Đại biểu đề xuất không để xe dưới hầm chung cư để phòng ngừa cháy, nổ

13/11/2019 11:56 GMT+7

Đại biểu tỉnh Quảng Bình đề xuất các nhà chung cư, cao tầng không thiết kế để xe dưới tầng hầm để tránh biến đây thành những "kho xăng dầu", nguy cơ cháy, nổ rất cao.

Thảo luận về kết quả giám sát phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 sáng 13.11, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quảng Bình, cho rằng phòng cháy chữa cháy là vấn đề rất hệ trọng của mỗi quốc gia, Đảng, Nhà nước, Quốc hội cũng đã ban hành luật, có nhiều văn bản chỉ đạo công tác này.
Tuy nhiên, theo đại biểu Quảng Bình, thực tế xảy ra cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy dù cố gắng đến đâu vẫn chưa tốt.
“Cứ bình quân từ mỗi năm 30 vụ cháy lớn xảy ra. Trong thời gian giám sát 4 năm là hơn 3.000 vụ cháy, 36 người chết, 92 người bị thương. Điều này cho thấy công tác phòng cháy chữa cháy vẫn chưa tốt”, đại biểu Phương đánh giá.
Không phân tích nguyên nhân vì cho rằng, báo cáo giám sát, các đại biểu phát biểu từ trước cũng đã nêu rõ, đại biểu Phương đưa ra 3 kiến nghị để công tác phòng cháy chữa cháy tốt hơn.
Đầu tiên, đại biểu Phương đề nghị cần phải sửa đổi luật Phòng cháy chữa cháy để yêu cầu thiết kế các đường thoát hiểm trong các công trình xây dựng để sử dụng khi xảy ra cháy, nổ. “Hiện nay, trong các nhà chung cư chưa có đường thoát hiểm, kể cả nhà nghỉ, khách sạn cũng chưa có đường thoát, phải đi xuống theo cầu thang bộ. Vì vậy cần phải sửa đổi luật Xây dựng để các nhà cao tầng đều phải có đường thoát. Đồng thời khi xảy ra cháy thì lực lượng cứu hộ cứu nạn có thể sử dụng để xử lý”, ông Phương phân tích.
Kiến nghị khác, đại biểu Phương đề xuất là phải sửa luật Xây dựng làm sao để các chung cư cao tầng, nhà nghỉ, khách sạn không sử dụng tầng hầm làm nơi để xe.
“Từng xe đều có bình xăng và nhiều xe đậu dưới tầng hầm thì nơi đậu xe sẽ trở thành kho xăng dầu. Khi cháy thì không thể ứng cứu được. Kể cả có phun nước vào thì xăng nổi lên thì xăng vẫn cháy”, ông Phương phân tích và đề xuất, các cơ quan nhà nước có thể để xe dưới hầm nhưng khu dân cư, chung cư, khách sạn phải xây dựng bãi đỗ xe riêng chứ không nên để xe dưới hầm và nhà để xe nên làm trên cao.
Một đề xuất khác, theo ông Phương, là cần phải đầu tư cho phương tiện, công cụ, con người phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy vì theo báo cáo thì có những xe phòng cháy chữa cháy đã hoạt động tới 40 năm.
Dẫn chứng việc có nhiều đám cháy khi báo lực lượng chữa cháy tới thì đám cháy đã xong, ông Phương cũng đề xuất, cần quy định từng địa bàn, khu dân cư đội phòng cháy, chữa cháy để nhiệm vụ đầu tiên xử lý các vụ cháy.
110 công trình chung cư, nhà cao tầng chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đã hoạt động
Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, hiện cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi luật Phòng cháy chữa cháy (năm 2001) có hiệu lực.
Tính đến tháng 7.2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.
Theo báo cáo của Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháykhông đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo đúng chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy; mặt khác do sức ép về thời hạn xây dựng công trình nên chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân vào ở trong khi chưa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật phòng cháy chữa cháy; việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.