Sài Gòn - Ba Son không đủ điều kiện pháp lý và không có giá trị tài sản thế chấp, dẫn đến thiệt hại DongA Bank trong khoản vay này là hơn 3.949 tỉ đồng (trong đó nợ gốc là hơn 1.675 tỉ đồng).

Tranh cãi 250 tỉ đồng

Theo hồ sơ vụ án, đối với 250 tỉ đồng mà M&C đã chuyển cho Công ty Ba Son, theo CQĐT đây là khoản tiền đầu tư trái pháp luật, là vật chứng vụ án, CQĐT có công văn yêu cầu Công ty Ba Son chuyển lại 250 tỉ đồng về tài khoản tạm giữ, nhưng đến nay Công ty Ba Son chưa thực hiện, vì vậy CQĐT đề nghị cần tiếp tục yêu cầu Công ty Ba Son chuyển trả lại 250 tỉ đồng cho DongA Bank.
Đại diện Công ty Ba Son trình bày, về việc hợp tác với M&C, cả hai ký hợp đồng 06/2011 về đầu tư xây dựng và kinh doanh khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son với mục đích tạo kinh phí để di dời nhà máy đóng tàu Ba Son ra khỏi trung tâm.
Theo cam kết của hợp đồng 06, trong vòng 50 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, M&C phải đóng cho Bộ Quốc phòng 500 tỉ đồng đảm bảo thực hiện hợp đồng (tiền đặt cọc). Tuy nhiên trên thực tế, M&C chỉ đóng được 250 tỉ đồng (thông qua Công ty Ba Son), không thực hiện phần nghĩa vụ tài chính còn lại, vi phạm cam kết hợp đồng nên phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Công ty Ba Son là doanh nghiệp thuộc Tổng cục Công nghiệp Bộ Quốc phòng. Khu đất tại số 2 Tôn Đức Thắng, PP.Bến Nghé, Q.1 là đất quốc phòng do Xí nghiệp Liên hiệp Ba Son quản lý, sử dụng, với hình thức sử dụng đất là giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Bộ Quốc phòng được bán chỉ định tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để triển khai xây dựng Khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son. Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng, Công ty Ba Son ký hợp đồng hợp tác với M&C.
Tại tòa, theo đại diện Công ty Ba Son, sau khi M&C chuyển 250 tỉ đồng cho Công ty Ba Son để hợp tác, công ty đã chuyển lại cho Bộ Quốc phòng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.