Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội ô tô Hà Nội, bức xúc của người dân và tài xế là đúng. Cơ quan quản lý là Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Tiền Giang phải đối thoại với dân để tìm ra giải pháp tạm thời giảm bớt căng thẳng.
Ông Liên cho rằng, về phía Bộ và nhà đầu tư đã có điểm “lùi” khi yêu cầu giảm phí 30%, nhưng bức xúc cơ bản của người dân là vị trí trạm thì lại chưa có hướng xử lý.
“Cả nước không chỉ có trạm Cai Lậy mà có 7 trạm đặt không đúng vị trí. Nếu giải quyết không tốt sẽ tạo dư âm không tốt về đồng thuận trong xã hội, vì thế một phía phải lùi xuống. Hai bên cùng căng sẽ phải ra toà án, hợp đồng dân sự ký giữa Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư, nhưng người mua là người dân, người dân không chấp nhận mức phí đó phải xem xét lại. Đối thoại để giải quyết cơ bản cho dân đồng thuận”, ông Liên nhìn nhận.
Hai người bị công an cưỡng chế 'mời' lên xe về trụ sở làm việc, ba lần cánh tài xế dùng tiền lẻ để phản đối, yêu cầu thối đúng 100 đồng và ba lần BOT Cai Lậy phải xả trạm. Đến trưa 1.12, trạm BOT Cai Lậy vẫn chưa hoạt động lại.
Nhưng kèm theo đó vẫn phải giải quyết mức phí, bởi phí tính hiện nay chỉ cho dự án đầu tư 12 km đường tránh mà thu cao hơn cả đường cao tốc 5 - 6 làn xe là không hợp lý, cơ quan quản lý phải tiếp tục lùi một bước, giảm phí xuống 50%.
Phải di dời trạm BOT
Ông Liên cho rằng, đặc biệt, phải di dời trạm BOT Cai Lậy hiện nay. “Việc di dời trạm cần phải có nghiên cứu về luật pháp, phương án tài chính, quyền lợi của nhà đầu tư. Khi cháy nhà phải dẹp ngọn lửa rồi tìm nguyên nhân sau. Nhà nước và nhà đầu tư phải lùi một bước để tạo sự đồng thuận. Nếu kéo dài thì sau này thu hút các nhà đầu tư vào dự án BOT rất khó, các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án BOT cũng rất ngại. Tránh tạo dư âm xấu kéo dài, từ vấn đề kinh tế chuyển thành mâu thuẫn xã hội là không nên”, ông Liên cảnh báo.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho rằng, mâu thuẫn Cai Lậy dai dẳng như vậy do thiếu một cuộc đối thoại công khai và cầu thị thực sự giữa Bộ Giao thông vận tải, nhà đầu tư, địa phương và người dân. Dù không ủng hộ những anh em tài xế dùng tiền lẻ để gây ùn tắc, nhưng theo ông Thanh, những tài xế này ở thế cực chẳng đã mới làm vậy.
“Mấu chốt của Cai Lậy là đặt trạm sai vị trí, vì thế giải pháp triệt để nhất chỉ có di chuyển trạm vào tuyến tránh. Việc di dời vị trí trạm đương nhiên sẽ phá vỡ hết phương án tài chính nhưng sẽ cứu vãn tình hình các phương tiện không đi tuyến tránh không phải trả tiền”, ông Thanh nói.
Để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư trong trường hợp di dời trạm, Nhà nước phải tính lại phương án tài chính, làm việc với cả ngân hàng.
Phương án chỉ thu đường tránh sẽ kéo dài thêm thời gian thu phí, nhưng có thể áp dụng biện pháp phân luồng như nhiều địa phương thực hiện là không cho xe tải trọng lớn đi vào đường quốc lộ cũ. “Đây là biện pháp triệt để. Khi đã di chuyển trạm, nếu xe tải trọng lớn vẫn đi vào quốc lộ là đi vào đường cấm”, ông Thanh nói.
Dự án BOT Cai Lậy hoàn thành và tổ chức thu giá dịch vụ từ 1.8, tuy nhiên chỉ sau một vài ngày thu phí đã nổ ra "cuộc chiến tiền lẻ", khi tài xế sử dụng tiền lẻ làm ùn tắc khiến nhà đầu tư phải nhiều lần xả trạm, trước khi ngừng thu.
Sau 3 tháng ngừng thu, BOT Cai Lậy thu phí trở lại vào 30.11, nhưng cuộc chiến tiền lẻ vẫn tiếp diễn khiến trạm này phải xả liên tiếp 10 lần trong 3 ngày.
|
Bình luận (0)