Đại biểu HĐND lo ngại 'móc nối' hợp đồng đề án ‘sữa học đường’ ngàn tỉ đồng

08/10/2018 15:40 GMT+7

Đại biểu HĐND TP.HCM lo ngại nếu không giám sát kỹ, doanh nghiệp sẽ tìm cách móc nối để lấy hợp đồng đề án 'sữa học đường', gây tai tiếng cho đề án này.

Sáng 8.10, HĐND TP.HCM khóa 9 tổ chức kỳ họp thứ 10 (kỳ họp bất thường).
Tại kỳ họp này, đại biểu HĐND TP.HCM thông qua Nghị quyết cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án từ ngân sách kinh phí tài trợ sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 ở TP.HCM.
Theo đó bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2018 - 2019, trẻ học mẫu giáo và học sinh tiểu học tại các trường công lập, ngoài công lập, mẫu giáo tư thục… tại 5 huyện ngoại thành và các quận: 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân sẽ được uống hộp sữa dung tích 180 ml/ngày, 5 lần/tuần, 9 tháng/năm, trừ 3 tháng hè.
Dự kiến kinh phí thực hiện trong năm 2018 - 2020 là 1.134 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách TP hơn 348 tỉ đồng (30%), cha mẹ học sinh trên 547 tỉ (50%) và doanh nghiệp (DN) cung cấp sữa trên 239 tỉ (20%).
Đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thì ngân sách TP hỗ trợ 50%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 50%.
Kinh phí dự kiến năm học 2019 - 2020 sẽ là 645 tỉ đồng.

Đề án “sữa học đường” trước đó thu hút sự tranh luận và lo ngại của nhiều đại biểu có mặt. Nhiều lần phát biểu, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân đề nghị làm rõ tỉ lệ chiết khẩu sản phẩm sữa phổ biến hiện nay là bao nhiêu, từ đó làm rõ tỉ lệ hỗ trợ 20% của nhà sản xuất đã thực sự hợp lý hay chưa hay cần hỗ trợ nhiều hơn nữa.

“Đề nghị làm rõ có bắt buộc tính tự nguyện của học sinh, phụ huynh hay không. Nếu không tự nguyện có đánh giá đạo đức của các cháu hay không. Là phụ huynh tôi dề nghị làm rõ điều này”, ông Quân nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí băn khoăn thời gian thực hiện đề án tương đối ngắn, chỉ khoảng 2 năm có đảm bảo phát triển thể chất của trẻ hay không. Ngoài ra từ cơ sở nào đề án chỉ áp dụng cho trẻ ở ngoại thành bởi chắc gì trẻ ngoại thành suy dinh dưỡng nhiều hơn trẻ ở quận nội thành.
“Nên chăng trong năm đầu tiên áp dụng đại trà ở trẻ mẫu giáo và cấp 1 ở toàn thành phố”, ông Trí nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm lo ngại sau khi đề án sữa học đường được áp dụng, sẽ có nhiều DN tìm cách móc nối để lấy bằng được hợp đồng.
“Nếu làm không cẩn thận thì dự án này sẽ gây tai tiếng. Cho nên việc đấu thầu cần công khai, minh bạch, có sự vào cuộc giám sát của cơ quan chức năng và báo chí”, bà Tâm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.