Đại án DongA Bank: Tại sao cách ly Vũ 'nhôm'?

28/11/2018 13:54 GMT+7

HĐXX đã tuyên bố cách ly Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ 'nhôm') và Nguyễn Thị Ái Lan tại trại tạm giam và tại tòa trong phiên xét hỏi.

[VIDEO] Xét xử Vũ “nhôm”, Trần Phương Bình trong đại án DongA Bank
Ngày 28.11, theo HĐXX đại án Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank), chiều 28.11 sẽ cách ly bị cáo Phan Văn Anh Vũ và bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên trưởng phòng quản lý tài sản nợ và có thuộc khối kinh doanh nguồn vốn DAB) tại trại tạm giam và cách ly tại tòa để xét hỏi.
Sáng cùng ngày, hai bị cáo Phan Văn Anh Vũ và Nguyễn Thị Ái Lan vẫn đến tòa nghe nghe đại diện Viện KSND công bố cáo trạng.
Cách ly nhằm đảm bảo khách quan các lời khai
Nhiều bạn đọc thắc mắc tại sao phải áp dụng biện pháp cách ly đối với hai bị cáo này.
Nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết đến thời điểm này, trong "đại án DongA Bank", Vũ “nhôm” và Ái Lan là hai bị cáo kêu oan, không thừa nhận hành vi sai phạm của mình. Vì vậy, HĐXX đề nghị cách ly hai bị cáo này để tiến hành xét hỏi các bị cáo khác, nhằm đảm bảo tính khách quan của vụ án.
Trả lời Thanh Niên, trưa 28.11, luật sư (LS) Lưu Văn Tám (Phó chủ nhiệm đoàn LS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết về nguyên tắc trong quá trình xét xử vụ án, HĐXX quyết định cách ly bị cáo khi thấy rằng những lời khai của các bị cáo có sự đối lập, không khách quan, bị cáo kêu oan...
LS Tám cho rằng việc cách ly 2 bị cáo Vũ "nhôm" và Ái Loan nhằm tạo điều kiện cho các bị cáo khác trong vụ án khai một cách khách quan nhất, đúng bản chất sự việc; cũng như đánh giá, xem xét lời khai của các bị cáo trong hồ sơ với cơ quan điều tra và lời khai tại tòa có mâu thuẫn không. Hai bị cáo này kêu oan, nên cách ly để tránh thông cung, mớm cung. 
Các bị cáo tại tòa sáng 28.11 Ảnh: NGỌC DƯƠNG
Còn LS Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) đánh giá việc cách ly bị cáo trong phiên tòa sẽ được thực hiện khi lời khai của bị cáo này mâu thuẫn với lời khai của bị cáo khác; bị cáo không thừa nhận hành vi hoặc trong một số trường hợp các HĐXX thấy cần thiết cách ly.
"Việc cách ly như vậy để làm rõ các lời khai, làm rõ biên bản đối chất giữa các bị cáo trong quá trình điều tra để xác định rõ được hành vi sai phạm của các bị cáo, đánh giá xác thực lời khai và đánh giá chứng cứ của vụ án", LS Lượng nhấn mạnh.
Hai bị cáo bị cách ly vi phạm gì?
Theo cáo trạng, bị cáo Ái Lan bị cáo buộc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Bị cáo Lan có sai phạm trong việc kinh doanh ngoại hối trái phép với Ngân hàng UOB Singapore và Ngân hàng Banca Adamas Thụy Sỹ dẫn đến bị thua lỗ, phải sử dụng tiền của DongA Bank gửi tại các tổ chức này để chi trả, nhưng không được hạch toán trên hệ thống sổ sách theo dõi.
Bị cáo Trần Phương Bình đã chỉ đạo Ái Lan cùng các cấp dưới lập chứng từ khống để bù âm quỹ, hậu quả là gây thiệt hại hơn 352 tỉ đồng cho DongA Bank.
Ngoài ra, Lan còn làm theo chỉ đạo của Trần Phương Bình chi lãi suất ngoài trái phép gây thiệt hại 467 tỉ đồng cho DongA Bank.
Cụ thể, từ ngày 4.3.2011 đến ngày 7.4.2015, bị cáo Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Ái Lan và các nhân viên Phòng nguồn vốn và Phòng ngân quỹ Hội sở chuyển tiền chi lãi suất ngoài cho 219 đơn vị kinh doanh. Việc thực hiện việc chi lãi suất ngoài, gây thiệt hại cho DongA Bank gần 468 tỉ đồng. Danh sách chi lãi suất ngoài Ái Lan đã chỉ đạo cấp dưới tiêu hủy gây khó khăn cho Cơ quan điều tra. Cáo trạng xác định Lan phải liên đới với các bị cáo trong vụ án chịu trách nhiệm về số tiền này. 
Điều đáng chú ý, các bị cáo liên quan trong vụ án đều thừa nhận hành vi trừ Ái Lan. Bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan khai không biết gì về hoạt động chi lãi suất ngoài của DongA Bank và cho rằng mình tham gia hoạt động kinh doanh ngoại tệ như cáo buộc. 
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ  cũng kêu oan trong vụ án này. Trước đó ngày 27.11, vừa bước lên bục khai báo, bị cáo đột ngột lên tiếng “trong vụ này bị cáo oan quá!”.
Chiều nay (28.11), HĐXX tiến hành xét hỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.