Dân có thể khởi kiện nếu chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật

21/10/2013 17:44 GMT+7

(TNO) Thảo luận về dự thảo luật Việc làm chiều nay 21.10, một số đại biểu lo ngại về tính khả thi trong một số quy định, trong đó có việc Chính phủ, các bộ ngành liên quan chậm ra văn bản hướng dẫn thi hành.

>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng
>> Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13
>> Y đức trong ngành y tế gây bức xúc dư luận

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) dẫn ra con số 51% văn bản hướng dẫn pháp luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay Chính phủ vẫn còn nợ dân trên cơ sở giám sát của Ủy ban Pháp luật và cho rằng “đây là vấn đề cử tri nói rất nhiều”.

Đối với luật Việc làm, theo ông Thuyền có 14 điều phải hướng dẫn, trong đó có 12 điều giao cho Chính phủ hướng dẫn và 2 điều cho bộ ngành liên quan hướng dẫn.

Tuy nhiên, giữa luật và Nghị định đang có những điểm mâu thuẫn nhau như: luật đã giải thích từ ngữ nhưng Nghị định lại tiếp tục giải thích, nhiều quy định không quy định hướng dẫn nhưng Chính phủ vẫn hướng dẫn.

“Luật cứ mâu thuẫn như thế này thì rất khó thực hiện”, ông Thuyền than.

Vị đại biểu này cũng đề nghị các quy định nào cần hay không cần hướng dẫn thì ghĩ rõ luôn trong luật. Nếu luật quy định mà Chính phủ không hướng dẫn là vi hiến.

“Nếu Chính phủ, các bộ ngành không hướng dẫn thi hành thì nên để người dân kiện, vì như thế là vi hiến. Dân không đóng thuế thì bị phạt nhưng Chính phủ không ban hành hướng dẫn thì cũng phải chịu trách nhiệm", ông Thuyền nói.

Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Việc làm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày cũng cho rằng dự thảo lần này đã được chỉnh lý theo hướng giảm các nội dung giao cho Chính phủ hướng dẫn.

Đi sâu vào nội dung cụ thể của dự thảo luật, đa số các ý kiến thảo luận bày tỏ sự đồng tình với việc tiếp thu và chỉnh lý, song bên cạnh đó cũng còn không ít băn khoăn..

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) cho rằng việc giải quyết và chi trả bảo hiểm thất nghiệp hiện nay có rất nhiều thủ tục và do trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đảm trách là ôm đồm quá nhiều việc, nhiều công đoạn khiến người lao động phải đi lại vất vả. Do vậy ông Châu đề nghị luật nên điều chỉnh làm thế nào để người lao động khi về địa phương vẫn được chi trả tại nơi cư trú.

Cũng đồng tình với quan điểm này, ông Đăng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị nên chăng để bảo hiểm xã hội cấp huyện, cấp quận chi trả thì sẽ thuận lợi hơn. 

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị luật cần có quy định đảm bảo sự công bằng của các thành phần tham gia trong việc thành lập trung tâm dịch vụ việc làm, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Trong đó, cả  đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) và đại biểu Đặng Ngọc Tùng, đều có chung quan điểm là cần phải khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào giải quyết việc làm.

Trước một số ý kiến đại biểu đề nghị không giao cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, hội nghề nghiệp tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề vì dễ xảy ra tình trạng lợi dụng, không chính xác trong đánh giá, gây lãng phí, đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) cho rằng đây là những quan điểm phân biệt đối xử, độc quyền nhà nước và không hiểu biết về các tổ chức xã hội.

“Thời gian qua đã có hàng vạn, hàng triệu lao động được dạy nghề qua các tổ chức chính trị - xã hội, nói như vậy không lẽ các tổ chức của Nhà nước thì không có tiêu cực, lãng phí”, ông Pha bức xúc.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.