Đại án DongA Bank giai đoạn 2: Trần Phương Bình để ngân hàng bị 'thụt két' hàng ngàn tỉ

25/06/2020 06:23 GMT+7

Trong phiên xét xử đại án DongA Bank giai đoạn 2, bị cáo Trần Phương Bình khai đã cho vay không đúng quy định đối với 4 nhóm khách hàng gây thiệt số tiền hơn 8.751/8.827 tỉ đồng.

Chiều 24.6, sau khi nghe công bố 136 trang cáo trạng, nêu hành vi phạm tội của bị cáo Trần Phương Bình (61 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á - DongA Bank) và 11 đồng phạm, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 8.827 tỉ đồng, HĐXX chuyển qua phần thẩm vấn.
Tại tòa, Trần Phương Bình khai cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội và số liệu bị cáo gây thiệt hại cho DongA Bank hoàn toàn chính xác. Khi được chủ tọa yêu cầu trình bày tóm tắt hành vi phạm tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng”, ông Bình khai đã cho vay không đúng quy định đối với 4 nhóm khách hàng (Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng) gây thiệt số tiền hơn 8.751/8.827 tỉ đồng (hơn 75 tỉ đồng còn lại là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản).
Đối với nhóm Hiệp Phú Gia (gồm Công ty TNHH Hiệp Phú Gia, nhóm Công ty CP vốn Thái Thịnh - TTC, Công ty TNHH thương mại và đầu tư Gia Kim, Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ, Công ty CP địa ốc Đông Á và Cao Ngọc Huy - Lê Nguyên Đăng Hằng), cáo trạng thể hiện Bình và đồng phạm cho vay sai quy định, gây thiệt hại cho DongA Bank hơn 3.100 tỉ đồng.
Ông Bình trình bày khoảng năm 2007, DongA Bank không có khách hàng lớn về kinh doanh bất động sản (BĐS) và trong đặc điểm thị trường BĐS đang lên, nên ban đầu ông cho Nguyễn Thiện Nhân (chỉ đạo và điều hành nhóm TTC, đang bỏ trốn) vay một khoản tiền để thực hiện 1 dự án BĐS. Khi dự án đang triển khai, Nguyễn Thiện Nhân cho biết đang làm việc với VinaCapital để nhận khoản đầu tư 100 triệu USD.
“Trên cơ sở Nhân đã có những thành quả nhất định trong lĩnh vực BĐS, bị cáo tin tưởng Nhân, thay mặt DongA Bank ký với VinaCapital nhằm đảm bảo cho nhóm TTC về khả năng hoàn trả 100 triệu USD. Trường hợp TTC không hoàn trả thì TTC sẽ dùng toàn bộ cổ phần, vốn góp của TTC tại các công ty mục tiêu để làm tài sản đảm bảo cho DongA Bank”, ông Bình trình bày.
Theo ông Bình, ngay khi vừa ký và cho TTC nhận tiền thì DongA Bank cũng thu được 2 triệu USD phí quản lý tài khoản (tương đương hơn 32 tỉ đồng), đồng thời giúp DongA Bank có danh tiếng là nhận được một khoản đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, năm 2008, khi VinaCapital không gia hạn và đòi tiền, trong khi các dự án BĐS của nhóm TTC đình trệ, thua lỗ, Bình bàn bạc với Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo nhân viên tại DongA Bank cho 2 công ty và 5 cá nhân vay hơn 1.800 tỉ đồng và xuất quỹ chi hơn 77,7 tỉ đồng để sử dụng mua 5 tài sản của nhóm TTC, mục đích để DongA Bank quản lý tài sản, thu hồi nợ từ TTC và để TTC trả nợ cho VinaCapital. Đến hạn, nhóm TTC tiếp tục không có khả năng trả nợ, Bình lại chỉ đạo cấp dưới cho nhóm TTC vay tiền để đảo nợ... Tính đến ngày 24.12.2018, nhóm TTC còn dư nợ hơn 3.100 tỉ đồng, và không có khả năng trả nợ.
“Khi VinaCapital đòi tiền, bị cáo nhận thức rằng nếu DongA Bank không thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng; ảnh hưởng đến chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài. Do đó, bị cáo mới chỉ đạo nhân viên thực hiện các thủ tục cho vay khống, nâng khống tài sản bảo đảm để nhóm TTC vay được tiền”, ông Bình khai.
Hôm nay (25.6), HĐXX tiếp tục thẩm vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.