Đại án DongA Bank giai đoạn 2: Vay tín chấp không tài sản đảm bảo, người hầu tòa, người thoát tội?

26/06/2020 10:22 GMT+7

Đối với nhóm khách hàng Đồng Tiến, CQĐT cho rằng không có căn cứ xác định những người này đã thỏa thuận, bàn bạc với Trần Phương Bình và các đồng phạm tại DongA Bank để rút tiền vay, nên không xử lý hình sự.

Trong vụ án Trần Phương Bình (61 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng - HĐTD Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) và 11 đồng phạm có hành vi phạm tội gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 8.827 tỉ đồng, trong đó hành vi cho vay sai quy định đối với nhóm khách hàng Đồng Tiến được xác định gây thiệt hại hơn 393,6 tỉ đồng.
Kết quả điều tra xác định, quá trình cấp tín dụng cho các công ty thuộc Nhóm khách hàng Đồng Tiến (gồm Công ty TNHH Thép Đồng Tiến do ông Trần Quang Khải làm đại diện pháp luật và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư TBTP do ông Bùi Văn Dội làm giám đốc), khi cho vay, nguyên lãnh đạo, nhân viên DongA Bank đã có những sai phạm trong việc thẩm định, xét duyệt hồ sơ cấp tín dụng, cho vay tín chấp không đúng đối tượng cho vay, không có tài sản đảm bảo tiền vay. Đến nay 10 hợp đồng tín chấp này còn dư nợ hơn 393,6 tỉ đồng.
Trong sai phạm trên, Trần Phương Bình và đồng phạm là các nhân viên tại DongA Bank đang phải chịu trách nhiệm hình sự với dư nợ 393,6 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi.
Tuy nhiên, đối với ông Trần Quang Khải và ông Bùi Văn Dội (là Giám đốc các Công ty thuộc Nhóm khách hàng Đồng Tiến), tài liệu điều tra xác định các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thực và đã sử dụng vốn đúng mục đích vay, tiền vay được DongA Bank giải ngân vào tài khoản của các doanh nghiệp này mở tại DongA Bank; phế liệu sắt thép được sản xuất thành phôi thép bán cho đối tác và được chuyển tiền về tài khoản của Công ty Đồng Tiến mở tại DongA Bank và DongA Bank thực hiện cắt trừ để thu hồi nợ cho các khoản vay trước đó còn dư nợ.
Nay nhà máy Thép Đồng Tiến ngừng hoạt động do không còn vốn lưu động để sản xuất kinh doanh khi vận hành khai thác, dẫn đến các khoản vay này còn dư nợ.
Theo CQĐT, nhóm khách hàng Đồng Tiến khi lập hồ sơ đề nghị vay vốn đều thực hiện theo đúng quy định, sử dụng tiền vay đúng mục đích, không có hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền thông qua các khoản vay. Không có căn cứ để xác định những người này đã thỏa thuận, bàn bạc với Trần Phương Bình và các đối tượng tại DongA Bank để rút tiền vay, nên không đồng phạm với Trần Phương Bình về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Do vậy, CQĐT đề nghị không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với ông Trần Quang Khải và ông Bùi Văn Dội. Tuy nhiên, CQĐT cũng đề nghị cần buộc các ông Trần Quang Khải và Bùi Văn Dội phải chịu nhiệm dân sự đối với toàn bộ số tiền còn dư nợ gốc và lãi của 58 khoản vay tại DongA Bank.
Cáo trạng xác định, trong hành vi phạm tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Trần Phương Bình và đồng phạm đã cho vay không đúng quy định đối với 4 nhóm khách hàng. Trong đó, tại nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia, gây thiệt hại hơn 3.100 tỉ đồng; nhóm M&C gây thiệt hại hơn 3.949 tỉ đồng; nhóm Đồng Tiến gây thiệt hại hơn 393,6 tỉ đồng; và nhóm Tân Vạn Hưng gây thiệt hại hơn 1.269 tỉ đồng.
Về trách nhiệm của nhóm khách hàng liên quan, hiện chỉ có bị cáo Phùng Ngọc Khánh (nguyên Tổng giám đốc Công ty CP M&C - gọi tắt M&C) đang phải chịu trách nhiệm hình sự cùng Trần Phương Bình trong việc gây thiệt hại cho DongA Bank; Nguyễn Thiện Nhân đại diện nhóm Hiệp Phú Gia đang bỏ trốn nên CQĐT tách ra, xử lý sau; nhóm Tân Vạn Hưng do ông Huỳnh Bá Thành chỉ đạo và điều hành, tuy nhiên ông Huỳnh Bá Thành đã chết, nên CQĐT không xem xét trách nhiệm hình sự với ông Thành; còn nhóm khách hàng Đồng Tiến thì CQĐT xác định không có trách nhiệm hình sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.