Đại biểu Dương Trung Quốc nói: "Tôi nghĩ rằng, sự việc lần này là bài học lớn. Chắc chắn quá trình xây dựng luật chúng ta vẫn chưa lấy được hết ý kiến của người dân, đặc biệt là những tổ chức nghề nghiệp, hay của các chuyên gia, nên đến phút cuối cùng mới tạo thành những bức xúc không đáng có.
Đây là bài học đối với cả các cơ quan lập pháp, trong đó có Quốc hội, trong quá trình xây dựng luật phải thu thập được nhiều hơn ý kiến của người dân; và ngược lại, tăng cường ý thức của người dân đối với những việc chung của đất nước".
Mặc dù sáng sớm 9.6, cả Chính phủ và Văn phòng Quốc hội đều có thông cáo về việc lùi thời gian thông qua luật “đặc khu”, nhưng ở một số địa phương, đặc biệt là Bình Thuận, vẫn xảy ra tình trạng người dân tụ tập đông người, thậm chí có kích động, đập phá trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước. Ông có bình luận gì về hiện tượng này?
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Dẫu sao đi nữa, việc đó (ra thông cáo) là kịp thời. Địa phương đã không kịp thời làm công tác tốt. Ở đâu cũng có các tổ chức, đoàn thể chính trị cả, nhưng chúng ta không vào cuộc, nên một bộ phận người dân tự phát cũng có, cũng có thể có người gửi gắm vào đó ý đồ này, khác mà chúng ta phải kịp thời ngăn chặn. Chính vì thế, tôi cho đây là một bài học.
Các bạn đừng quá tin rằng người dân đọc hết, nghe hết thông tin. Tại sao chúng ta không phổ biến cho người dân ở địa phương? Rõ ràng ở đây có vấn đề thông tin không kịp thời. Mặt khác, tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương gần như không nắm được.
Tôi biết chắc là có rất nhiều người dân tự phát. Không ít người dân còn hỏi ý kiến tôi rằng chúng tôi có nên thế này, có nên thế kia không? Quả thực là thông tin của họ không đầy đủ. Quả thực là sự việc này gây bức xúc cho người dân do chúng ta tuyên truyền chưa tốt, chúng ta lấy ý kiến chưa tốt.
Cũng nhân dịp này, tôi cảm thấy chúng ta rất cần luật Biểu tình. Nếu quả thực có luật Biểu tình thì người dân có thể bày tỏ ở đúng nơi, đúng chỗ, đúng mức độ. Và chúng ta có thể điều chỉnh được đối với những người quá khích. Chính vì chúng ta không có luật nên mới xảy ra tình trạng này.
Tôi biết có không ít người dân rất thành tâm tham gia việc đó, chứ không phải ai cũng là quá khích. Nhưng chúng ta không có hệ thống pháp lý để người dân bày tỏ quan điểm của mình dưới hình thức biểu tình, điều chúng ta ghi nhận trong Hiến pháp đã 70 năm nay rồi, tại sao không thực hiện?
Phát biểu trước Quốc hội đầu phiên họp sáng nay, Chủ tịch Quốc hội có nói: "Trong hành động, phát ngôn đừng tạo ra thêm bất kỳ sự ngộ nhận, hiểu nhầm nào nữa; (vì) sự ngộ nhận đó lan ra ngoài xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình của đất nước". Ông nghĩ sao về nhắc nhở này?
Đại biểu Quốc hội có quyền phát ngôn chứ, vấn đề là phát ngôn ở đâu, phát ngôn ở thời điểm nào. Nếu phát ngôn ở Quốc hội, phát ngôn với các phương tiện thông tin đại chúng là đúng chứ! Còn sự cẩn trọng là cần thiết.
Cụ Hồ nói: dân chủ là làm sao cho dân mở miệng, đừng để dân sợ không dám mở miệng, càng không nên để dân chán không thiết mở miệng.
Bên cạnh luật “đặc khu” thì người dân cũng rất quan tâm đến luật An ninh mạng sẽ được Quốc hội bấm nút vào sáng mai (12.6). Đến lúc này, ông đã có đủ thông tin để đưa ra quyết định?
An ninh mạng là vấn đề hết sức nhạy cảm, tôi mong muốn có sự thận trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đặc biệt là của những người am hiểu. Tôi lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp và sẽ có sự lựa chọn riêng khi biểu quyết.
Thưa ông, đến lúc này đại biểu đã nhận được dự thảo luật mới nhất chưa? Những ý kiến đóng góp nào của đại biểu đã được tiếp thu so với phiên bản cũ?
Tôi không trả lời câu hỏi này.
Xin cảm ơn đại biểu!
Bình luận (0)