Dai dẳng bạo lực gia đình

18/10/2018 10:16 GMT+7

“Quan niệm” bạo lực gia đình vẫn là chuyện nội bộ cùng với nhiều bất cập khi áp dụng luật đã khiến tình trạng bạo lực vẫn dai dẳng và tăng trở lại tại TP.Đà Nẵng.

Ngày 17.10, TP.Đà Nẵng tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và tập trung phân tích nguyên nhân khiến số vụ BLGĐ đang tăng trở lại. Có tổng cộng 1.766 vụ BLGĐ được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2009 - 2018, giai đoạn đầu áp dụng luật có giảm dần nhưng bất ngờ tăng trở lại trong vòng 4 năm gần đây.
Phân tích sâu hơn, cơ quan chuyên môn nhận thấy trong số hàng nghìn vụ BLGĐ “tập trung” chủ yếu là bạo lực về thân thể, kế đến là bạo lực về mặt tinh thần, kinh tế, kể cả bạo lực tình dục… Tuy nhiên, chỉ vỏn vẹn có 45 trường hợp bị xử lý hình sự. Mức án 6 năm tù tội giết người và cố ý gây thương tích mà TAND TP.Đà Nẵng vừa tuyên ngày 9.10 đối với Đỗ Sơn (53 tuổi, trú P.Thanh Khê Tây, Q.Thanh Khê) là một trong số đó.
Bi kịch xảy ra rạng sáng 15.4, Sơn mắng vợ nên sau đó có va chạm với 2 con gái (My My 20 tuổi can ngăn, Hoàng Ny 24 tuổi bị mắng vì đi chơi qua đêm, bị con giật chai rượu mang đi đổ). Sơn cầm dao nhọn đâm vào bụng Ny và gây thương tích cho My…
Đề xuất bổ sung, chỉnh sửa luật
Sở VH-TT TP.Đà Nẵng đề xuất Luật phòng chống BLGĐ cần quy định thẩm quyền, trình tự thủ tục tiếp nhận và xử lý thông tin BLGĐ, giúp cơ quan điều tra đủ cơ sở; thay hình thức phạt tiền bằng lao động công ích. Mỗi nơi áp dụng mỗi khác do không giải thích khái niệm “thành viên gia đình” trong khái niệm “BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại đối với thành viên khác”. Luật chưa có cơ chế giữa các cơ quan, tổ chức thi hành; Nghị định 167 (về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự) không xử lý BLGĐ.
Tại hội nghị hôm qua, nhiều ý kiến cho rằng phần đông mọi người hiện vẫn xem BLGĐ là chuyện “nội bộ gia đình”, do tư duy phong kiến, trọng nam khinh nữ. Ngay chính các bị hại cũng e ngại, hàng xóm càng không muốn va chạm nên vụ việc không được tố giác kịp thời; khi xảy ra chuyện thì đã quá muộn.
Nhiều người dân địa phương ở xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang) vẫn còn nhớ vụ Thái Văn Thanh (41 tuổi) dùng kéo đâm vợ là chị Trần Thị Linh (45 tuổi) tối 20.11.2015, phải nhận mức án 8 năm tù trong phiên xử hồi năm 2016. Trong câu chuyện này, chị Linh là nạn nhân tội nghiệp của nạn BLGĐ: thường xuyên bị chồng đánh đập nhưng chịu đựng. Đã suýt xảy ra án mạng nếu các con không kịp thời đưa mẹ đi cấp cứu.
Kinh tế khó khăn, ghen tuông… cũng góp phần đẩy BLGĐ gia tăng số lượng. Tại TP.Đà Nẵng, BLGĐ vẫn còn xảy ra đối với phụ nữ, người già và trẻ em. “Đây mới chỉ là con số bề nổi, còn thực tế đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình tình trạng bạo lực còn xảy ra nhiều mà chưa được phát hiện do sự cam chịu, nhẫn nhịn, muốn giữ thể diện và hạnh phúc gia đình của nạn nhân”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, nhận xét.
BLGĐ trên thực tế đã vậy, BLGĐ “trên giấy” càng khó nắm bắt. Bởi theo Sở VH-TT, 9 hành vi xếp vào BLGĐ vẫn còn chung chung, chưa đầy đủ, chưa có thông số cụ thể để xác định mức độ. Đơn cử, khó chứng minh hành vi BLGĐ, nhất là các hành vi chưa đến mức cấu thành tội phạm. Vì vậy, chính quyền TP.Đà Nẵng thúc giục phải kết hợp tuyên truyền, nhân rộng mô hình hiệu quả với đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử lưu động để răn đe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.